Năm thứ 2 triển khai CTGDPT mới bậc THCS, Hiệu trưởng nêu một số vấn đề trăn trở

01/05/2023 06:37
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đã là năm thứ 2 triển khai chương trình GDPT 2018 tại nhà trường, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Bình Dương) vẫn đứng trước nhiều băn khoăn, trăn trở.

Soạn giáo án theo Công văn 5512 là “gánh nặng” cho cả giáo viên, học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Diệp Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Nhà trường là một trong những trường thuộc khu vực trung tâm của thành phố, nên số lượng học sinh khá đông, toàn trường có 1.815 học sinh, 48 lớp, sĩ số bình quân khoảng hơn 40 học sinh/lớp. Về cơ sở vật chất, số lượng phòng học và kích thước phòng đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đang gặp một số khó khăn, do diện tích phòng học hơi nhỏ...

Một trong những điểm tích cực là chương trình giáo dục phổ thông 2018 giao quyền cho Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, chỉ đạo xây dựng khung phân phối chương trình phù hợp với sách giáo khoa và công tác giảng dạy của giáo viên.

Cô Diệp Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Ngân Chi.

Cô Diệp Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Ngân Chi.

Thứ hai, tôi cảm thấy tâm đắc nhất ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính là theo mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, thay vì truyền thụ kiến thức như trước đây, giáo viên phải là người tổ chức cho các em hình thành nên kiến thức trong tiết học. Đồng thời, sách giáo khoa bây giờ không phải là duy nhất, học sinh và giáo viên có thể tham khảo thêm nhiều loại sách.

Tuy nhiên, khi chỉ đạo để giáo viên bắt đầu thực hiện, bản thân là lãnh đạo, tôi lại thấy gặp nhiều khó khăn đặc biệt đối với môn Khoa học tự nhiên.

Ngay từ khi triển khai chương trình đến lớp 6, trường cũng đã gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự giảng dạy. Ban đầu, các thầy cô đã tập huấn trong hè, có tiếp cận với sách, nghiên cứu nhưng có lẽ vẫn còn bỡ ngỡ khi đứng vai trò dạy cả 3 phân môn cùng lúc. Chúng tôi đưa ra một giải pháp, xếp thời khóa biểu dạy luân phiên theo chủ đề, đến chủ đề thuộc phân môn nào thì giáo viên thuộc chuyên môn đó sẽ dạy. Khi làm như vậy đảm bảo giáo viên giảng dạy có chất lượng trong chủ đề và bộ môn của mình nhưng lại gặp rối về thời khóa biểu.

Trong quá trình năm trước, nhà trường đã tổ chức dự giờ, thao giảng, để các thầy cô học tập lẫn nhau, tự tìm tòi và nghiên cứu cho bộ môn. Năm học này, trường đã có một nguồn nhân lực dạy tích hợp, tức là chỉ một giáo viên có thể đảm nhiệm dạy Khoa học tự nhiên lớp 6. Nhưng với lớp 7 lại tiếp tục phương pháp dạy luân phiên chuyên đề như đối với chương trình lớp 6 ở năm học trước.

Tuy nhiên, băn khoăn và lo lắng nhất là trong các năm học tiếp theo, đối với chương trình lớp 8, lớp 9, nhà trường chưa dám bố trí một người dạy cho toàn bộ môn Khoa học tự nhiên, nên lại phải tiếp tục dạy chủ đề nữa, nên xếp thời khóa biểu cũng là một nan giải cho trường”.

Diện tích phòng học cùng các điều kiện cơ sở vật chất khác của Trường Trung học cơ sở Chu Văn An hiện chưa đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Ngân Chi.

Diện tích phòng học cùng các điều kiện cơ sở vật chất khác của Trường Trung học cơ sở Chu Văn An hiện chưa đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Ngân Chi.

“Một băn khoăn nữa, nếu dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nếu giáo viên vẫn dạy chủ đề thì không nói, nhưng tiến tới, để có được nguồn nhân sự dạy tích hợp thì đó là cả một thời gian dài.

Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cũng đã có kết hợp với một số trường sư phạm để bồi dưỡng cho giáo viên. Tuy nhiên, một phân môn trước đây giáo viên đi học mất 3-4 năm mà bây giờ bồi dưỡng trong 3-6 tháng, liệu giáo viên có đáp ứng để một mình dạy được Khoa học tự nhiên không? Đó là nỗi lo không phải của riêng tôi mà của rất nhiều cán bộ quản lý khác.

Còn khó khăn nữa đối với Hoạt động trải nghiệm, hiện tại đang được bố trí 3 tiết/tuần, như vậy là quá nhiều. Nếu phân công tiết Hoạt động trải nghiệm này cho giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách đội,... thì không đạt mục tiêu giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, vì giáo viên phải có chuyên môn sâu. Hướng mà nhà trường tính đến để giải quyết với Hoạt động trải nghiệm này là không chia nhỏ cho các giáo viên hỗ trợ mà phải phối hợp, tổ chức một chuyên đề. Nhưng như vậy cũng vướng phải khó khăn về kinh phí, chẳng hạn muốn tổ chức cho học sinh đi tham quan bảo tàng, khu di tích, hay làng nghề truyền thống, cũng phải có một nguồn kinh phí thì mới có thể phối hợp thực hiện hoạt động trải nghiệm này được” - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cho biết.

Một vấn đề nữa khiến cô Diệp Thị Ngọc Dung trăn trở, đó là giáo viên phải xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, quá vất vả, nặng nề cho giáo viên, không còn thời gian nghiên cứu bài học.

Hơn nữa, nữ Hiệu trưởng cũng bày tỏ: “Nếu giáo viên đã xây dựng được một kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 cho một bài dạy thì với một số học sinh có lực học trung bình yếu, sẽ bị thụt lùi lại so với các bạn. Bởi vì nếu xây dựng theo công văn này, giáo viên tổ chức cho học sinh hình thành kiến thức, phải có sự chuẩn bị để tạo ra một sản phẩm, có thể cho hoạt động nhóm, mà như vậy, học sinh nào giỏi sẽ được phát huy năng lực, còn những em yếu trong nhóm lại không đủ lực để tham gia. Điều này khiến việc đánh giá thực chất của một số em không được thực hiện một cách chính xác”.

“Thêm một khó khăn tôi cho rằng đây cũng chính là băn khoăn, lo lắng của rất nhiều người làm cán bộ quản lý, đó là theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh hình thành kiến thức thông qua các hoạt động, nhưng khi kiểm tra, có thể lại vẫn dùng đề thi theo “nếp cũ”.

Một trong những khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là khi học trên lớp và kiểm tra thường xuyên thì có thể sử dụng nhiều phương pháp, nhưng học sinh vẫn phải làm bài thi với đề theo hướng cũ vào cuối kỳ. Ảnh: Ngân Chi.

Một trong những khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là khi học trên lớp và kiểm tra thường xuyên thì có thể sử dụng nhiều phương pháp, nhưng học sinh vẫn phải làm bài thi với đề theo hướng cũ vào cuối kỳ. Ảnh: Ngân Chi.

Hiện tại, công tác kiểm tra, đánh giá vẫn triển khai theo hướng mới như thông qua làm chuyên đề, dự án, nhưng đến cuối kỳ, học sinh vẫn phải làm theo một đề kiểm tra theo ma trận đề thi chung theo hướng cũ. Ma trận xây dựng lại nghiêng về tái hiện kiến thức theo một guồng cũ, học sinh phải thuộc thì mới làm được. Bên cạnh đó, có thể kể đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tới đây, nội dung đề kiểm tra vẫn là yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức theo kiểu lý thuyết, chứ không phải là yêu cầu kỹ năng như khi học bài đó. Như vậy, vô tình gây khó cho học sinh.

Đổi mới phương pháp dạy và học đòi hỏi phải đi đôi với đổi mới kiểm tra, đánh giá, kể cả với kỳ thi tuyển sinh” - cô Diệp Thị Ngọc Dung phân tích.

Nhiều đề xuất, kiến nghị để “bắt kịp” chương trình

Từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai tại nhà trường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An bày tỏ: “Chúng tôi đề nghị tới đây sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn, như hiện nay, mặc dù nhà trường đã tiến hành quản lý viên chức trên phần mềm, quản lý bảng điểm của học sinh cũng trên hệ thống, nhưng về học bạ điện tử thì làm như thế nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn thật chi tiết về nội dung này, chứ hiện tại, nhà trường vẫn đang tự “mò mẫm”.

Thứ hai, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại Công văn 5512 để yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy cho một tiết học “nhẹ” đi. Như vậy, vừa giảm “gánh nặng” cho giáo viên, đồng thời, trong một tiết dạy, có thể giúp các em học sinh yếu hơn nắm bắt được kiến thức, có thể đủ sức “bắt kịp” với các bạn trong lớp. Có như vậy, đối với người làm công tác quản lý như chúng tôi, mới cảm thấy đảm bảo chất lượng và an tâm.

Thứ ba, chúng tôi cũng mong địa phương sẽ quan tâm hơn đến đầu tư cơ sở vật chất. Hiện tại đã là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng vẫn chưa nhận được một trang thiết bị nào. Điều này gây nhiều khó khăn cho giáo viên khi chuẩn bị kế hoạch bài dạy cũng như quá trình lên lớp trực tiếp giảng dạy”.

Ngân Chi