Nên để học sinh làm vệ sinh hay thuê người quét dọn trường lớp?

20/08/2023 06:48
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Vệ sinh lớp học, quét dọn sân trường nên để học sinh trực tiếp làm. Điều này, sẽ giúp các em biết yêu lao động, biết giữ gìn vệ sinh chung. 

Trường học là môi trường làm việc của cán bộ, giáo viên… và học sinh. Để giữ gìn trường lớp sạch sẽ, tạo bầu không khí thoáng đãng và mát mẻ phải làm tốt công tác vệ sinh mỗi ngày. Câu hỏi được đặt ra: vậy ai sẽ dọn dẹp vệ sinh trường lớp?

Mỗi trường một cách làm

Một số trường tiểu học hiện nay tiến hành thuê lao công trọn gói. Từ quét dọn lớp học, sân trường đến lau chùi các dãy nhà vệ sinh cho học sinh. Cứ sau mỗi buổi học, khi các em tan trường, đội ngũ lao công sẽ bắt đầu công việc quét dọn của mình.

Học sinh đến trường ngoài việc học tập, vui chơi sẽ không phải làm bất cứ một việc gì dù chỉ nhặt vài cọng rác.

Một số trường học khác, việc đảm nhận công việc quét lớp và sân trường là mỗi học sinh. Giáo viên chủ nhiệm sẽ là người chịu trách nhiệm chính. Thầy cô giáo sẽ phân công trực nhật lớp và sân trường cho từng nhóm trong lớp. Mỗi buổi sáng, những học sinh được phân công sẽ đi học sớm hơn các bạn từ 10 đến 15 phút để làm trực nhật.

Học sinh lớp 2 đang quét dọn vệ sinh mỗi buổi đến trường. Ảnh: Phan Tuyết

Học sinh lớp 2 đang quét dọn vệ sinh mỗi buổi đến trường. Ảnh: Phan Tuyết

Tuy nhiên câu chuyện để học sinh quét dọn trường lớp vào mỗi buổi đến trường, ngỡ chỉ là một chuyện bình thường lại gặp phản ứng trái chiều từ nhiều phía.

Tranh luận trái chiều từ phụ huynh

Chị Thúy Vy, một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Bình Thuận phàn nàn: “Con đến trường đi học mà phải quét dọn vệ sinh sẽ thấy rất tội. Cha mẹ nên bỏ ra ít tiền để thuê người quét dọn thay con”. Khi nhà trường không đồng ý, mỗi buổi sáng chở con đến lớp, chị lại tranh thủ lấy chổi quét dọn lớp để con và bạn bè không phải làm.

Chị Thanh Hoa, một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Đắk Nông cho biết: “Bắt con nhặt rác, dọn vệ sinh gớm lắm. Ở nhà, con tôi không phải làm việc gì cả. Bản thân bé còn chưa bao giờ cầm chổi quét nhà mà lên trường lại bắt con nhặt rác”.

Một phụ huynh khác cũng phản ứng quyết liệt: “Bắt con làm vệ sinh sân trường, sẽ xảy ra tình trạng, một tay cầm nắm xôi, ổ bánh mì, một tay cầm bị rác thì mất vệ sinh lắm. Phụ huynh nên đóng tiền để thuê lao công cho họ dọn dẹp”.

Đồng tình với những ý kiến trên, có phụ huynh cũng cho rằng, bỏ ra vài chục ngàn đồng chẳng đáng là bao nhưng con mình sẽ được sạch sẽ, đến trường không phải lo quét dọn và lượm rác nữa.

Chị Lan Chi, phụ huynh của tôi lại đồng tình với việc nên để cho trẻ làm quen với lao động ngay từ nhỏ. Các con phải biết quét dọn vệ sinh lớp, biết nhặt rác quanh trường. Có trực tiếp làm mới biết cách giữ gìn vệ sinh. Nếu có người dọn sẵn, sẽ bạ đâu vứt đó.

Giáo viên nói gì?

Thầy giáo Quang Hùng, giáo viên một trường tiểu học tại Đắk Nông chia sẻ suy nghĩ: “Chúng ta không chỉ giáo dục học sinh qua sách vở mà phải qua những trải nghiệm thực tế.

Yêu cầu học sinh quét dọn, nhặt rác trên sân trường mỗi ngày cũng là cách rèn cho các em tình yêu lao động, là dạy cho các em biết giữ gìn vệ sinh chung, biết bảo vệ môi trường.

Ngay cả việc học sinh lớp 5 mà không biết cầm cái chổi quét lớp thật đáng lo ngại. Có người dọn dẹp sẵn cho, nhiều em bóc cái bánh, cái kẹo hay uống một lon nước ngọt là ném ngay rác dưới chân với suy nghĩ "chốc nữa sẽ có người dọn”. Trẻ sẽ học tính ỉ lại sẽ lười lao động và sinh hoạt mất vệ sinh".

Cô giáo Thanh Thủy cũng đồng quan điểm, nhà trường chỉ nên thuê lao công làm một số công việc nặng như quét dọn khu vực nhà vệ sinh mỗi ngày, dọn cỏ trong vườn trường và xung quanh trường. Còn vệ sinh lớp học, quét dọn trên sân trường nên để học sinh trực tiếp làm. Đây cũng chính là "học đi đôi với hành" mà chương trình mới đang hướng tới.

Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích như các em biết yêu lao động, biết giữ gìn vệ sinh chung. Về nhà, các em cũng sẽ biết phụ cha mẹ quét nhà, quét sân thay vì cứ ôm khư khư chiếc điện thoại.

Thu tiền vệ sinh có vi phạm Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT?

Điểm B, Khoản 4, Điều 10 Thông tư 55/2011 quy định:

4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường ...

Rõ ràng, Thông tư 55 đã quy định rõ, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học khoản tiền để chi cho vệ sinh lớp học, vệ sinh trường. Vì thế, trường học nào hiện thu tiền từ phụ huynh để trả 2 khoản này là sai với quy định.

Tuy nhiên, trong thực tế, ở nhiều trường không có nguồn để chi trả việc này. Trong khi đó, công việc quét dọn, lau chùi nhà vệ sinh của học sinh cần phải thuê riêng người đảm nhận. Bởi, học sinh tiểu học còn quá nhỏ, không thể yêu cầu các em làm. Còn các thầy cô giáo lại càng không thể mỗi ngày đi quét dọn nhà vệ sinh cho học sinh.

Vì thế, trong cuộc họp đầu năm ở hầu hết các trường học, giáo viên các lớp vẫn thường xin ý kiến phụ huynh về việc này. Gần như 100% phụ huynh đều đồng tình góp tiền thuê lao công dọn dẹp nhà vệ sinh cho các em, riêng việc quét lớp, dọn rác trên sân trường vẫn yêu cầu học sinh phải làm. Trường nào khoản thu được minh bạch, công khai thì không gây ra tình trạng phản ứng nhưng nếu nơi nào thu cao hoặc không được cha mẹ học sinh đồng tình thì sẽ gây nhiều bức xúc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết