LTS: Bàn về công tác chấm thi vào lớp 10, thầy giáo Sông Trà kiến nghị về việc nên có 50% giáo viên trung học cơ sở tham gia chấm thi sẽ đảm bảo kết quả tuyển sinh chính xác hơn.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hoàn thành công tác tổ chức coi thi tuyển sinh vào lớp 10, các Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành ngay khâu chấm thi để sớm có kết quả điểm và công bố điểm trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập.
Đây là kỳ thi tuyển chọn thí sinh vào học lớp 10 của các trường trung học phổ thông công lập.
Cho nên phần lớn Sở Giáo dục và Đào tạo thường điều động các thầy cô giáo dạy cùng những bộ môn có thi tuyển ở các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố để đánh giá, thẩm định bài thi của thí sinh.
Một số địa phương đã bắt đầu việc chấm thi vào lớp 10. Ảnh minh hoạ: Baonghean.vn |
Thế nhưng các đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đều thuộc về nội dung, kiến thức của chương trình, sách giáo khoa cấp trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9, chủ yếu ở lớp 9 cuối cấp.
Có cái khó cho các giám khảo chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 ở đây là từng quen dạy và chấm nội dung, kiến thức của chương trình trung học phổ thông song nay lại phải thích nghi để chấm, đánh giá các nội dung, kiến thức của chương trình trung học cơ sở.
Trong các bài thi tự luận thì bài thi môn Ngữ văn khiến một số thầy cô giáo gặp khó khăn, lúng túng nhiều nhất.
An Giang dự kiến công bố điểm thi tuyển sinh 10 vào ngày 19/6 |
Sau khi biết mình có tên trong danh sách làm giám khảo chấm tuyển sinh vào lớp 10, các thầy cô giáo không thể không đọc, ngẫm nghĩ lại các tác phẩm, đoạn thơ, đoạn văn thuộc chương trình trung học cơ sở liên quan trực tiếp trong đề thi.
Có giám khảo đến ngày đi thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung 10 bài vẫn chưa hình dung, thuộc chính xác bài thơ, đoạn văn trích dẫn, yêu cầu nghị luận tại đề thi.
Có giám khảo nhớ nhớ, quên quên về phương pháp giải bài toán bậc 2 thông dụng của môn Toán học lớp 9.
Một khi giám khảo đi chấm thi mà chưa kinh qua, giảng dạy chương trình đó thì tất nhiên việc đánh giá, chấm điểm sẽ khó khăn, thậm chí thiếu có lúc chuẩn xác, gây thiệt thòi cho thí sinh.
Bởi cách thể hiện, diễn đạt, cảm thụ văn học, cách giải một bài toán của từng thí sinh vốn rất đa dạng, phong phú.
Dẫu biết rằng các giám khảo có thể căn cứ vào hướng dẫn chấm, biểu điểm chấm cụ thể, chi tiết cho từng câu, từng ý…
Những mốc thời gian học sinh cần nhớ sau khi kết thúc thi tuyển vào lớp 10 |
Phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương lâu nay thường hay lên điểm, thay đổi điểm nhiều cũng có căn nguyên từ thầy cô giáo trung học phổ thông chấm bài thi thuộc chương trình trung học cơ sở.
Có một số Sở Giáo dục và Đào tạo đã thấy được những bất cập, hạn chế của việc chấm thi như vậy nên đã điều chỉnh, cải tiến theo hướng, điều động 50% giám khảo trung học cơ sở và 50% giám khảo trung học phổ thông.
Mỗi bài thi của thí sinh đều có một giám khảo trung học cơ sở và một giám khảo trung học phổ thông thẩm định, đánh giá.
Điều chỉnh này đã làm cho việc đánh giá, chấm điểm trở nên phù hợp và chính xác hơn.
Số lượng thí sinh có nguyện vọng phúc khảo lại bài giảm xuống đáng kể.
Khâu chấm thi bài thi tự luận môn Ngữ văn tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã giao hẳn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, tất cả do giáo viên trung học phổ thông chấm (khác với những năm trước đó) cho thấy hiệu quả và mức độ tin cậy tốt hơn.
Theo tôi, tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo nên điều chỉnh, cải tiến lực lượng, con người chấm thi các môn tự luận trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo cách mà một số địa phương đang thực hiện.
Đó là 50% giáo viên trung học phổ thông, 50% giáo viên trung học cơ sở, cùng phối hợp với nhau để chấm các thi môn Ngữ văn, môn Toán, môn tiếng Anh…
Như vậy, chắc chắn các thí sinh và phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào những con người “cầm cân nảy mực” ấy.