Nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên

18/01/2021 09:25
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với làm, luôn nêu cao trách nhiệm nêu gương, coi nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ.

Cán bộ, đảng viên là nhân tố cơ bản, cốt lõi nhất của các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; có vai trò rất quan trọng không chỉ quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị mà còn quyết định đến việc tổ chức, tập hợp, dẫn dắt các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để thực hiện tốt vai trò đó, cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với làm, luôn nêu cao trách nhiệm nêu gương, coi nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ phải thực hiện.

Vĩnh Long triển khai, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. (Ảnh minh họa: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Vĩnh Long triển khai, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. (Ảnh minh họa: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

“Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức.

Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” hay “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”.

Không chỉ nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sống, tấm gương sáng chói nhất - niềm tự hào của Đảng Cộng sản, của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Trong suốt gần 80 năm sống và hoạt động cách mạng, Người đã thể hiện rõ là một tấm gương mẫu mực, toàn vẹn cho Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo.

Trong hoạt động cách mạng, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên luôn phải rèn luyện đạo đức cách mạng, bản thân Người cũng hy sinh cả đời vì độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; cả đời trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Trong sinh hoạt hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức.

Bản thân Người cũng đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến vật dụng, phương tiện phục vụ công việc hằng ngày.

Tấm gương Hồ Chí Minh có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc. Thực tiễn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu trong hoạt động cách mạng như Bác đã chỉ rõ: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.

Trong thời kỳ đổi mới, Bộ Chính trị Khóa X ban hành Chỉ thị số 06, ngày 7/11/2006 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Bộ Chính trị Khóa XI ban hành Chỉ thị 03, ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp đến, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, đại đa số các cán bộ, đảng viên cũng đã làm tốt trách nhiệm nêu gương, để lại dấu ấn, sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân.

Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng những chuẩn mực, quy định cụ thể về đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và nghề nghiệp, việc làm của cán bộ, đảng viên.

Nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, hăng hái, tận tụy với công việc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là những tấm gương sáng.

Nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh đã lợi ích cá nhân phục vụ lợi ích tập thể, như: hiến đất xây trường học, bệnh viện, cầu đường… tất cả vì cuộc sống của nhân dân. Qua đó, góp phần không nhỏ vào những thành tựu của đất nước.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác thực hành nêu gương

Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên gương mẫu, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây ra những tác động tiêu cực, làm giảm sút uy tín của Đảng đối với nhân dân.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XII (tháng 10/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Ngày 5/1/2021, tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Ngày 5/1/2021, tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Trên tinh thần đó, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng đã thông qua quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đây là bước tiến quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong nhận thức và hành động, nói và làm. Thực hiện tốt những quy định này sẽ góp phần củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với dân tộc và nhân dân.

Trong thời gian tới, để công tác xây dựng Đảng về đạo đức đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu cần tiếp tục thực hiện thật tốt trách nhiệm nêu gương.

Trong đó, trước hết, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, để mọi người đều thấy rằng nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác thực hành nêu gương qua những hành động, việc làm hằng ngày, trong ứng xử với chính mình, với công việc và với tập thể cơ quan, đơn vị.

Theo đó, “nói đi đôi với làm” là cách nêu gương tốt nhất; các thế hệ đi trước nêu gương sáng cho các thế hệ đi sau; lãnh đạo nêu gương cho nhân viên; đảng viên cần nêu gương cho quần chúng.

Đặc biệt, cần kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; dũng cảm tự phê bình và phê bình.

Theo TTXVN