Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được ban hành nhằm cải cách công tác xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển giáo dục.
Năm 2025 là năm thứ 7 chính thức áp dụng Quyết định 37. Kể từ khi được ban hành cho đến nay, Quyết định 37 được đánh giá là khắt khe và yêu cầu cao hơn so với trước đó.
Đặc biệt, với một số lĩnh vực đặc thù, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc thực hiện theo yêu cầu tại Quyết định 37 đối với các ứng viên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học còn nhiều điểm chưa phù hợp.
Gặp khó trước yêu cầu xuất bản các bài báo trên tạp chí quốc tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hảo - Ủy viên hội đồng Giáo sư ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học, trong giai đoạn 2019 - 2024 cho biết: Kể từ khi Quyết định 37 được ban hành và áp dụng, có một sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng các ứng viên giáo sư và phó giáo sư đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Riêng đối với ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học đã giảm từ hơn 50 ứng viên giáo sư, phó giáo sư (năm 2017) còn khoảng trên dưới 10 ứng viên mỗi năm trong giai đoạn 2019 - 2024. Thậm chí, có những năm chỉ có 5-6 ứng viên, trong đó chủ yếu là ứng viên phó giáo sư.
Theo Giáo sư Hảo, rào cản chủ yếu khiến các ứng viên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung, ngành Triết học – Xã hội học – Chính trị học nói riêng gặp khó khi xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư chính là yêu cầu phải đạt các điều kiện cứng liên quan đến việc xuất bản số lượng tối thiểu các bài báo đăng trong các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.
Theo thông lệ quốc tế, việc xuất bản các bài báo tạp chí uy tín quốc tế là yêu cầu được khuyến khích chứ không phải bắt buộc cho việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn . Như vậy yêu cầu này tại Quyết định 37 đang không phù hợp với thông lệ quốc tế. Các điều kiện bắt buộc này có thể chỉ phù hợp với các ngành khoa học tự nhiên, khoa học thực chứng – thực nghiệm với các nghiên cứu định lượng.
Theo quan điểm của Giáo sư Hảo, khái niệm “bài báo quốc tế” không nên chỉ dừng lại ở các bài báo tạp chí uy tín quốc tế trong danh mục ISI và Scopus bằng tiếng Anh mà cần được mở rộng cho cả các chương sách (book chapters) và các bài báo khoa học đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế ở nước ngoài, được xuất bản tại các nhà xuất bản uy tín quốc tế bằng 7 ngoại ngữ thông dụng (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha).
Khi sách chuyên khảo thể hiện được đẳng cấp của các nhà khoa học thì nên cho phép thay thế cho 01 bài báo quốc tế. Đồng thời, có thể xây dựng điều kiện bắt buộc là ứng viên phó giáo sư phải có tối thiểu 01 sách chuyên khảo, ứng viên giáo sư có tối thiểu 02 sách chuyên khảo và 01 giáo trình xuất bản tại nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sách chuyên khảo theo đúng nghĩa cần được định nghĩa chuẩn xác: Sách chuyên khảo (monograph) là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, tập trung vào một chủ đề hoặc vấn đề khoa học hẹp, có kết cấu các chương tiết theo logic chặt chẽ và được phản biện nghiêm ngặt về học thuật, có đóng góp tri thức mới hoặc củng cố nền tảng lý thuyết cho lĩnh vực đó, được xuất bản tại một nhà xuất bản uy tín ở trong hoặc ngoài nước.
Tính chuẩn xác của sách chuyên khảo cần được các hội đồng giáo sư các cấp và các giáo sư thẩm định chặt chẽ, nghiêm khắc để phân định rạch ròi với các sách tham khảo.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn - Ủy viên hội đồng giáo sư ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học cũng cho rằng, việc đề cập “các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín" là thiếu cơ sở pháp lý, thiếu nhất quán. Bởi, các tạp chí trong danh mục ISI và Scopus chỉ là một phần nhỏ của tất các tạp chí khoa học trên thế giới. Cho dù các tạp chí này có thật sự uy tín thì không có nghĩa các tạp chí khoa học còn lại của thế giới là thiếu độ “uy tín”.
Thứ hai, theo Quyết định 37 thì việc công bố đủ số lượng các bài báo trên các tạp chí ISI và Scopus là điều kiện tiên quyết để được xem xét công nhận. Nếu không đủ các bài báo này thì dù thành tựu khoa học và các tiêu chí khác có nhiều đến đâu cũng không thể được xem xét.
Chưa kể khi các bài báo này có thể dùng để đổi cho một số tiêu chí khác còn thiếu nhưng lại không có quy định nào về thành tựu khoa học có thể thay thế được bài báo quốc tế.
Việc đề cao, coi trọng quá mức các bài báo công bố trên các tạp chí ISI, Scopus không chỉ khiến nhiều người e ngại việc phấn đấu trở thành giáo sư, phó giáo sư mà còn xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực lãng phí trong việc "chạy" công bố các tạp chí ISI, Scopus.
“Để đăng bài trên các tạp chí thuộc các danh mục nói trên cần phải có thời gian, có kinh phí. Do nhu cầu đăng ngày càng lớn đã xuất hiện dịch vụ đăng bài và trên bình diện quốc tế thì xuất hiện nhiều tạp chí "rởm", "tạp chí săn mồi" mà các ứng viên, thậm chí các hội đồng cũng khó có khả năng phát hiện.
Thực trạng này sẽ tạo ra sự lẫn lộn giữa người vô tình đăng bài (qua dịch vụ) và người không liêm chính. Chưa kể còn xuất hiện các nhóm "sản xuất bài báo quốc tế" để kiếm tiền từ các nhà khoa học, hoặc của các cơ sở đào tạo "đầu tư" cho bài báo quốc tế, với mục đích thăng hạng trong các bảng xếp hạng học thuật.
Trên thực tế, mỗi năm chúng ta chảy máu một lượng không nhỏ ngoại tệ để chi cho các nhóm dịch vụ hoặc các tạp chí nước ngoài. Số tiền tương đương nếu đầu tư cho các tạp chí trong nước thì chắc chắn chất lượng các bài báo, tạp chí cũng sẽ nâng cao đáng kể.
Việc công bố quốc tế một mặt thể hiện năng lực hội nhập của khoa học Việt Nam vào môi trường nghiên cứu quốc tế, vừa nâng cao thứ hạng nghiên cứu khoa học và đào tạo của các trường đại học Việt Nam. Tuy nhiên, tiêu chí "bài báo khoa học quốc tế có uy tín" cần phải mang tính bình đẳng. Nên chăng chỉ là yếu tố khuyến khích, động viên, khen thưởng và không nên lấy làm điều kiện tiên quyết, tiêu chuẩn cứng”, thầy Sơn nêu quan điểm.
Tính toán đến việc giao trường đại học thực hiện xét phong giáo sư, phó giáo sư
Theo Quyết định 37, để được công nhận là giáo sư, phó giáo sư thì ứng viên phải đảm bảo một loạt tiêu chuẩn cứng như thời gian giảng dạy, số điểm công trình công bố, số đề tài nghiên cứu khoa học… Các tiêu chuẩn này được định lượng thành các con số, rõ ràng chi tiết.
Tuy nhiên, để được công nhận đủ tiêu chuẩn hay không thì cần phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín tín nhiệm của ba hội đồng với số phiếu đồng ý của mỗi hội đồng phải trên 2/3 (đối với hội đồng giáo sư cấp cơ sở và hội đồng giáo sư ngành - liên ngành) và 1/2 (đối với hội đồng giáo sư cấp Nhà nước). Nếu ứng viên không đủ phiếu là trượt.
Theo Giáo sư Phan Xuân Sơn, việc xét duyệt qua ba hội đồng có hàm ý cấp cơ sở có trách nhiệm thẩm định điều kiện cứng (đầy đủ hồ sơ), cấp ngành - liên ngành thẩm định về năng lực chuyên môn và cấp Nhà nước sẽ phê duyệt. Tuy nhiên sự phân định giữa cấp cơ sở và cấp ngành - liên ngành chưa thật rõ ràng, nhiều khi lặp lại công việc của nhau.
Do đó, thầy Sơn đề xuất có thể rút gọn xuống hai cấp, gộp hội đồng cơ sở và hội đồng ngành - liên ngành làm một. Bởi, thực tế hội đồng ngành - liên ngành vẫn phụ trách việc thẩm định phần cứng của hồ sơ và phần nội dung chuyên môn dù có hội đồng cấp cơ sở.
Đồng thời, có thể để Nhà nước đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn còn trường đại học sẽ thực hiện xem xét công nhận và bổ nhiệm. Lấy ví dụ việc đào tạo trình độ tiến sĩ, Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra tiêu chuẩn, quy trình, còn quá trình đào tạo là do các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm. Nhà nước có thể thông qua Bộ Giáo dục Đào tạo để thanh tra, kiểm tra đánh giá và có chế tài đối với các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên thầy Sơn cũng lưu ý rằng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, việc thực hiện mô hình này sẽ không thật sự dễ dàng. Bởi tình trạng thiếu giảng viên trình độ cao sẽ khiến các đơn vị gặp khó trong việc thành lập các hội đồng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư. Khi các cơ sở giáo dục đại học được chủ động trong việc này sẽ mang lại nhiều điểm lợi, khắc phục được những bất cập còn tồn tại hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hảo cũng cho rằng nên áp dụng mô hình trường đại học tự chủ công nhận các ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo các tiêu chí chung đã được Nhà nước và cộng đồng giáo sư quy định.
Tuy nhiên, chỉ áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học lớn, có thứ hạng cao trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam. Trong đó, bắt buộc phải có sự tham gia của các giáo sư hàng đầu của mỗi ngành và mỗi chuyên ngành.
Do những chênh lệch và khác biệt về điều kiện của các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học, việc chuyển nhiệm vụ công nhận các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện theo tiến độ, phụ thuộc vào việc xác định thứ hạng của họ.
Kiến nghị góp ý hoàn thiện Quyết định 37
Đánh giá từ tình hình thực tế kể từ khi Quyết định 37 được ban hành, Giáo sư Phan Xuân Sơn cho hay, khi số lượng ứng viên giảm thì số lượng giáo sư, phó giáo sư ở các cơ sở đào tạo được bổ nhiệm cũng giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo đại học ở nước ta, mặt khác cũng ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phát triển chung của đất nước.
Nếu so sánh số lượng đội ngũ giảng viên đại học nói chung, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên đầu người nói riêng thì nước ta ở mức rất thấp trên thế giới và trong khu vực. Tính đến năm 2024, dân số Việt Nam ước tính đạt khoảng 100 triệu người. Xét trên 1 vạn dân, Việt Nam chỉ có 0,74 giáo sư và 5,63 phó giáo sư, gộp lại là khoảng 6,4 người/ 100 triệu dân. “Con số này không đáp ứng được yêu cầu đào tạo sau đại học”, thầy Sơn cho hay.
Chưa kể xét trên đội ngũ giảng viên đại học toàn thời gian, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư trên 100 giảng viên là 0,81 và 6,17 (tổng cộng là 6,98 người), tức chưa đến 1% giảng viên toàn thời gian có học hàm giáo sư. Tỷ lệ đội ngũ giáo sư và phó giáo sư tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 7% tổng giảng viên.
Tính theo quy mô đào tạo sau đại học, năm 2021 nước ta có khoảng 122.000 người ( gồm 110.000 học viên thạc sĩ và 12.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ). Nếu tính tỉ lệ trên dân số sẽ xấp xỉ 1/9 lần so với mức trung bình của các nước OECD, chưa thể bằng 1/3 so với Malaysia và Thailand và 1/2 so với Singapore và Phillipines.

Để cải thiện tình trạng này, Giáo sư Sơn cho rằng trong hoạt động xét, công nhận và bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư cần có những đổi mới nhất định.
Theo đó, cần có tiêu chuẩn khác biệt nhất định giữa các ngành và chuyên ngành, giữa giáo sư, phó giáo sư giảng dạy, nghiên cứu, danh dự…để quy định thang điểm phù hợp trong tiêu chuẩn chung.
“Điển hình giáo sư nghiên cứu thì điểm chủ nhiệm đề tài có trọng số lớn hơn giờ giảng trực tiếp và ngược lại, giáo sư kiêm chức phải tính điểm cho các sáng kiến lãnh đạo, quản lý…”, Giáo sư Sơn nêu ví dụ.
Thứ hai, tất cả các hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các chức danh giáo sư, phó giáo sư đều được tính điểm (theo trọng số khác nhau). Tránh tình trạng lúc thì tính điểm cho hướng dẫn nghiên cứu sinh, chủ nhiệm đề tài khoa học, lúc thì không.
Thứ ba, để phát triển nền giáo dục nước nhà thì một mặt phải nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu, các công bố khoa học bằng tiếng Việt. Mặt khác thúc đẩy việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia công bố quốc tế bằng các thứ tiếng khác, nhất là tiếng Anh.
Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng thoả đáng, nhưng tránh biến nền khoa học nước nhà thành nền khoa học chuyển ngữ. Nên bỏ các quy định "cứng" (điều kiện tiên quyết) hiện nay về các "bài báo quốc tế".
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hảo, nên thống nhất quy định một bài báo hay một cuốn sách chỉ có 01 tác giả chính - là tác giả ở vị trí thứ nhất, chứ không phải là tác giả ở vị trí thứ hai, thứ ba…, tác giả liên hệ, chủ biên hay đồng chủ biên.
Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của 02 sách chuyên khảo tối thiểu; ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của 01 sách chuyên khảo tối thiểu. Ngoài ra, mỗi sách chuyên khảo mà ứng viên là tác giả chính được phép thay thế 01 bài báo quốc tế bắt buộc còn thiếu.
Bên cạnh đó cần phục hồi điểm cộng cho chủ trì đề tài cấp bộ và cấp nhà nước, phục hồi điểm cộng cho hướng dẫn chính tiến sĩ. Cần xóa bỏ sự khác biệt đặc thù về các tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư của lĩnh vực khoa học an ninh và quân sự so với tất cả các ngành khoa học khác nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng trong xã hội.
Mặt khác, cần xóa bỏ quy định cho phép bài báo khoa học quốc tế được thay thế các tiêu chí như hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ, bù thâm niên, bù giờ dạy, bù đề tài nghiên cứu khoa học… còn thiếu. Bởi vì các giáo sư, phó giáo sư không chỉ là nhà khoa học, mà còn phải là một nhà giáo, phải đáp ứng các yêu cầu của một giảng viên đại học và sau đại học. Cần hoàn thiện lại các mẫu kê khai của ứng viên và các mẫu thẩm định, tránh đưa ra các yêu cầu không cần thiết, không liên quan đến các tiêu chuẩn cứng và gây khó khăn cho các ứng viên và người thẩm định.
Cuối cùng, cần có chế độ chính sách đãi ngộ đặc biệt, có tính đột phá đối với các giáo sư, phó giáo sư không chỉ giới hạn trong lương thưởng mà còn bao gồm môi trường làm việc hiện đại, cơ hội nghiên cứu, phát triển chuyên môn, cùng sự tôn trọng và ghi nhận xứng đáng, cũng như cần tạo ra sự khác biệt căn bản giữa chức danh giáo sư và chức danh phó giáo sư trong chính sách đãi ngộ này.