Theo lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, những năm gần đây, việc tuyển sinh đối với nhóm ngành Nông - Lâm nghiệp giảm sút không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển chung của trường, mà còn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn cả nước.
Bàn về thực trạng công tác tuyển sinh hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng của một trường đào tạo nhóm ngành Nông - Lâm nghiệp chia sẻ, khoảng 2 năm trở lại đây, các ngành Lâm học, Quản lý đất đai của trường rất khó thu hút sinh viên dù nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp rất lớn.
“Lâm học và Quản lý đất đai là hai ngành truyền thống được đưa vào chương trình đào tạo ngay từ khi thành lập trường. Trước đó, mỗi năm, ngành Lâm học tuyển được 20-40 sinh viên. Tuy nhiên, năm 2019 và 2022 là hai năm liên tiếp ngành này khó tuyển sinh”, vị này chia sẻ.
Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên trong tiết thực hành. Ảnh: website nhà trường. |
Cho biết nguyên nhân khó tuyển sinh đối với ngành Lâm học và ngành Quản lý đất đai, theo vị này, do giới trẻ ngày nay thường nghĩ học ngành Nông - Lâm nghiệp thì tương lai sẽ phải đi làm những công việc lam lũ, vất vả, làm nghề trồng trọt “chân lấm, tay bùn”.
Hơn nữa, xã hội phát triển, nhu cầu của người học đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp không nhiều nên các em có xu hướng lựa chọn các ngành thời thượng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, kinh doanh, tài chính, ngân hàng…
“Không phải mức thu nhập, cơ hội việc làm rộng mở, mà nhu cầu của sinh viên mới là yếu tố quyết định các em có đăng ký vào học ngành Nông - Lâm nghiệp hay không. Hàng năm, trường đón hơn 20 công ty, doanh nghiệp về để tuyển dụng nhân lực nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng số lượng sinh viên ra trường không đáp ứng được hết nhu cầu”, vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này, nếu năm 2023 nhà trường vẫn tiếp tục khó tuyển sinh đối với 2 ngành Lâm học, Quản lý đất đai, trường sẽ tính toán để thực hiện một trong hai hướng. Một là, chuyển 2 ngành này trở thành chuyên ngành nhỏ. Hai là, xóa ngành. Sau khi xóa ngành, trường sẽ cho giảng viên của 2 ngành này đi học, bồi dưỡng để chuẩn bị các điều kiện mở ngành mới, đáp ứng nhu cầu người học.
Cùng chia sẻ về công tác tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, cách đây 5 năm, các ngành đào tạo Nông - Lâm nghiệp truyền thống bắt đầu khó tuyển sinh. Cụ thể, mỗi năm, hầu hết các ngành của trường chỉ đạt từ 25-30% chỉ tiêu tuyển sinh. Có ngành đạt 50-60% chỉ tiêu, có ngành đạt 10% (ví dụ như ngành Lâm nghiệp).
"Trong số các ngành đào tạo của trường, ngành Công nghệ thực phẩm, Chăn nuôi, Thú y,… là những ngành tuyển sinh tốt. Đặc biệt, những ngành có sự kết hợp như: Nông nghiệp công nghệ cao, Quản lý thông tin trong nông nghiệp,... được nhiều sinh viên lựa chọn. Trong đó, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn các ngành khác, mỗi khóa, ngành tuyển được 1 lớp (từ 35-40 sinh viên).
Còn các ngành như Lâm nghiệp, Quản lý đất đai, Kinh tế nông nghiệp,… trước đây trường tuyển sinh rất tốt, nhưng hiện nay, do số lượng vị trí việc làm của những ngành này trong cơ quan nhà nước ít hơn nên cũng khó thu hút sinh viên”, thầy Quang chia sẻ.
Cho biết thêm về những nguyên nhân khiến ngành đào tạo về nông nghiệp, lâm nghiệp truyền thống khó thu hút người học, thầy Quang cho rằng, một phần do tâm lý của học sinh, phụ huynh cho đây là ngành học vất vả. Chưa kể, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, thu nhập của người dân tăng lên nên nếu có điều kiện thì bố mẹ sẽ định hướng cho con em học các ngành như du lịch, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin…
Thêm nữa, các trường đại học ở địa phương thường được cho là kém thu hút hơn các trường đại học ở Hà Nội. Thực tế trước đây, học sinh ở các tỉnh miền núi thường chọn học tại các trường địa phương để giảm các chi phí đắt đỏ trong sinh hoạt so với đi học ở thành phố. Song, hiện nay kể cả học sinh không có nhiều điều kiện cũng đều muốn về Hà Nội để vừa học, vừa làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
"Thực tế, điều kiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp tuy vất vả nhưng cơ hội việc làm rất lớn và chế độ lương cũng không thấp hơn so với nhiều ngành khác. Sinh viên một số ngành về chăn nuôi, nuôi trồng,… khi mới ra trường làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng", thầy Quang chia sẻ.
Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các ngành học. Đối với các ngành khó tuyển sinh, nhằm tạo động lực, khuyến khích sinh viên đăng ký vào học, trường xây dựng các chế độ chính sách riêng.
Cụ thể, trường có học bổng và miễn phí tiền ở ký túc xá trong tháng đầu tiên cho sinh viên. Đặc biệt, sinh viên có điểm đầu vào cao, thành tích học tập tốt sẽ được thưởng từ 3-10 triệu đồng. Những sinh viên nằm trong top thủ khoa của trường sẽ được tặng máy tính.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhà trường cũng có chế độ chính sách hỗ trợ thầy, cô giáo ở một số trường trung học phổ thông khi làm công tác tạo nguồn sinh viên cho trường. Ví dụ, mỗi thầy, cô giáo giới thiệu cho 1 học sinh vào trường thì sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/giáo viên.
"Hiện ngành đào tạo Nông - Lâm nghiệp ở nước ta chưa có chính sách hỗ trợ, chỉ có một số ngành đặc thù, độc hại, và ngành sư phạm là có chế độ chính sách hỗ trợ riêng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho nhóm ngành Nông - Lâm nghiệp truyền thống kém thu hút đối với người học hiện nay”, thầy Quang chia sẻ.
Nhìn chung, qua ghi nhận chia sẻ của một số lãnh đạo trường đại học cho thấy, nếu các ngành Nông - Lâm nghiệp truyền thống tiếp tục khó tuyển sinh trong thời gian tới mà không có giải pháp tháo gỡ tổng thể thì hậu quả là nhu cầu thị trường lao động dồi dào, có ngành đào tạo nhưng trò không học, giảng viên chuyển công tác.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang, 3-4 khóa tuyển sinh gần đây, trường không tuyển sinh đối với ngành Thủy sản, Khuyến nông. Những giảng viên của 2 ngành này được đào tạo bồi dưỡng để dạy các môn học của ngành khác tương ứng; một số giảng viên đi sang nước ngoài để học tập hoặc làm việc tại các tập đoàn quốc tế.