Được nghỉ hưu ở tuổi 55 sẽ hạn chế giáo viên mầm non nghỉ việc

26/05/2024 06:38
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ giáo dục và Đào tạo, cho biết theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính từ tháng 8.2023 đến tháng 4.2024, vẫn còn 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Trong số 7.215 giáo viên nghỉ việc, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao (1.600 giáo viên mầm non) và giảm dần theo các cấp học từ thấp đến cao. [1]

2-9475.jpg
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân vì sao giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều?

Người viết xin được liệt kê 4 nguyên nhân chính khiến giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều thời gian qua như sau:

Thứ nhất, lương giáo viên mầm non thấp hơn so với giáo viên phổ thông

Hiện nay, theo các Thông tư bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, lương giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38.

Đối với giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III có hệ số lương 2,34-4,98, hạng II có hệ số lương 4,0-6,38, hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.

Hiện nay, giáo viên nếu có trình độ đại học hoặc cao hơn nếu trúng tuyển bậc mầm non cũng chỉ được bổ nhiệm hạng III có hệ số lương 2,1-4,89, việc thăng hạng lên hạng II thì cần đảm bảo tiêu chuẩn, thời gian giữ hạng nhưng hệ số lương không thay đổi nhiều, việc thăng hạng lên hạng I thì quá khó, đa số giáo viên mầm non cũng chỉ được xếp hạng III, II.

Thứ hai, thời gian làm việc nhiều nhất

Căn cứ Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định về giờ dạy của giáo viên mầm non, cụ thể như sau: giờ dạy trên lớp của giáo viên mầm non được quy định như sau:

Giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày.

Giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày.

Giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ như trên; trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.

Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.

Trên thực tế, giáo viên mầm non làm việc cao hơn số giờ quy định trên, giáo viên mầm non thường đến sớm để đón trẻ và về trễ khi trẻ đã được phụ huynh đón hết.

Đối với giáo viên tiểu học hiện nay thực hiện giảng dạy 23 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút) tương ứng khoảng 13,4 giờ mỗi tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần tương ứng 14,25 giờ mỗi tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần tương ứng 12,75 giờ mỗi tuần, giáo viên phổ thông thực dạy chỉ khoảng 4- 5 buổi/tuần.

Thời gian làm việc của giáo viên mầm non là nhiều nhất so với các bậc còn lại.

Thứ ba, áp lực lớn

Giáo viên mầm non có thể nói là bậc học vất vả nhất, áp lực nhất, ngoài việc đi sớm, về trễ, trong suốt quá trình giảng dạy phải giữ gìn, bảo vệ, dạy dỗ vài chục trẻ em, phải lo việc ăn uống, vệ sinh, khóc, đùa giỡn, đánh nhau,…

Nhiều vụ việc giáo viên mầm non thiếu kiềm chế, quá áp lực nên đã xảy ra nhiều vụ đáng tiếc.

Không thể biện minh cho các hành vi bạo hành trẻ em, nhưng quản lý vài chục trẻ nhỏ là không dễ, cần sự chung tay của nhà trường, gia đình, xã hội, không thể giáo viên mầm non đơn độc, thu mình.

Thứ tư, công việc vất vả

Giáo viên mầm non thường làm công việc tại trường, khi về đến nhà thì đến chiều tối.

Không những thế, giáo viên mầm non tận dụng thời gian rảnh phải thực hiện đồ dùng dạy học, tham gia các phong trào, hội thi,...

Giáo viên mầm non thậm chí không có thời gian chăm lo cho con cái của mình, gia đình mình.

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55

Tại Điều 46 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo như sau:

"1. Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;

2. Trước 06 (sáu) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 (ba) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.

3. Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng."

Trước đây, đã có rất nhiều đề xuất, phương án về giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm (nghỉ hưu ở 55 tuổi) hay đưa giáo viên mầm non trở thành nghề nặng nhọc, độc hại (đối tượng nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định), tuy nhiên đến giai đoạn hiện nay đề xuất đó chưa thành hiện thực.

Lần này, giáo viên mầm non được luật hóa vào dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được nghỉ hưu ở 55 tuổi (trước 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của giáo viên các bậc học khác theo Luật Lao động).

Nhiều giáo viên mầm non vui mừng với đề xuất này, họ hy vọng Luật Nhà giáo sớm được thông qua, giáo viên mầm non là ngành có nhiều công việc vất vả, đưa đón trẻ, giữ trẻ, làm đồ dùng, ca múa, hát, năng khiếu,...đến 6o tuổi sẽ không thể thực hiện hoàn thành nhiệm vụ.

Người viết qua trao đổi không chỉ với nhiều giáo viên mầm non và các giáo viên các bậc học khác đều đồng thuận rất cao với đề xuất luật hóa giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở 55 tuổi, mong sớm được thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/hon-7000-giao-vien-nghi-viec-trong-10-thang-185240508174245809.htm

[2] Dự thảo Luật Nhà giáo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên