Chiều 23/6, Quốc hội đã thảo luận tại nghị trường về dự án Luật trưng cầu ý dân. Đại biểu Quốc hội nhận định, xây dựng luật là một bước tiến thể hiện sự trọng dân, tin dân, đồng thời cũng đặt ra nhiều lo lắng vì dự án luật bộc lộ nhiều sơ hở.
Ý kiến của dân có thực sự được tôn trọng?
Đáng chú ý Điều 12 quy định 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm: Tuyên truyền xuyên tạc làm sai lệch nội dung, ý nghĩa của vấn đề trưng cầu ý dân.
Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép làm trở ngại việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân của cử tri.
Giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân.
Vi phạm pháp luật xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên, Huế đặt vấn đề: Chúng ta có cho phép báo chí, các học giả và nhân dân phân tích về nội dung lấy ý kiến dân không?
“Tôi đề nghị ban soạn thảo làm rõ nếu cho thì sao? Không cho thì vì sao? Nếu cho nhân dân thảo luận, phân tích, thì bên cạnh những ý kiến đồng tình thì có ý kiến không đồng tình. Và nếu không đồng tình thì có vi phạm không, có bị coi là tuyên truyền xuyên tạc không (Điều 12) không?
Thí dụ, phúc quyết Hiến pháp, tức là Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua rồi. Bây giờ khi lấy ý kiến nhân dân, trong quá trình thảo luận có những ý kiến đồng tình, nhưng cũng có ý kiến không đồng tình, thậm chí có ý kiến đề nghị bỏ điều này, điều khác. Những ý kiến như vậy có vi phạm điều 12 không? Tôi nghĩ những vấn đề này phải đưa ra thảo luận không nên né tránh và không nên bỏ qua”, ông Mạo đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Đồng Hữu Mạo đặt vấn đề: Những ý kiến người dân không đồng tình có bị coi là xuyên tạc không? ảnh: TTBC Quốc hội. |
Tại buổi thảo luận này, nhiều Đại biểu đặt ra vấn đề: Thể hiện sự coi trọng ý kiến của nhân dân như thế nào?
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của luật này phải là “trọng dân, tin dân” và để nâng cao trách nhiệm của người dân, nhưng nếu vấn đề đưa ra quá chung chung về nguyên tắc hoặc quá cụ thể thì luật khó đi vào thực tiễn.
“Quốc hội cần biết người dân muốn tham gia và quyết định những vấn đề gì để người dân thấy được ý chí, trách nhiệm và quyền làm chủ của mình”, bà Tâm đặt vấn đề.
Đồng quan điểm với bà Tâm và ông Mạo, Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) cho rằng, trong dự thảo luật, vị thế và vai trò của nhân dân chưa được coi trọng, nên họ không có quyền gì khác ngoài mỗi quyền đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu với tư cách là một cử tri và đặt câu hỏi: “Người ta có quyền đặt câu hỏi: Luật này ra đời để làm gì? Phục vụ cho ai?”.
Từ đó, Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn đề nghị bổ sung vào dự án luật, làm rõ người dân có những quyền cơ bản khi thực hiện trưng cầu ý dân.
Cụ thể, đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân; có quyền nhận được đầy đủ thông tin về việc sáng kiến của mình có được đưa ra trưng cầu ý dân hay không; giám sát việc tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân một cách công khai minh bạch.
Đồng thời, dự thảo luật cũng cần quy định rõ nguyên tắc, điều kiện cần thiết quy trình, thủ tục, các bước tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân.
1/4 dân số không thể dẫn dắt vận mệnh dân tộc
Về kết quả cuộc trưng cầu ý dân, nhiều Đại biểu đồng tình quan điểm của ban soạn thảo chỉ cần quá bán là kết quả trưng cầu ý dân được công nhận hợp lệ.
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Phó trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Nam Định đã chỉ ra điểm bất hợp lý trong quy định này: “Quy định hơn 50% cử tri đi bầu, 50% tán thành và phải có 50% số phiếu tán thành hợp lệ thì kết quả trưng cầu ý dân mới được công nhận. Vậy giả sử có 51% cử tri đi bầu, 51% số phiếu bầu hợp lệ thì tính toán cũng chỉ chưa đầy 26% cử tri tán thành.
Như vậy là chỉ có hơn 1/4 dân số quyết định vận mệnh của dân tộc này, đó là điều hết sức vô lý, không thể nào lấy con số ¼ dẫn dắt ¾”.
Ông Sơn đề nghị: “Trưng cầu ý dân hợp lệ khi có số phiếu hợp lệ tán thành nhiều hơn 50% số cử tri hợp lệ trong danh sách cử tri. Dứt khoát phải đảm bảo được con số này thì kết quả mới thuyết phục”.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định). ảnh: Ngọc Quang. |
Liên quan đến đề nghị đưa ra nội dung trưng cầu ý dân, một số ý kiến đề nghị không quy định 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị trưng cầu ý dân mà cá nhân đại biểu Quốc hội hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định.
Quy định tỷ lệ 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội là không khả thi, cần quy định rõ quy trình, cách thức thực hiện hoặc bỏ quy định này.
Nhưng cũng có những ý kiến khác đề nghị quy định khi có ít nhất 2/3 đại biểu Quốc hội hoặc có 50% tổng số đại biểu Quốc đề nghị thì mới trình Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.
Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, không nên quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân, vì như vậy là không khách quan, minh bạch.