Nếu hiệu trưởng không cho cơ hội, giáo viên thường đừng mơ lên hạng II

08/03/2021 06:30
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên các cấp sau này muốn được thăng lên hạng II (có hệ số lương 4.0 đến 6.38) cũng rất khó khăn dù họ thừa khả năng vì hiệu trưởng không cho cơ hội.

Để được xếp lương có hệ số 4,0 đến 6,38 sẽ không quá khó, hầu hết giáo viên đều có thể đạt được đây là nhận định của tác giả Bùi Nam trong bài viết “Hầu hết giáo viên đều có thể phấn đấu lên hạng II mới, đâu chỉ ban giám hiệu” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 7/3.

Cùng là giáo viên đứng lớp sao phải phân hạng làm gì? (Ảnh minh họa: Việt Dũng)

Cùng là giáo viên đứng lớp sao phải phân hạng làm gì? (Ảnh minh họa: Việt Dũng)

Nhận định này quả không sai, nhưng trong thực tế sẽ không dễ gì mà hầu hết giáo viên đều có thể phấn đấu lên hạng II mới dù họ đảm bảo (và sẽ đảm bảo) đủ các yêu cầu quy định trong thông tư.

Và như thế, việc giáo viên các cấp sau này muốn được thăng lên hạng II mới vẫn chỉ là mơ dù họ thừa khả năng. Vì sao chúng tôi lại nói thế?

Thứ nhất: vì, nhiều giáo viên sẽ không có đủ những quy định ở tiêu chí 1 Điều 4 của thông tư.

Thứ hai: vì nhiều hiệu trưởng nhà trường lại không cho giáo viên cơ hội ấy.

Chúng tôi sẽ phân tích kỹ 2 nguyên nhân đã nêu trên để bạn đọc dễ theo dõi

Thứ nhất: giáo viên không có đủ những quy định ở tiêu chí 1 Điều 4 của thông tư. Cụ thể:

Cả 4 Thông tư đều quy định nhiệm vụ của giáo viên hạng II khá giống nhau. Chúng tôi chỉ xin được lấy nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31 làm ví dụ.

Nhiệm vụ:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên;

Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử; (nhiệm vụ này giáo viên nếu là nhóm trưởng, tổ trưởng hoặc được phân công thì có thể đạt được).

b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên; (nhiệm vụ này tham gia hướng dẫn học sinh thi khoa học kỹ thuật, chấm sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học của giáo viên trong trường trở lên).

c) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; (nhiệm vụ này giáo viên thực hiện thường xuyên).

d) Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên; (được hiệu trưởng phân công).

đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có). (được hiệu trưởng phân công).

Nhìn vào 5 nhiệm vụ nêu trên, bất kỳ ai trong ngành cũng dễ dàng nhận thấy đây là nhiệm vụ của một tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Mà tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thì mỗi trường học số lượng cũng chỉ vài người đến trên chục người là nhiều.

Nghĩa là, chỉ bấy nhiêu giáo viên làm tổ trưởng hoặc tổ phó chuyên môn sẽ có cơ hội thăng hạng II, còn đại đa số giáo viên vẫn chỉ chờ.

Thứ hai, hiệu trưởng không cho cơ hội thì dù giáo viên có năng lực, có đủ bằng cấp cũng khó chạm tay vào hạng ấy

Cũng có những trường học, hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cho giáo viên dựa vào năng lực và phẩm chất nhà giáo.

Đó là, ngoài những tổ trưởng, tổ phó phải làm những nhiệm vụ (nêu trong điều 4) thì những giáo viên dạy giỏi, có năng lực chuyên môn cao, có tâm huyết với nghề…cũng được giao nhiệm vụ làm giám khảo hội thi giáo viên giỏi cấp trường, chấm sáng kiến kinh nghiệm, tham gia đoàn đánh giá ngoài…

Vì thế, số lượng giáo viên được thăng hạng II cũng được mở rộng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hiệu trưởng không cho giáo viên có năng lực cơ hội (ngoại trừ người cùng ê kíp với mình) bằng cách không tổ chức việc bầu chọn tổ trưởng theo quy định 1 năm/lần mà tự mình ấn định, cử và để lưu cữu năm này qua năm kia.

Quy trình bổ nhiệm tổ trưởng được quy định rất rõ trong Điều lệ trường tiểu học trước đây (hiện vẫn chưa có quy định mới thay thế).

Vị trí tổ trưởng, tổ phó gần như được mặc định cho đến khi hiệu trưởng ấy chuyển trường mà không được tổ chức bầu chọn công khai theo đúng quy định 1 năm/lần.

Các tổ chuyên môn tiến hành họp tổ, đại diện ban giám hiệu nhà trường tham dự và chủ trì cuộc họp.

Lấy ý kiến thành viên trong tổ giới thiệu viên chức để bổ nhiệm chức vụ tổ trưởng. Cá nhân người được giới thiệu thông qua bản tự nhận xét đánh giá việc thực hiện nhiệm cụ được giao trong thời gian công tác.

Các thành viên trong tổ góp ý cho người được giới thiệu, bổ nhiệm. Bầu tổ kiểm phiếu để phát phiếu, hướng dẫn cách ghi phiếu, bỏ phiếu, kiểm phiếu, báo cáo kết quả (có biên bản kiểm phiếu).

Lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm tổ trưởng. Thường không quá 12 tháng, tháng 8 hàng năm hiệu trưởng sẽ tiến hành bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại vị trí tổ trưởng tổ chuyên môn.

Trong thực tế, không ít trường học làm được điều này. Tổ trưởng chuyên môn đều do hiệu trưởng chỉ định nên phần nhiều người được đề cử về năng lực hay phẩm chất đôi khi lại không có gì vượt trội so với một số giáo viên.

Và bất công sẽ xảy ra, khi một số giáo viên kém cỏi (có chỉ số "bằng lòng") hơn lại được ở thứ hạng cao hơn, được ăn mức lương ưu đãi hơn những giáo viên có năng lực giỏi (thua chỉ số "bằng lòng").Và, theo quy định mới những giáo viên không giữ chức vụ gì cũng sẽ ít có cơ hội thăng hạng hơn.

Và như thế, tiêu chuẩn của giáo viên hạng II từ tiểu học trở lên được xếp lương có hệ số 4,0 đến 6,38 sẽ trở nên quá khó, mà nhiều giáo viên sẽ khó có cơ hội chạm vào.

Nhiều nhà giáo đặt câu hỏi, cùng văn bằng chứng chỉ như nhau, cùng dạy học một cấp thì có cần phải phân thứ hạng nhà giáo cao thấp như hiện nay?

Cái cần chú ý là chất lượng mỗi môn mình dạy, mỗi lớp mình đảm nhiệm, mỗi đối tượng học sinh có vượt trội hơn đồng nghiệp?

Chứ kiểu phân thứ hạng phần nhiều dựa vào chỉ số bằng lòng như này thì dự báo không ít giáo viên chỉ lo lấy lòng hiệu trưởng mà quên đi nhiệm vụ chính là giảng dạy của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết