Nếu Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử lý mạnh, Trịnh Văn Quyết khó có thể tái phạm

22/04/2022 06:33
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa có sự tiếp tay, chống lưng của những người có chức có quyền trong từng lĩnh vực của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc này được căn cứ vào báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong đó, yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán..v.v

Các chuyên gia nhận định, việc ra đời của Kết luận 12 trong bối cảnh hiện nay, khi tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước đang có xu hướng "nở rộ" là điều hết sức cần thiết và kịp thời để loại bỏ tình trạng “sân trước, sân sau”, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Tình hình phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã và đang trong thời điểm phải nói là hết sức quyết liệt.”

Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. Ảnh: Truyền hình Quốc hội

Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. Ảnh: Truyền hình Quốc hội

Trước đây Bộ Chính trị, Ban bí thư, … cũng đã ban hành rất nhiều văn bản phòng chống tham nhũng nội bộ. Mới đây Bộ Chính trị có thêm văn bản về việc tiếp tục phòng chống tham nhũng trong đó có phòng chống tham nhũng ở ngoài khu vực nhà nước.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng không chỉ dừng lại trong khu công mà đã và đang lan sang cả khu vực ngoài nhà nước, có sự kết nối đan xen công - tư ở nhiều lĩnh vực. Do đó, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước cũng chính là để phòng, chống tham nhũng khu vực công hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng đây là vấn đề cốt lõi, căn cơ vì thời gian vừa qua có những cán bộ câu móc, tiếp tay với các doanh nghiệp ngoài nhà nước gây thiệt hại rất lớn. Ví dụ như vụ Việt Á.

Tôi cho rằng ở đây có sự tiếp tay, chống lưng của những người có chức có quyền trong từng lĩnh vực của các doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động. Đây là vấn đề hệ trọng cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Bộ Chính trị và Ban Thư ký đã rất quyết tâm phòng chống tham nhũng để trừng trị những kẻ tham ô, những kẻ móc ngoặc làm lũng đoạn thị trường, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Từ những lực lượng được yêu quý, trân trọng nhất trong cán bộ công chức, viên chức nhà nước như thầy thuốc, thầy giáo, lực lượng vũ trang thời gian gần đây các lượng lượng này có những hành vi nhũng nhiễu, câu móc với những doanh nghiệp bên ngoài đã làm thất thoát tài sản, ngân sách.

Vì vậy người dân rất bất bình.

Đảng và Nhà nước cần phải trừng trị, để răn đe, phòng ngừa những đối tượng sau này không dám hoặc không muốn, không làm những hành vi này để lấy lại lòng tin của người dân".

Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã bị cơ quan chức năng khởi tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết đã tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

Đáng lưu ý là hành động bán chui cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết không phải lần đầu tiên diễn ra.

Trước đó, năm 2018, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh bằng nhiều bài viết về hành động bán chui cổ phiếu của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC này.

Theo đó, trong ba ngày (20, 23, 24/10/2017), ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC. Cũng trong thời gian này, FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch cũng bán “chui” 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD).

Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết số tiền 65 triệu đồng, còn đối với FLC Faros là 130 triệu đồng; không áp dụng hình phạt bổ sung như buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có.

5 năm sau, chiều 10/1, ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC song không công bố thông tin trước đó. Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Tuy nhiên, Quyết định xử phạt này của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã bị thu hồi sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam.

Có thể thấy, dù đã có rất nhiều cảnh báo, rất nhiều phản ánh về hành vi của Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, việc xử phạt không nghiêm đã dẫn đến những hành vi lặp lại gây thiệt hại đến nền kinh tế và các nhà đầu tư. [1]

Nói về việc đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn lặp lại hành vi sai trái, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đó là sự dễ dãi khi chính ông Trịnh Văn Quyết không sợ, không ngại.

Bởi theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, nếu Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử lý mạnh, đủ sức răn đe và có tác dụng ngăn chặn, ông Quyết sau khi bị xử lý sẽ khó có thể lặp lại hành vi.

Thế nhưng, sau khi bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt, ông Quyết vẫn tiếp tục lặp lại hành vi sai phạm đó bởi có thể có sự móc ngoặc, chống lưng.

Từ vụ việc của Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, hay cụ thể như vụ Nhật Cường được ông Nguyễn Đức Chung - Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chống lưng có thể thấy được những lo lắng về doanh nghiệp "sân sau" làm hỏng cán bộ là hiện hữu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng biện pháp để bài trừ móc ngoặc, tham nhũng thì các văn bản của Trung ương nói nêu rất rõ, rất cụ thể nên cần căn cứ vào những văn bản đó để thực hiện.

Tuy nhiên bản thân quan chức nhà nước có hành vi sai phạm không tiếp thu, họ biết việc làm của bản thân là sai nhưng vẫn bị đồng tiền làm mờ mắt, làm mất phẩm chất, giá trị của con người.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá trong việc điều tra, xử lý các vấn đề tham nhũng báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng.

"Vì vậy để thực hiện sứ mệnh của mình ngòi bút của người làm báo cần phải công tâm, khách quan.. Phải nói rằng thời gian qua nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng được phanh phui đều ít nhiều có đóng góp của các cơ quan báo chí nên tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí.

Tuy nhiên cũng cần phê bình, phê phán những người bẻ cong ngòi bút, không đưa tin khách quan, hoặc câu kết với những đối tượng không tốt", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/chong-tham-nhung-kv-ngoai-nha-nuoc-can-chan-som-nhung-trinh-van-quyet-tiep-theo-post225793.gd

Nhật Tân