Nếu công tác ở trường tư thục, quốc tế, SV sư phạm diện NĐ 116 có phải bồi hoàn?

25/08/2023 06:29
Hồng Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số sinh viên sư phạm không còn muốn nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo NĐ 116 và muốn bồi hoàn lại khi chưa tốt nghiệp nhưng chưa có quy định cụ thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, Dự thảo đã bổ sung những quy định cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, về xây dựng dự toán và bố trí kinh phí và về vấn đề bồi hoàn kinh phí cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Bên cạnh đó, Dự thảo còn đặt ra yêu cầu đối với người học, từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tạ Thị Thu Trang - sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ, từ khi có Nghị định 116, những sinh viên sư phạm như Trang có thêm động lực để cố gắng, vươn lên trong học tập.

Tạ Thị Thu Trang - sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Tạ Thị Thu Trang - sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Bên cạnh đó, việc không bị áp lực quá nhiều đến tiền sinh hoạt giúp cho Trang có thể yên tâm, tập trung tối đa vào việc học, không phải dành nhiều thời gian đi làm thêm.

Về đề xuất sinh viên sư phạm có kết quả học tập loại yếu sẽ không được hỗ trợ sinh hoạt phí, Trang bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ: “Điều này là hợp lý vì chi phí hỗ trợ đã giúp cho sinh viên có điều kiện thuận lợi để học tập. Sinh viên cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình thông qua kết quả học tập, rèn luyện.

Nếu như năng lực của các bạn không đạt thì cũng khó đảm bảo sau này có thể công tác và cống hiến cho ngành giáo dục”.

Trang cũng chia sẻ thêm đây là một tiêu chí nhằm tạo động lực để sinh viên sư phạm cố gắng học tập, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo tương lai.

Trang nhấn mạnh thêm, sinh viên nhận chế độ theo Nghị định 116, là được hưởng hỗ trợ thì sau này sẽ cống hiến cho ngành giáo dục. Thế nên, nếu không học tập tốt ngay từ đầu thì cũng sẽ khó có cơ hội trúng tuyển và được công tác trong ngành. Đến lúc đó, có thể vẫn phải bồi hoàn lại chi phí hỗ trợ cho Nhà nước.

Về vấn đề bồi hoàn kinh phí, Trang cho biết vẫn còn một số điều khoản chưa cụ thể, rõ ràng.

Cụ thể như sau này khi đã tốt nghiệp, cử nhân sư phạm phải làm việc ở những loại hình cơ sở giáo dục nào thì không phải bồi hoàn lại kinh phí, liệu có bắt buộc phải công tác tại trường công lập hay có thể công tác ở những cơ sở giáo dục tư thục hoặc các trường quốc tế khác.

Trang hy vọng lần sửa đổi này Nghị định sẽ quy định mọi điều khoản thật cụ thể, chi tiết để sinh viên dễ dàng tiếp nhận thông tin. Cùng với đó là công tác triển khai hướng dẫn, hỗ trợ từ phía nhà trường, đặc biệt là khi tuyển sinh cần phổ biến rõ để tân sinh viên nắm bắt quy định một cách rõ ràng.

Khác với trường hợp của Trang được nhận hỗ trợ đều sau mỗi quý, Lê Tố Uyên, sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ việc bị chậm trễ trong quá trình nhận hỗ trợ.

Theo chia sẻ của Uyên, chi phí hỗ trợ sẽ được nhận theo quý, cứ 3 tháng một lần. Tuy nhiên đã hơn nửa năm nay Uyên vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Vì vậy, Uyên và các bạn đã đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt khi chưa nhận được trợ cấp.

Chi phí hỗ trợ chậm trễ, việc làm thêm cũng đã có nên Uyên cũng không còn mong chờ quá nhiều vào tiền hỗ trợ nữa. Uyên chia sẻ rằng không muốn tiếp tục nhận chi phí hỗ trợ nhưng trong Nghị định lại chưa có quy định rõ ràng về việc bồi hoàn kinh phí theo nguyện vọng của người học khi chưa tốt nghiệp.

Uyên bày tỏ nỗi lo lắng của bản thân về việc phải bồi hoàn lại chi phí hỗ trợ sau này nếu không được công tác trong ngành giáo dục: “Thực tế hiện nay việc thi vào viên chức ngành giáo dục là không dễ dàng; nếu không được công tác và làm việc trong ngành thì khoản bồi hoàn lại cũng không phải nhỏ và rất khó khăn với em và gia đình.”

Từ những nỗi lo và những điều còn vướng mắc, Uyên mong mỏi đầu ra của ngành sư phạm rộng mở hơn để các bạn sinh viên mới ra trường có cơ hội cống hiến cho giáo dục.

Theo Uyên, hưởng chế độ theo Nghị định 116 vừa là cơ hội cho sinh viên sư phạm học tập tốt nhưng cũng là áp lực cho người học. Vì vậy, sinh viên này mong muốn Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 116 sẽ xem xét việc đưa ra quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù đối với đối tượng sinh viên đào tạo theo diện Nghị định 116, đảm bảo đầu ra cho người học.

Nguyễn Thanh Thơ, sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Nguyễn Thanh Thơ, sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Góp ý về dự thảo sửa đổi Nghị định 116 lần này, Nguyễn Thanh Thơ, sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng bày tỏ quan điểm về cơ hội việc làm và mong muốn có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn.

Theo ý kiến của Thơ, sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách theo Nghị định 116 là đào tạo theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Nhiều người dù rất muốn cống hiến cho ngành giáo dục nhưng nếu không đỗ kỳ thi viên chức hay không được tuyển dụng thì họ có phải bồi hoàn kinh phí không, vậy nên trong Nghị định cũng cần có quy định cụ thể với những trường hợp này.

Hồng Giang