Ngày 15/10/2019, tại Trường Đại học Thủy lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm Công tác phát triển đảng viên trong trường học.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh - Sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh:
Công tác phát triển đảng trong học sinh - sinh viên là một trong những nội dung trọng tâm luôn được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các địa phương và các cơ sở đào tạo.
Hằng năm, trong các văn bản chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị năm học về việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản nhiệm vụ toàn ngành; Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục;
Hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho Học sinh - Sinh viên;
Coi đây là một nội dung quan trọng nhằm góp phần định hướng nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại tọa đàm. |
Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học đã đạt được những kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức đảng nói chung, cơ sở đảng trong ngành Giáo dục nói riêng.
Để triển khai hiệu quả hơn công tác phát triển đảng trong trường học thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Trung ương Đoàn tổ chức Tọa đàm công tác phát triển đảng viên trong trường học nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác phát triển đảng hiện nay và cùng các sở/trường đại học bàn các giải pháp thúc đẩy công tác này trong thời gian tới.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Tại diễn đàn, Ban Tổ chức mong muốn các đại biểu tích cực thảo luận, nghiêm túc đánh giá những mặt làm được, thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu và đề xuất những giải pháp thiết thực để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị tốt hơn trong thời gian tới, nhằm góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành.
Đồng thời, Tọa đàm cũng là hoạt động thiết thực để triển khai các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tăng cường các giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, Học sinh - Sinh viên nhằm khắc phục triệt để tình trạng “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.
Việc làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ góp phần quan trọng ổn định xã hội, thấm nhuần đường lối Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; củng cố niềm tin tuyệt đối cho thế hệ trẻ kiên định đi theo con đường đổi mới đất nước của Đảng.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Tham luận tại tọa đàm, ông Kiều Cao Trinh - Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:
Đội ngũ đảng viên ngành giáo dục Thủ đô luôn có ý thức tự rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có tâm huyết với nghề, đồng thời, có lập trường tư tưởng luôn ổn định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Từ đó tuyên truyền đến học sinh, khích lệ phấn đấu tham dự các lớp tìm hiểu về Đảng.
Các tổ chức trong nhà trường như Công đoàn, Đoàn thanh niên đều được cấp ủy đảng lãnh đạo và thường xuyên được củng cố nâng cao chất lượng hoạt động nhằm giáo dục, thuyết phục Học sinh - Sinh viên thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và giới thiệu những quần chúng ưu tú được kết nạp, đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ông Nguyễn Trọng Bé - Trưởng phòng Giáo dục Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhận định:
Công tác phát triển đảng viên trong trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tìm ra những nhân tố tích cực để “ươm mầm” bồi dưỡng, kết nạp, tăng cường sức trẻ, sức chiến đấu cho Đảng, để xây dựng tổ chức cơ sở đảng nhà trường trong sạch, vững mạnh.
Nhận thức được điều đó, công tác phát triển Đảng trong trường học luôn được Đảng bộ các cấp và ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An hướng dẫn, chỉ đạo thường xuyên, các cấp ủy, chi bộ nhà trường quan tâm thực hiện.
Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu các trường trung học phổ thông luôn xác định công tác phát triển Đảng viên trong nhà trường là nhiệm vụ thường xuyên liên tục đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Đắc Hưng trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Tham luận về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các trường đại học, cao đẳng, ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) nêu quan điểm: Công tác phát triển đảng viên trong nhà trường rất thiết thực và có tính thời sự.
Việc đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong sinh viên, đoàn viên hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng và củng cố lực lượng lãnh đạo trẻ tiên phong, xung kích trong việc xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước.
Lê Minh Đức, Đảng viên 18 tuổi, nam sinh giỏi toàn năng |
Đảng ủy các trường Đại học cần phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên để đảm bảo hai tổ chức này luôn là cầu nối đáng tin cậy giữa sinh viên – đoàn viên và tổ chức Đảng.
Kết luận Tọa đàm, ông Bùi Văn Linh đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo tập trung làm tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, các nhà trường xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết nạp Đảng cho học sinh - sinh viên là một nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động của các trường học;
Thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 16/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta.
Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, hoạt động giáo dục toàn diện, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho học sinh sinh viên;
Nhân rộng các tấm gương đảng viên - học sinh sinh viên tiêu biểu, “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”... để lan tỏa;
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thiết thực, hiệu quả.
Xây dựng mô hình điển hình tiêu biểu làm tốt công tác phát triển đảng viên trong học sinh sinh viên để nhân rộng đối với khối Sở, khối đại học...
Thứ ba, kiện toàn bộ máy theo dõi công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp Đảng cho học sinh sinh viên: Đảng ủy Trường chỉ đạo, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Phòng Công tác chính trị - học sinh sinh viên, các chi bộ tham gia công tác phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp Đảng cho học sinh sinh viên.
Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong học sinh sinh viên, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hoạt động các câu lạc bộ để học sinh sinh viên rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa;
Qua đó phát hiện những học sinh sinh viên xuất sắc, tiêu biểu để cử đi học cảm tình đảng và kết nạp đảng... Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội.
Thứ năm, xây dựng khung tiêu chí để kết nạp học sinh sinh viên trong các trường đại học và các trường phổ thông; gắn tiêu chí này với quy định đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên, kết quả học tập, hài hòa, bảo đảm chất lượng nguồn kết nạp Đảng.
Các nhà trường có kế hoạch phân loại và bồi dưỡng sinh viên ngay từ năm thứ nhất (với sinh viên đại học);
Các trường phổ thông cần tập trung lựa chọn học sinh tiêu biểu học cảm tình sớm ở năm lớp 11, từ đó tạo điều kiện kết nạp học sinh trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông…
Thứ sáu, phối hợp Ban Tổ chức Trung ương để rà soát sửa đổi, hướng dẫn các qui trình, thủ tục, sử dụng kết quả học cảm tình đảng, sinh hoạt đảng cho học sinh sinh viên, nhất là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh-sinh viên sẽ tham mưu Ban Cán sự Đảng nghiên cứu ban hành văn bản gửi Đảng ủy các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, Tỉnh ủy/ thành ủy các địa phương để tiếp tục triển khai Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng tốt hơn thời gian tới...
Thứ bảy, tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai Đề án “Đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”;
Các Bộ ngành để tiếp tục thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.
Thứ tám, đề nghị Trung ương Đoàn đánh giá áp dụng mô hình Bí thư Đoàn Thanh niên là học sinh phổ thông (từ Mô hình ở Thành phố Hà Nội để nhân rộng ra các địa phương khác có điều kiện) nhằm tạo cơ hội rèn luyện, hoàn thiện tư duy, kỹ năng lãnh đạovà tạo nguồn kết nạp Đảng cho học sinh phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các thực hiện Chỉ thị 34 tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo…
Làm tốt công tác phát triển đảng trường học sẽ trực tiếp tạo động lực phấn đấu cho học sinh sinh viên và ngược lại, tạo môi trường tốt học sinh sinh viên tham gia sẽ tạo nguồn tốt cho công tác kết nạp Đảng, nhằm xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, phát triển;
Góp phần triển khai thành công sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo vệ, xây dựng đất nước...