Nếu đi dạy chỉ vì đồng lương, ngày ấy tôi đã “bỏ của chạy lấy người"

15/02/2022 06:40
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Chỉ khi có ý chí quyết tâm và lòng yêu nghề mới làm nên thành công cho lớp trẻ ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh", thầy Nguyễn Lâm Tám bày tỏ.

Thầy Nguyễn Lâm Tám, giáo viên dạy Toán ở trường Trung học cơ sở Lục Dạ, huyện Con Cuông, quê gốc ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhưng đã lên Con Cuông dạy học từ những năm 1993. Đến thời điểm hiện tại, giáo viên này đã có gần 30 năm để cống hiến với nghề giáo tại mảnh đất miền tây xứ Nghệ.

Thầy Tám cho biết, trong chuỗi thời gian bám bản dạy chữ ở đây, không một khu vực nào của huyện Con Cuông mà thầy chưa đặt chân đến.

Ban đầu khi mới ra trường, thầy Tám tham gia giảng dạy tại trường trường Trung học cơ sở Thạch Ngàn khi trường này còn tổ chức dạy kết hợp cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở. Sau 1 năm công tác, vào năm 1994, thầy được chuyển về trường Trung học cơ sở Lục Dạ, nhưng sau đó đến năm 1996 lại được chuyển sang dạy ở trường Trung học cơ sở Môn Sơn.

Năm 2002, thầy làm quản lý ở trường Trung học cơ sở Mậu Đức. Năm 2004, quay về làm giáo viên ở trường Trung học cơ sở Yên Khê và đến 2013 thì dạy học ở trường Trung học cơ sở Lục Dạ cho đến bây giờ.

Thầy Nguyễn Lâm Tám, giáo viên dạy môn Toán tại trường Trung học cơ sở Lục Dạ. Ảnh: T.D

Thầy Nguyễn Lâm Tám, giáo viên dạy môn Toán tại trường Trung học cơ sở Lục Dạ. Ảnh: T.D

Thầy Tám chia sẻ: “Lúc mới đầu khi nhận công tác ở trên này, thực ra bản thân mình từ bé cũng được sinh sống ở miền núi rồi, nhưng cũng không nghĩ rằng cuộc sống và sinh hoạt ở Con Cuông lại khó khăn đến như thế.

Khó khăn nhất vẫn là điều kiện đường sá đi lại, cơ sở vật chất tại các trường còn nghèo nàn, khó khăn. Lúc đó, để đi dạy tôi cũng chỉ có một chiếc xe đạp cọc cạch, đầu tuần thì đạp xe từ thị trấn Con Cuông vào đến trường ở xã Thạch Ngàn, cuối tuần lại đạp ngược ra để về với gia đình. Quảng đường đi không chỉ khó khăn mà còn dài đằng đẵng, ước tính cũng gần đến 50 cây số đường rừng.

Đường khó đi đến mức, có đoạn chỉ dắt xe chứ không chạy nổi, có chỗ thì phải cõng xe lên lưng, rồi cả người và xe phải leo đèo, men theo triền núi, lội qua sông qua suối mới tới nơi.

Bây giờ đường sá thuận tiện, từng ấy cây số tôi chỉ đi chưa đầy 1 tiếng, nhưng trước đây cũng với từng đó cây số, tôi phải đi cả ngày trời. Để có thể gắn bó đến được ngày hôm nay, tôi nghĩ đó là tình yêu nghề, tha thiết với học trò mới có thể vượt qua được những khó khăn ấy. Nếu đi dạy chỉ vì đồng lương thì tôi nghĩ, ngày ấy tôi đã “bỏ của chạy lấy người" rồi”.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề, thầy Tám bộc bạch: “Khó khăn về đi lại cũng chỉ là một phần trong các thử thách với các giáo viên trẻ như chúng tôi khi lên Con Cuông dạy học vào thời điểm đó, bởi còn rất nhiều trở ngại khác buộc chúng tôi phải vượt qua nếu muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm khi tôi mới về dạy tại trường Trung học cơ sở Thạch Ngàn. Khi đó, có một phụ huynh là phó bản của địa phương nơi ngôi trường tôi đang dạy. Người này có đứa con gái mới học đến lớp 7 nhưng cứ nằng nặc đòi bỏ học để lấy chồng và phụ huynh đó cứ nhất quyết nhờ tôi bằng được đến “giải cứu”.

Khi gia đình đưa tôi vào gặp học sinh đó, tôi cũng đứng ra làm “sứ giả” để phân tích, giảng giải cho em đó hiểu được tầm quan trọng của học thức. Sau hai ngày liên tục tâm sự, trò chuyện thì em đó cũng hiểu ra và chịu quay trở lại trường học.

Vì tôi làm được việc đó mà gia đình họ coi tôi như khách quý trong nhà. Với đồng bào dân tộc ở nơi này, hễ ai là khách quan trọng thì họ mới đem ra đãi những món đặc sản của gia đình. Tôi nhớ, họ có đãi món thịt lợn gác bếp và đó cũng là món ăn nhớ đời trong sự nghiệp làm giáo viên trên miền núi của tôi.

Bởi lẽ, món thịt đó bên ngoài dù ám khói và khô, nhưng bên trong thịt vẫn còn tươi và có mùi khó chịu. Phong tục của người đồng bào dân tộc trên này tôi được biết rằng, khi họ đã quý và mời ai ăn đặc sản thì buộc phải ăn hết chứ không được vứt đi.

Một tiết dạy của thầy Tám trên lớp. Ảnh: Trung Dũng

Một tiết dạy của thầy Tám trên lớp. Ảnh: Trung Dũng

Trong lúc tôi chưa biết xử lý thế nào với món ăn “bất đắc dĩ” đó thì may mắn vị chủ nhà cũng đã hiểu được tình huống và chấp nhận để tôi chuyển sang món khác. Đến giờ tôi và gia đình đó vẫn giữ được mối thân tình, có việc gì lại giúp đỡ qua lại, đó cũng là điều quý giá nhất mà tôi nhận được từ tấm lòng của bà con dân bản.

Giờ đây, ngoài việc vận động học sinh đến trường vào đầu năm học, vào mùa giá rét, tôi cũng trích một phần tiền lương của mình để mua áo ấm, mũ nón, dày dép để tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Vì tôi chỉ nghĩ đơn giản, các em giống như con cái của mình, thấy các em đói rét mình cũng không thể đành lòng đứng nhìn được”.

Chia sẻ thêm về cuộc sống sinh hoạt, giao tiếp với học sinh đồng bào dân tộc từ ngày đầu lên công tác, thầy Tám nhớ lại: “Người dân sinh sống tại Con Cuông nói chung chủ yếu là đồng bào người dân tộc Thái và Đan Lai. Vào những năm 1993, số lượng phụ huynh của con em dân tộc miền núi trên này nói thành thạo tiếng kinh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong hoàn cảnh đó, nếu bản thân mình không chịu khó học hỏi về ngôn ngữ, phong tục tập quán thì khó có thể hòa nhập được. Nào là từ học cách giao tiếp, đến học cách thân thiện với bà con dân tộc mình cũng phải từng bước để làm quen. Cũng may mắn là học sinh ở đây cũng ngoan, nghe lời thầy cô nên mình cũng phần nào giảm bớt được áp lực trong công việc.

Giờ đây, bộ mặt huyện Con Cuông cũng đã có nhiều thay đổi, kinh tế bà con cũng đã phát triển hơn, cuộc sống và công việc của những giáo viên như chúng tôi cũng đã bớt cực nhọc hơn. Tuy nhiên, những giáo viên như tôi vẫn luôn ghi nhớ và trân trọng quãng thời gian đầy gian khổ đó. Đó là động lực, cũng như là niềm tin để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, đem con chữ đến cho thật nhiều con em dân bản hơn nữa, đẩy lùi cái khó, cái nghèo”.

Đưa ra một số lời khuyên đối với các bạn trẻ theo đuổi nghiệp giáo viên, để có thể sẵn sàng về cống hiến tại các vùng miền núi xa xôi, thầy Tám cho biết: “Bản thân tôi cũng là người từng trải qua gần 30 năm công tác tại miền núi và cũng đã từng giảng dạy tại các trường đặc biệt khó khăn tại các địa bàn vùng sâu vùng xa. Từ đó tôi cũng xin có lời khuyên với các bạn trẻ sau này nên có ý chí, quyết tâm và lòng yêu nghề mãnh liệt.

Trường Trung học cơ sở Lục Dạ nơi thầy Tám đang giảng dạy. Ảnh: Trung Dũng

Trường Trung học cơ sở Lục Dạ nơi thầy Tám đang giảng dạy. Ảnh: Trung Dũng

Chỉ khi có những yếu tố đó, mới làm nên thành công của các bạn sau này ở những nơi khó khăn như vậy. Bởi lẽ, khi làm giáo viên ở miền núi không đơn giản là dạy chữ cho học trò mà còn là tạo dựng nên tính cách cho học trò nữa.

Tuy nhiên, các bạn trẻ học đang học sư phạm hiện tại cũng yên tâm nếu có ý định về các huyện miền núi để công tác sau này. Bởi lẽ, hiện nay điều kiện cơ sở vật chất tại các trường ở Con Cuông nói riêng và các huyện miền núi ở Nghệ An nói chung cũng đã được đầu tư khang trang, thuận tiện cho việc sinh hoạt và giảng dạy”.

Nhận xét về đồng nghiệp, thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lục Dạ cho biết: “Thầy Tám là một người tận tâm, tận lực với học sinh, luôn giúp đỡ học trò gặp những hoàn cảnh khó khăn. Thầy cũng là người có trình độ năng lực, thuộc đội ngũ cốt cán về chuyên môn của huyện Con Cuông.

Thầy Tám hiện đang là Tổ trưởng tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên của nhà trường. Chúng tôi cũng rất tin tưởng để giao trách nhiệm cho những giáo viên như vậy để làm các nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Dù là một giáo viên từ địa phương khác lên Con Cuông công tác nhưng thầy Tám cũng nhận về nhiều thành tích, danh hiệu như Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thầy cũng đào tạo ra nhiều lứa học sinh hiện tại là cán bộ cốt cán ở tỉnh, ở huyện, rất nhiều người thành đạt”.

Trung Dũng