Hà Nội sẽ chi hơn 61 tỉ đồng cử cán bộ, công chức, viên chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Khoản đầu tư này lấy từ ngân sách thành phố.
Hà Nội cho rằng việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. "Các trường hợp thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập", Đề án của Hà Nội nêu rõ.
Công chức đi làm thì phải hoàn thành nhiệm vụ, lãnh lương thì phải làm đúng giờ, đủ ngày công lao động. Về cập nhật kiến thức chuyên môn, các cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng, đó là việc đương nhiên phải làm. Cá nhân ai có nhu cầu đi học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì tự mình lo, không nên chi ngân sách cho cán bộ, công chức đi học như vậy là không công bằng.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “ Tiến sĩ là bậc cao nhất của chuyên môn nghiên cứu khoa học, dành cho những người chuyên nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nhưng việc giảng dạy cũng phải gắn với nghiên cứu khoa học chứ nếu chỉ giảng không thì cũng không phải.
Theo quan điểm của tôi, hiện tại công chức phải làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, của ngành đó, phải làm công tác quản lý, và quản lý là khoa học, là một nghề và quan trọng nhất là phải học quản lý hành chính công, đây là vấn đề thiết thực.
Với ngạch công chức có cần làm tiến sĩ không? Theo tôi cũng cần nhưng không bắt buộc và không phải vấn đề cần thiết ngay lập tức, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc học đó có được thực hiện chuẩn chỉ hay không?
Việc cho công chức đi đào tạo tiến sĩ từ cấp chuyên viên, từ trưởng phòng và số này rất ít, những người này có thể xin nghỉ một khoảng thời gian để đi học. Nhưng thực tế hiện nay ở nhiều cơ sở đào tạo, họ “rất thích” đào tạo các giám đốc sở, các chủ tịch, phó chủ tịch, theo tôi sai ở chỗ này. Những người này đi học vào thời gian nào khi công việc của họ rất nhiều?
Khi người đó còn là chuyên viên, có điều kiện về thời gian để đi học, như vậy thích hợp cho việc đào tạo, nhưng bắt buộc họ phải có khả năng nghiên cứu, cơ quan phải dành thời gian cho người này thực hiện việc nghiên cứu. Và quan trọng, người này phải nghiên cứu những vấn đề thiết thực cho công việc mà họ đang làm, gắn liền với đặc thù nơi họ đang công tác, chứ không phải nghiên cứu những vấn đề khác trái với chuyên môn.
Một việc nữa là phải xem xét vấn đề quy hoạch người đi học, đây là vấn đề quan trọng. Nhưng thực trạng bây giờ rất nhiều người bảo vệ luận án tiến sĩ khi họ đang là quan chức, đây là điều bất cập.
Thứ nhất, khi người đó là quan chức, là thủ trưởng cơ quan thì lấy đâu ra thời gian để đi học bởi đối chiếu theo Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 18/2021), thời gian học tiến sĩ yêu cầu chính quy, học tập trung, với thời gian đào tạo 3-4 năm. Có làm Tiến sĩ trong nước cũng phải 3-4 năm, mà phải nghiên cứu say sưa mới tìm ra được những vấn đề mà mình đang thực hiện, vậy thử hỏi nếu là quan chức thì lấy đâu ra thời gian để làm?
Ở nước ngoài khi làm Tiến sĩ, họ hướng dẫn phương pháp nghiên cứu định tính, và nghiên cứu định lượng trong khoa học xã hội, việc này phải đào tạo trong 6 tháng đến 1 năm, sau đó nghiên cứu sinh phải đi thực tế 1 năm, rồi đi thực tế bổ sung. Rồi sau đó phải học về vấn đề này rất nhiều, nhưng ở nước ta việc này thường chỉ học trong vài tuần, thậm chí có trường hợp tôi biết họ học vấn đề này trong 2 tuần, có thể nói là rất kém.
Ảnh minh họa. |
Thứ hai, nghiên cứu sinh phải trực tiếp đi thực tế, nhưng thường không đi mà lấy tài liệu trong thư viện để áp vào, dẫn đến nhiều luận án tiến sĩ bị cho là có mô tip giống nhau bị xã hội lên án, rất nhiều đề tài ná ná như nhau, chỉ khác về địa danh và số liệu.
Thứ ba, qua thực tiễn từ địa phương, từ đó nghiên cứu sinh mới này ra vấn đề để nghiên cứu. Ví dụ, người đó làm công tác trong ngành giáo dục, thì phải nghiên cứu về các vấn đề đang nảy sinh từ giáo dục, làm sao để chất lượng giáo dục lên cao hơn,…hoặc xây dựng mô hình giáo dục phù hợp với nhiều vùng miền khác nhau.
Trước những vấn đề đặt ra phù hợp với lĩnh vực mà người đó đang làm việc, vậy thử hỏi họ có thực sự nghiên cứu giải quyết vấn đề, có khả năng làm không? Hay đã là quan chức rồi thì sẽ có một “hội đồng” bên dưới sẵn sàng giúp sức?
Chưa kể nghiên cứu sinh còn phải đi thực tế vài tháng, có khi cả năm, rồi về viết luận án, sửa đi sửa lại nhiều lần, vậy bây giờ nếu người đó là quan chức, là chủ tịch xã/phường thì họ “đóng cửa” cơ quan để đi làm tiến sĩ hay sao?
Nguyên nhân từ việc đánh giá qua bằng cấp?
Ông Sơn nhận định: “Cái dở là chúng ta đánh giá con người qua bằng cấp của họ, từ đó dẫn đến loạn việc học, loạn bằng cấp, việc học thật thi thật chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngày xưa cứ đỗ tiến sĩ là được làm quan, nhưng kiến thức hiện nay khác với ngày xưa, giờ là kiến thức khoa học, có khả năng làm quản lý, làm tiến sĩ để chứng minh có công trình nghiên cứu khoa học, chứ không phải chứng minh có khả năng để làm quan.
Hiện nay xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi nhận thấy, nhiều nơi vẫn theo “nếp” cũ, lấy bằng cấp để đánh giá trình độ một con người, để bổ nhiệm chức vụ, trong khi thực chất chức vụ đó không cần đến trình độ tiến sĩ, hay nói đúng hơn là cần chuyên môn về quản lý hành chính công chứ không phải là cần nghiên cứu khoa học.
Phần lớn tiến sĩ tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm hai nhiệm vụ: Tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới chỉ cần tập trung vào việc dạy học. Cũng có số ít tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.
Xã hội cũng đã nghe rất nhiều về các đề án đào tạo tiến sĩ nhưng hiệu quả là vấn đề đáng phải bàn. Điển hình như Đề án 911, được đầu tư 14.000 tỷ đồng để đào tạo 23.000 tiến sĩ, đề án này dừng nửa chừng. Đề án 322 "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", dự định diễn ra trong 5 năm (2000 - 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Kết quả là số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học. Hơn 30% số người về nước không trở lại cơ quan cũ làm việc.
Một số địa phương cũng có đề án cử cán bộ công chức đi đào tạo sau đại học, nhưng cũng lùm xùm kiện cáo vì nhiều người đi không về. Đà Nẵng là một ví dụ về kiện "nhân tài" bồi thường kinh phí sau khi cử người ra nước ngoài đào tạo, sau đó không về nước phục vụ mà kinh phí cho đào tạo cũng không hoàn trả”.