Ngành GD TP Cẩm Phả và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu GV, thiết bị dạy học

11/09/2023 08:54
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2023 – 2024, TP Cẩm Phả tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiết bị dạy học và tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy và học.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học

Năm học 2023-2024, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) có tổng số 66 cơ sở giáo dục ở các cấp học. Toàn thành phố có 1.507 lớp học với tổng số 50.700 học sinh.

Theo bà Lê Thị Lan - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cẩm Phả, trước khi vào năm học 2023 – 2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã rà soát, điều tiết đội ngũ giáo viên giữa các đơn vị, nhằm đảm bảo số lượng, cơ cấu bộ môn, cũng như cân đối giữa các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, tham mưu cho thành phố thực hiện việc điều động, bố trí, sắp xếp giáo viên, nhân viên từ trường thừa sang trường thiếu, từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều để đảm bảo về cơ cấu bộ môn…

Trường Trung học phổ thông Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) được xây mới khang trang, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000m2, đáp ứng nhu cầu học tập cho trên 1.500 học sinh (Ảnh: Nguyễn Soái)

Trường Trung học phổ thông Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) được xây mới khang trang, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000m2, đáp ứng nhu cầu học tập cho trên 1.500 học sinh (Ảnh: Nguyễn Soái)

Trong dịp hè năm 2023, thành phố có 56 giáo viên văn hóa tham gia bồi dưỡng giảng dạy các môn thể dục, tin học công nghệ. Bên cạnh đó, thành phố cử 75 cán bộ giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn lịch sử, địa lý; 111 giáo viên bồi dưỡng môn khoa học tự nhiên theo quy định để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

Cùng với đó, thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, sắp xếp thời khóa biểu khoa học, bố trí liên kết chuyên môn giữa các trường, cụm trường.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo giáo viên, thành phố cũng chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong việc sắp xếp tiết dạy. Tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị thiếu giáo viên bộ môn được hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên bộ môn ở đơn vị khác nhằm hoàn thành nhiệm vụ.

Để đảm bảo công tác dạy và học, thành phố Cẩm Phả cũng yêu cầu các trường khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị bằng cách tổ chức các hoạt động giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học. Tận dụng các thiết bị dạy học cũ và các phòng học bộ môn, phòng học thông minh còn phù hợp để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.

Tổ chức linh hoạt các hình thức dạy học để học sinh có tâm thế học tập ở nhiều không gian ngoài lớp học, thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, chương trình giáo dục địa phương…

Thành phố Cẩm Phả linh hoạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và trang thiết bị dạy học (Ảnh: CTV)

Thành phố Cẩm Phả linh hoạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và trang thiết bị dạy học (Ảnh: CTV)

Bên cạnh việc đảm bảo trang thiết bị dạy học, năm học 2023 – 2024, thành phố tiếp tục dồn ghép điểm trường Cái Tăn về trường chính Tiểu học và Trung học cơ sở Cộng Hòa; dồn ghép điểm trường Khu Tây Sơn 2 về trường chính Mầm non Cẩm Sơn 1 để đảm bảo điều kiện đội ngũ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tổ chức dạy ngoại ngữ và kỹ năng sống cho học sinh theo quy định.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học

Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục, ngành giáo dục Cẩm Phả đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong trường học.

Cụ thể, theo kế hoạch chuyển đổi số ngành Giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của ngành giáo dục thành phố Cẩm Phả, mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn ngành làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn thành phố.

Theo đó, ngành giáo dục thành phố thực hiện đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu.

Hiện nay, 100% các trường mầm non, tiểu học, tiểu học và trung học cơ sở, trung học cơ sở trên địa bàn có phòng gắn thiết bị trực tuyến để phục vụ cho hoạt động chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên dịp hè và trong năm học. 100% trường học có kết nối Internet, với hệ thống mạng cáp quang tốc độ cao, thiết bị phát wifi.

Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2022-2023 và tuyển sinh lớp 1, 6. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai tuyển sinh trực tuyến (toàn bộ thí sinh thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến, thông tin hồ sơ của thí sinh được trích xuất tự động từ cơ sở dữ liệu, không dùng hồ sơ giấy).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp học sinh của phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.

Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đang tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin như phần mềm quản lý trường học trực tuyến tích hợp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành.

Tại Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh), hiện 100% học sinh, giáo viên có hồ sơ điện tử, có mã định danh thống nhất; sử dụng học bạ, một số sổ sách điện tử thay thế hồ sơ giấy.

Tiết học Địa lý của cô và trò Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (Ảnh: CTV)

Tiết học Địa lý của cô và trò Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (Ảnh: CTV)

Nhà trường cũng tập trung tìm giải pháp khai thác hiệu quả các thiết bị hỗ trợ dạy và học đã được đầu tư như việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các buổi sinh hoạt của tổ chuyên môn, của nhà trường.

Từ đó, giúp cán bộ, giáo viên tập huấn, tìm hiểu sâu, kỹ hơn các phần mềm đang áp dụng trong quản lý. Góp phần giúp công tác quản lý, dạy và học của nhà trường đạt nhiều kết quả.

Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào dạy học cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường triển khai trong năm học 2023 – 2024.

Đơn cử như tại một tiết học Địa lý của học sinh khối 9 do cô giáo Bùi Cẩm Phương – giáo viên môn Địa Lý, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền giảng dạy, cùng với việc sử dụng những dụng cụ học tập truyền thống, cô Phương truyền thụ bằng việc sử dụng các phần mềm đồ hoạ, bản đồ tương tác, video để minh hoạ các khái niệm địa lý phức tạp.

Theo cô giáo Phương, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy giúp học sinh dễ dàng hiểu và tạo sự tương tác, hứng thú với nội dung học.

Đây là cách truyền thụ thông tin về môn học theo phương pháp trực quan hơn và giúp học sinh vừa khám phá các khái niệm địa lý một cách sinh động vừa tăng cường khả năng giao tiếp.

Phạm Linh