Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin trong bài “Nguyên nhân nợ giáo viên “tiền tỉ” của ngành giáo dục huyện Thới Bình”, đến cuối năm 2015, ngành đã nợ giáo viên với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Lãnh đạo ngành cho biết, huyện này đã có kế hoạch chi trả dứt nợ vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thới Bình (ngày 9/8), có chữ kí của Trưởng phòng Huỳnh Thanh Hận, đến thời điểm cuối tháng 6/2016, ngành giáo dục huyện Thới Bình đã nợ giáo viên hơn 24 tỷ.
Hiện tại, huyện này đã cân đối chi trả hơn 6 tỷ, số nợ còn lại là hơn 18,5 tỷ đồng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Bình (Ảnh: tác giả). |
Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 6, số nợ báo cáo đã vượt khoảng 7 tỷ đồng, lên 24 tỷ.
Đặc biệt theo phản ánh của giáo viên, một số trường đang trong tình trạng thiếu kinh phí trả lương và cũng đã hết kinh phí hoạt động.
Bài viết “Nguyên nhân “nợ giáo viên tiền tỉ” của ngành giáo dục huyện Thới Bình” sau khi đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhận được sự đồng tình của nhiều cán bộ, giáo viên.
Đổi mới nhưng kinh phí ít, thầy cô chỉ thấy vất vả, áp lực |
Thể hiện rõ là sau khi phản ánh, nhiều giáo viên (xin được dấu tên) đã gọi điện cảm ơn báo và chia sẻ những bình luận hết sức thiết thực.
Theo phản ánh, hàng năm, trước khi phân bổ nguồn kinh phí về các đơn vị trường học trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều hiệp ý với Phòng Tài Chính - Kế hoạch, được chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện phê duyệt.
Theo đó, kinh phí được phân làm hai nguồn cụ thể: nguồn chi lương và nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên.
Đối với nguồn kinh phí chi lương luôn được ưu tiên đảm bảo trước cũng như các khoản có tính chất như lương đủ 12/12 tháng cho từng đơn vị; phần còn lại sẽ phân bổ vào kinh phí hoạt động.
Báo cáo thể hiện, xu hướng nợ năm sau cao hơn năm trước. |
Nhưng không biết hai năm qua việc phân bổ được thực hiện như thế nào mà có đơn vị thừa đến hàng trăm triệu đồng, có đơn vị lại thiếu tiền lương chi trả.
“Trong khi nguồn kinh phí chi lương đã cạn kiệt, không biết cuối năm 2016 ngành có lại điều chuyển kinh phí từ trường thừa sang trường thiếu giống năm 2015 hay không?”, một giáo viên hỏi.
Như đã đã thông tin, ngoài việc điều chuyển kinh phí một cách “lộn xộn”, thiếu phần minh bạch; vấn đề đầu tư mua sắm bàn ghế học sinh của một số trường ở huyện Thới Bình cũng được thực hiện sai quy định.
Hóa đơn mua bàn ghế của trường Trung học Cơ sở thị trấn Thới Bình. |
Cụ thể, một số trường đã sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên để mua sắm bàn ghế học sinh trong khi kinh phí hoạt động năm 2016 cấp cho tất cả các trường đang ở mức báo động.
Báo động hết tiền trả lương: Thiếu lại "vác rá" đi xin, ngân sách nào kham nổi? |
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên để mua bàn ghế học sinh nói trên cũng có nhiều tiêu cực.
Cụ thể là ngoài chủ trương của huyện, các thủ tục thanh quyết toán được thực hiện không đúng theo quy định Nhà nước, việc lựa chọn nhà thầu đầu tư chỉ dựa vào bản báo giá của cơ sở kinh doanh chứ không tổ chức theo quy định…
Đặc biệt, tại Điều 8, Quy định về quản lý giá, phân cấp quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Cà Mau nêu rõ:
“Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện Thành phố Cà Mau quyết định phê duyệt phương án mua sắm tài sản có giá trị từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ lần mua sắm hàng hóa…”.
Việc điều hành kinh phí không rõ ràng, thiếu minh bạch như đã nói dẫn đến sử dụng kinh phí cho sự nghiệp giáo dục thiếu hiệu quả, gây tồn đọng nhiều khoản nợ lương và chế độ.
Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Các cơ quan quản lý Nhà nước sao không vào cuộc xử lý?