Ngành giáo dục các địa phương đã làm gì mà để 1 điểm/môn cũng đỗ lớp 10?

22/08/2020 06:56
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số nơi có điểm tuyển sinh vào lớp 10 công lập mỗi môn là 1 hoặc 1,5 điểm mà vẫn đỗ vào trường, vậy còn những em đi thi được không điểm chắc cũng rất nhiều.

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm học 2020 - 2021.

Điểm trúng tuyển thường được căn cứ vào kết quả 3 môn thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ với cách tính như sau: Điểm trúng tuyển = (Toán + Văn) x 2 + Ngoại ngữ + điểm ưu tiên.

Tính theo cách này nhưng nhiều trường Trung học phổ thông vẫn có điểm chuẩn rất thấp, có nới mỗi môn học sinh chỉ đạt 3 đến 3,5 điểm.

Nhiều trường ở các tỉnh đưa ra mức chuẩn tuyển sinh lớp 10 quá thấp, có trường khoảng 1 điểm cho 1 môn thi vẫn đỗ vào Trung học phổ thông công lập.

Một điểm trường tại xã La Pán Tẩn - Mù căng Chải, Yên Bái. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Một điểm trường tại xã La Pán Tẩn - Mù căng Chải, Yên Bái. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nguyên nhân được nhiều trường đưa ra là do ít thí sinh đăng ký so với chỉ tiêu được giao.

Nhiều lãnh đạo của các trường Trung học phổ thông cho rằng, điểm trúng tuyển nhiều trường thấp "tới đáy" khi chỉ lấy 2,9 điểm cho 3 môn thi là quá thấp và đáng báo động.

Vấn đề đặt ra là nếu chỉ 0,58 điểm 1 môn đã đỗ vào lớp 10 thì có nên thi nữa không?

Một số trường của tỉnh Thái Nguyên với 3 môn Toán, Ngữ văn (hệ số 2), Tiếng Anh (hệ số 1), như Trường Trung học phổ thông Lý Nam Đế lấy 4,5 điểm.

Như vậy, chỉ cần 0,9 điểm 1 môn có thể đỗ lớp 10. Một số trường có điểm chuẩn thấp nữa như Trung học phổ thông Lưu Nhân Chú (4,6 điểm). Trung học phổ thông Đại Từ (5,9 điểm).

Tại Hải Dương, 3 trường có điểm trúng tuyển dưới 10 điểm là Trung học phổ thông Hà Đông (8,5 điểm), Trung học phổ thông Kim Thành II (9,25 điểm).Trung học phổ thông Trần Phú (9,75 điểm). Như vậy 3 trường này chưa tới 2 điểm 1 môn đã trúng tuyển.

Tại Bắc Ninh, nhiều trường có mức điểm thấp như: Trung học phổ thông Quế Võ số 3 (10 điểm). Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (11 điểm).Trung học phổ thông Hàm Long (13 điểm).

Tại Thái Bình, Trường Trung học phổ thông Bắc Duyên Hà (10,5 điểm), Trường Trung học phổ thông Phạm Quang Thẩm (11,5 điểm).

Điểm chuẩn của tỉnh Thanh Hoá thì có khá nhiều trường chỉ cần 0.8 điểm 1 môn là đã đỗ lớp vào lớp 10 trường công lập.

Đưa các em vào điều kiện phải giúp đỡ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm:

“Chúng ta phải thừa nhận một điều, chất lượng chung của giáo dục thường không đồng đều.

Những vùng sâu vùng xa, kinh tế khó khăn và nhất là những vùng không được đầu tư nhiều về giáo viên thì chất lượng giáo dục được đến đâu thì quý đến đấy.

Có vấn đề cần quan tâm hơn đó là việc xây đủ trường và tạo mọi điều kiện để học sinh đến trường học. Đấy mới là điều quan trọng.

Chứ còn điểm thấp hay cao là một thứ để chúng ta tham khảo. Còn quan điểm của tôi là học sinh ở vùng sâu, vùng xa dân tộc thiểu số đã đến trường học là quý lắm rồi.

Hơn nữa thầy cô ở đó phải vất vả hơn khi dạy các em, thậm chí còn đến từng nhà vận động các em đi học”.

Tiến sĩ Tùng Lâm chia sẻ: “Đừng đặt ra vấn đề điểm thấp thì ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, mà phải đặt ra là trong điều kiện nào thì phải cho học sinh đến trường.

Thậm chí, các em không đủ điểm chuẩn cũng cần phải cho các em đi học, lưu tâm kèm cặp. Chứ không thể cào bằng như ở các thành phố lớn được.

Đừng để những học sinh điểm thấp tổn thương nữa, đằng nào họ cũng kém rồi. Đừng thi cử nữa mất thì giờ, đưa các em vào điều kiện phải giúp đỡ là chính.

Trong học tập thì việc tự kiểm tra của thầy và trò quan trọng hơn rất nhiều các kì thi, chứ không phải thi nọ thi kia mới là đúng”.

Cuộc sống của các em học sinh vùng xa còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cuộc sống của các em học sinh vùng xa còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Điểm số phản ánh chất lượng đầu tư cho giáo dục

Cũng vấn đề này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Giáo viên dạy Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo Thầy Ngọc: “Rõ ràng mặt bằng giáo dục có vấn đề và điểm số là phản ánh trung thực chất lượng đào tạo của các vùng miền, từng trường và điều đó không thể nói khác được.

Tôi ngạc nhiên và cũng rất lo lắng khi thấy có điểm tuyển sinh vào lớp 10 công lập mỗi môn là 1 hoặc 1,5 điểm mà vẫn đỗ vào trường, vậy còn những em đi thi được không điểm chắc cũng rất nhiều.

Chúng ta phải xem vì sao lại có hiện tượng như vậy? Thứ nhất phải xem lại những vùng có điểm thấp như vậy đã được sự quan tâm của ngành giáo dục đến nơi đến chốn hay chưa?

Các cấp lãnh đạo và ngành giáo dục ở địa phương đó đã làm gì mà để cho mặt bằng giáo dục thấp như vậy?

Rồi xem lại gia đình, cha mẹ các em học sinh đó đã thực sự dành thời gian quan tâm, dạy dỗ, đầu tư về kinh tế cho các em đến nơi hay chưa?

Trách nhiệm của các thầy cô giáo đã hoàn thành việc dạy kiến thức phổ cập cho các em đến đâu, có phối hợp với gia đình các em hay không mà chất lượng lại thấp như thế…? Và toàn điểm thấp như vậy chắc chắn có vấn đề”.

Thầy Ngọc cho biết: “Đặc tính của con trẻ thường hay thích cái mới, lạ và chúng đều thích học hỏi, nhưng tất nhiên là có cái chúng thích học và có cái chúng không thích.

Các em như một trang giấy trắng, và viết gì vào đó là trách nhiệm quan tâm của thầy cô và gia đình các em, viết thế nào thì nó sẽ ra như thế.

Tôi khẳng định các em có điểm thi thấp đó chắc chắn hoàn toàn không phải là lỗi ở các em, mà người lớn phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

Nếu chúng ta ngẫm nghĩ thật kỹ thì sẽ thấy ở đây có vẫn đề như sau: Thứ nhất là sự giả dối, thích thành tích của ngành giáo dục mà cho đến hôm nay vẫn chưa thay đổi được.

Điều này thể hiện ở bảng điểm nhân hệ số 2 Toán và Văn rồi sau đó cộng lại thành điểm cao, có lẽ để cho đẹp điểm tuyển sinh. Cứ để nguyên điểm thi chứ nhân 2 làm gì?

Đó là sự giả dối mà trong xã hội hiện nay chúng ta cần phải sửa, và phải phấn đấu nhiều hơn bởi chúng ta thích thành tích.

Tôi thấy những người làm giáo dục nếu như có trách nhiệm với học trò, với xã hội, nếu thấy đau xót thì họ sẽ nghĩ ra nhiều cách khác để giúp đỡ các em học sinh, chứ không phải nghĩ ra các trò giả dối để làm vui cấp trên”.

Theo thầy Ngọc : "Còn trước mắt thì không thể khác được, vẫn phải nhận các em học sinh đó vào trường và giúp các em ít nhiều có kiến thức. Không có cách nào khác". Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Ngọc : "Còn trước mắt thì không thể khác được, vẫn phải nhận các em học sinh đó vào trường và giúp các em ít nhiều có kiến thức. Không có cách nào khác". Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Ngọc nhận định: “Mặt bằng về kinh tế, dân trí…của các vùng miền trong cả nước rất khác nhau, chúng ta phải thấy được rằng người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi…họ rất khó khăn.

Những vùng đó trường không ra trường vì thiếu đầu tư, trẻ con đến lớp nhiều khi phải đi bộ hàng chục km, thậm chí trèo đèo lội suối và còn thiếu cả ăn, cả mặc.

Vậy thử hỏi giáo dục đã làm cái gì ở những vùng đó? Nhiều thầy cô hy sinh cả tuổi trẻ để cắm bản, khắc phục mọi khó khăn để dạy dỗ các em học sinh, nhiều khi còn phải lo cả cái ăn, cái mặc cho các em ngoài nhiệm vụ chính.

Nhưng tôi thấy còn một việc nữa rất cần thiết là hướng nghiệp cho các em học sinh, cả một xã hội phát triển như hiện nay thì không phải ai cũng là giáo sư, tiến sĩ hoặc vào đại học…

Cần hướng dẫn cho các em học nghề, làm cái gì thiết thực giúp đỡ chính bản thân các em, đó mới là điều quan trọng.

Vậy nên nếu để nói không nhận các em có điểm thấp như thế vào học thì cũng có cái khó, về lý thuyết thì điểm đầu vào cứ đúng chuẩn quy định thì nhận, không đủ thì đừng vào.

Nhưng nếu không nhận các em đó vào trường thì đẩy các em đi đâu? Thậm chí nhiều vùng sâu các em còn không thèm đi học. Vậy chúng ta phải làm sao trong khi trường lớp, giáo viên đã sẵn sàng, không lẽ để các thầy cô thất nghiệp?

Thôi thì vẫn phải nhận các em vào trường, cố gắng dạy dỗ rồi ít nữa nó tròn, méo ra sao thì cũng đành chấp nhận, như vậy vẫn còn hơn là không được đi học.

Nhưng về mặt tích cực là phải cảnh báo những nhà quản lý xã hội rằng họ phải nghĩ làm sao để hướng nghiệp, rồi hướng phát triển kinh tế thế nào để người dân ở vùng sâu, vùng xa có lối thoát. Đó mới là vẫn đề chính quan trọng.

Còn trước mắt thì không thể khác được, vẫn phải nhận các em học sinh đó vào trường và giúp các em ít nhiều có kiến thức. Không có cách nào khác.

Nếu suy xét đến cùng thì giáo dục hiện nay bị rất nhiều khó khăn, nhiều rắc rối của xã hội dồn vào trường. Thầy cô và các em học sinh thật sự đáng thương hơn là đáng trách và hiện tượng học sinh bị điểm thi kém như vậy cũng là thiểu số, không thể lấy đó để phán xét nền giáo dục nói chung”.

Tùng Dương