Nếu đàng hoàng thì sao phải giấu kín hồ sơ kỷ luật cô giáo Hảo?

15/09/2019 06:34
Trinh Phúc
(GDVN) - Cô Nguyễn Thúy Hảo cho rằng, hồ sơ kỷ luật cô không được công khai mặc dù cô đã có văn bản đề nghị nhưng không được cung cấp.

Vụ việc cô giáo Nguyễn Thúy Hảo, nguyên Bí thư chi Bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Thành phố Thái Nguyên bị kỷ luật khi đang tham gia đấu tranh chống tiêu cực hiện vẫn bộc lộ nhiều mâu thuẫn, khuất tất.

Oái oăm nhất là nhiều lần cô giáo Nguyễn Thúy Hảo yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cung cấp hồ sơ kỷ luật cô nhưng chưa được đáp ứng.

Có lẽ, đây là trường hợp duy nhất ở Việt Nam mà người bị kỷ luật lại không biết mình bị kỷ luật như thế nào, hồ sơ kỷ luật của mình ra sao?

Vụ việc xảy ra ở Trường Lê Văn Tám đến nay vẫn chưa có hồi kết, chứa đựng nhiều mâu thuẫn (ảnh Trinh Phúc).
Vụ việc xảy ra ở Trường Lê Văn Tám đến nay vẫn chưa có hồi kết, chứa đựng nhiều mâu thuẫn (ảnh Trinh Phúc).

Một trong những lý do để người ta kỷ luật cô giáo Hảo đó là có hành vi “tự ý bỏ việc” vi phạm khoản 1 Điều 19 Luật viên chức năm 2010 nhưng cô giáo nhất quyết không đồng ý.

Cô Hảo cho rằng, hồ sơ kỷ luật cô không được công khai mặc dù cô đã có văn bản đề nghị nhưng không được cung cấp.

Ngoài ra, cô Hảo còn cho rằng, qui trình, thủ tục để tiến hành các bước kỷ luật không đúng, không đảm bảo theo quy định pháp luật.

Theo đó, đến thời điểm này cô không có các thông báo nhắc nhở bằng văn bản về việc đã từng vi phạm, không có thông báo về việc vi phạm và thời gian xảy ra vi phạm.

Khởi kiện Chủ tịch thành phố Thái Nguyên ra tòa, cô giáo có đòi được công lý?

Bản thân cô không nhận được giấy mời hay thông báo nào của Hội đồng kỷ luật.

Ngoài ra, cô Hảo căn cứ vào Điều 18 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ qui định: “Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi tới viên chức có hành vi vi phạm pháp luật.

Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng.

Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập thì đến lần thứ 03 sau khi gửi giấy triệu tập, nếu viên chức đó vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật” nhưng trong suốt quá trình bị kỷ luật cô Hảo đã không được biết bất kỳ thông tin gì, Hội đồng kỷ luật đã không triệu tập cô đúng thời gian và nội dung giấy mời không đúng qui định.

Ngoài ra, cô giáo Hảo còn cho biết, ngày 25/9/2017 cô xin nghỉ nhưng đến ngày 29/12/2017 cô mới nhận quyết định kỷ luật tự ý bỏ việc.

Vụ việc kỷ luật Phó hiệu trưởng trường Lê Văn Tám cần phải tới cùng trắng đen

Trong khi đó theo quy định tại Điều 8, Nghi định số 27/2012/NĐ-CP quy định thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện viên chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Đối chiếu theo đó, thời hạn xử lý kỷ luật cô đã vượt quá một tháng.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, nhận được đơn kêu cứu của cô Nguyễn Thúy Hảo, nguyên Bí Thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Trong đơn thư, bà Hảo trình bày việc bà đấu tranh chống tiêu cực và nhiều lần bị kỷ luật.

Cụ thể, bà Hảo hai lần  bị kỷ luật oan sai về Đảng, một lần bị khởi tố nhưng sau đó buộc phải hủy. Bà Hảo còn bị cách hết chức vụ và điều chuyển công tác.

Trinh Phúc