Ngày càng có nhiều giảng viên trình độ tiến sĩ xin chuyển về Đại học Đà Nẵng

27/07/2023 06:34
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐH Đà Nẵng thực hiện nhiều chính sách để GV học tập nâng cao trình độ, tạo điều kiện để thầy cô đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước.

Với nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay, bài toán tài chính đang là thách thức lớn trong bối cảnh tự chủ. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách để thu hút, giữ chân, trọng dụng nhân tài cũng gặp nhiều khó khăn.

Tiền lương có cải thiện nhưng chưa phù hợp với vị trí việc làm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam – Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện Đại học Đà Nẵng có 1.616 giảng viên, trong đó có 736 tiến sĩ (45,54%), có 863 thạc sĩ (53,4%), 104 phó giáo sư (6,44%) và có 7 giáo sư (0,43%).

Từ năm 2020 đến nay, Đại học Đà Nẵng tuyển dụng và tiếp nhận 5 phó giáo sư, 64 tiến sĩ và 152 thạc sĩ.

Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam – Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.

Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam – Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.

Chia sẻ về những khó khăn trong chính sách thu hút giảng viên trình độ cao, Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam cho biết, trong bối cảnh tự chủ đại học, nhiều trường bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học cũng hạn hẹp, nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu dựa vào học phí.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chính sách tăng học phí theo lộ trình tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chưa được thực hiện trong 2 năm qua, điều này ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, đầu tư cho con người, đặc biệt đối với các nhà giáo đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn, có giá cả và mức sống đắt đỏ.

Tiền lương trả cho viên chức của Đại học Đà Nẵng vẫn theo hệ thống thang, bảng lương chung đối với công chức, viên chức và một số quy định riêng theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng trường đại học thành viên.

Mặc dù hiện nay, tiền lương và đãi ngộ cho viên chức đã có cải thiện, song chưa phù hợp với vị trí việc làm và trình độ đào tạo (vì hầu hết các giảng viên được học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại nước ngoài), còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực, chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội.

Thời gian qua, Đại học Đà Nẵng cũng có xảy ra tình trạng giảng viên nghỉ việc nhưng số lượng không nhiều, hầu hết các giảng viên có trình độ tiến sĩ nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình, đau ốm hoặc do ngành, chuyên ngành giảng dạy đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh khi nhu cầu xã hội giảm.

“Tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều giảng viên trình độ tiến sĩ từ các trường đại học hoặc đơn vị ngoài công lập đã xin chuyển về công tác về Đại học Đà Nẵng, trong đó có những giảng viên có học hàm phó giáo sư.

Điều này chứng tỏ uy tín, học hiệu của Đại học Đà Nẵng đã được nâng cao, môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ của đại học công lập nói chung và Đại học Đà Nẵng nói riêng vẫn có sức thu hút nhất định đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục”, thầy Nam chia sẻ.

Nhiều trường thành viên có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài

Về chính sách thu hút, giữ chân người tài, Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam cho biết, việc xếp lương cho người mới tuyển dụng được Đại học Đà Nẵng thực hiện theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Trong đó, người mới được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức Đại học Đà Nẵng, nếu có thời gian công tác (có trích đóng bảo hiểm xã hội) trước khi tuyển dụng làm việc đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ thì quá trình công tác đó được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp mới được tuyển dụng, tiếp nhận.

Ngoài ra, các trường đại học thành viên tùy vào nguồn lực tài chính và điều kiện cụ thể đã có những quy định hỗ trợ riêng giúp các giảng viên nâng cao thu nhập, ổn định và yên tâm công tác.

Ví dụ: Trường Đại học Kinh tế là đơn vị tự chủ, hỗ trợ cho các giảng viên, nghiên cứu viên mới được tuyển dụng là 1.500.000đ/người/tháng đối với thạc sĩ và 2.000.000đ/tháng/người đối với tiến sĩ trong 03 năm đầu tiên; giảng viên, nghiên cứu viên hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại nước ngoài, trường hỗ trợ 2.000.000đ/tháng/người trong 6 tháng đầu kể từ ngày có quyết định tiếp nhận trở lại công tác.

Hay giảng viên mới tuyển dụng vào Trường Đại học Bách khoa nếu chưa có nhà ở tại Thành phố Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ chỗ ở tại nhà khách của trường trong thời gian 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng làm việc.

Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng có những quy định hỗ trợ riêng giúp các giảng viên nâng cao thu nhập, ổn định và yên tâm công tác. Ảnh: NTCC

Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng có những quy định hỗ trợ riêng giúp các giảng viên nâng cao thu nhập, ổn định và yên tâm công tác. Ảnh: NTCC

Đại học Đà Nẵng luôn tạo điều kiện để viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn được thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nếu trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn, viên chức được hưởng chế độ tiền lương cao hơn.

“Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, bình đẳng, công bằng, đảm bảo các trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học;

Phân công những công việc phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo là cơ sở, điều kiện quan trọng để những người được thu hút phát huy tốt năng lực chuyên môn.

Đồng thời, Đại học Đà Nẵng cũng đánh giá, cân nhắc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm những người có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tốt vào các vị trí quản lý phù hợp”, Tiến sĩ Nam thông tin.

Hàng năm, để động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy sự năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo động lực làm việc, Đại học Đà Nẵng đã thực hiện khen thưởng thường xuyên và đột xuất cho các cá nhân, tập thể cán bộ viên chức có thành tích trong năm học.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng và Thủ trưởng các đơn vị thành viên quyết định mức kinh phí trích lập cụ thể hàng năm để chi cho khen thưởng.

Đồng thời, Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên tổ chức vinh danh đối với các tân giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và có trích kinh phí khen thưởng có thể lên đến mức 50.000.000 đối với Phó Giáo sư, 100.000.000 đối với Giáo sư (như Trường Đại học Sư phạm).

Cùng với đó, Đại học Đà Nẵng cũng thực hiện nhiều chính sách để giảng viên học tập nâng cao trình độ, luôn khuyến khích, tạo điều kiện để giảng viên đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín trong nước và nước ngoài theo các đề án có sử dụng ngân sách nhà nước, các chương trình học bổng hiệp định và một số học bổng song phương,…

Đối với giảng viên đi học sau đại học tại nước ngoài, trong thời gian đi học toàn thời gian ở nước ngoài, được chi trả 40% mức lương hiện hưởng, được trích đóng bảo hiểm xã hội, được tính là thời gian công tác liên tục tại đơn vị.

Đối với giảng viên đi học sau đại học trong nước, giảng viên được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo quy định, được miễn giảm giờ chuẩn giảng dạy; được hỗ trợ 50% học phí, được hỗ trợ kinh phí làm luận án, được thanh toán tiền tàu xe, hỗ trợ tiền ăn khi đi học ở ngoại tỉnh.

Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, được Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên tổ chức vinh danh, khen thưởng theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên thường xuyên phối hợp với các trường đại học uy tín trên thế giới tổ chức các lớp đào tạo/bồi dưỡng ngắn hạn để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên về xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục…

Để các cơ sở giáo dục đại học tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thu hút nhân tài, Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam đề xuất cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng viên chức nhất là viên chức có trình độ cao như: trả lương, thu nhập, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng trẻ, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng…

Tiền lương phải tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm và cống hiến của người tài; phải trở thành công cụ, động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác; thúc đẩy nhân tài nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình; trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương thì nên có phương án điều chỉnh, tăng lương cơ sở để phần nào thu nhập của viên chức theo kịp mặt bằng chung của đời sống thực tế.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học cho các doanh nghiệp ứng dụng, tạo điều kiện để các nhà khoa học tự do và có thể bán được sản phẩm nghiên cứu của mình đến cộng đồng xã hội, doanh nghiệp để nhà khoa học có nhiều động lực phấn đấu, ghi nhận các thành quả, kết quả nghiên cứu, rút ngắn hoặc tinh giản hồ sơ, quy trình thủ tục tuyển dụng viên chức đối với các nhà khoa học giỏi muốn làm giảng viên đại học.

Cùng với chính sách phát triển đội ngũ, Đại học Đà Nẵng cũng chú trọng phát triển môi trường, văn hoá nghiên cứu để các nhà khoa học yên tâm làm việc.

Đại học Đà Nẵng đã thành lập Quỹ phát triển Khoa học công nghệ Đại học Đà Nẵng để chủ động về nguồn tài chính cho các hoạt động thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của giảng viên.

Đại học Đà Nẵng đã triển khai chính sách đa dạng hóa nội dung nghiên cứu khoa học trong nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên để các nhóm giảng viên khác nhau (về lĩnh vực chuyên môn, sở trường công tác) có thể chọn nội dung phù hợp với cá nhân để đóng góp hiệu quả cho Đại học Đà Nẵng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quốc gia.

Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên đã dành nguồn kinh phí lớn hàng năm để khen thưởng cho các cán bộ, giảng viên có thành tích xuất sắc:

+ Các công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín (thuộc danh mục Web of Science và Scopus)

+ Các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế có tính ứng dụng cao,

+ Chuyển giao tri thức khoa học, tham vấn chính sách/công nghệ giúp giải quyết các vấn đề đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương và quốc gia.

Mức thưởng cao nhất có thể lên đến 120.000.000/bài báo được công bố trên các tạp chí Khoa học công nghệ uy tín quốc tế đầu ngành (như Trường Đại học Kinh tế).

Đại học Đà Nẵng luôn tạo điều kiện kết nối các cán bộ, giảng viên và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức các hội thảo, các sự kiện khoa học và tham gia các dự án hợp tác quốc tế. Hiện tại, Đại học Đà Nẵng là một trong 3 đại học lớn của Việt Nam tham gia dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) nằm trong Khung chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ dự án PHER, 3 đại học đã xây dựng các mạng lưới học thuật Việt Nam – Quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu, xuất bản trên các tạp chí uy tín thế giới trong các lĩnh vực Vật liệu tiên tiến, Văn hóa và nhân học, Chính sách công/kinh tế/kinh doanh, khoa học môi trường và biến đổi khí hậu, khoa học máy tính, Giáo dục học, Khoa học sức khỏe.

Phạm Minh