Thu nhập của GV là việc cấp bách cần thay đổi để thu hút, giữ chân thầy cô giỏi

15/07/2023 08:20
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Về chế độ khen thưởng, Luật Nhà giáo cần phân loại, phân tầng nhà giáo để có quy định chế độ đãi ngộ phù hợp, tránh cào bằng.

Xây dựng Luật Nhà giáo đang được kỳ vọng giúp nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo, tạo hành lang pháp lý toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích nhà giáo. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bình đẳng giữa các giáo viên làm việc tại trường công lập và tư thục.

Trong Tờ trình Dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo, chính sách về tiền lương, khen thưởng đối với nhà giáo đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Hoài Thuý Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ, nhìn chung, nếu được thông qua 5 chính sách dự kiến như trong Tờ trình, dạy học sẽ thực sự trở thành một nghề có tính đặc thù, có quy định pháp lý và chính sách riêng.

Cô Nguyễn Hoài Thuý Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang).

Cô Nguyễn Hoài Thuý Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang).

Nêu góp ý xây dựng Luật Nhà giáo, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, đối với nội dung Chính sách 2 về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cần chi tiết các nội dung và giải pháp thực hiện như: trong tuyển dụng nhà giáo cần xác định rõ tiêu chuẩn nhà giáo.

“Theo tôi, khi tuyển dụng giáo viên cần chú trọng những yếu tố liên quan đến dạy học, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trong sử dụng, quản lý nhà giáo, phải quy định rõ ràng, chi tiết những nội dung liên quan đến hoạt động nghề nghiệp và phát triển hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Để làm được điều này, cần đánh giá và xếp loại nhà giáo, đồng thời đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhà giáo”, cô Hằng cho biết.

Chia sẻ về những bất cập trong thực hiện chế độ khen thưởng, đánh giá giáo viên hiện nay, theo cô Hằng, việc đánh giá nhà giáo cần có một khung riêng với những nội dung cụ thể, thống nhất trong cả nước.

Bởi lẽ, hiện nay việc đánh giá xếp loại giáo viên hàng năm chưa có khung đánh giá riêng mang tính đặc thù cho ngành giáo dục. Giáo viên đang phải chịu sự đánh giá bởi 2 quy định, một là đánh giá viên chức; hai là đánh giá chuẩn nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiều ngành, lĩnh vực khác chỉ thực hiện đánh giá viên chức.

Trong chế độ thi đua, khen thưởng, quy định danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở xét không quá 15%/tổng số cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến đã làm giảm động lực thi đua của nhà giáo. Vì vậy, để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cần thiết phải điều chỉnh việc khen thưởng với mức định khung cao hơn.

“Mức khen thưởng cho các nhà giáo đạt giải trong phong trào, hội thi cấp huyện, tỉnh, nhất là các cuộc thi về chuyên môn hiện nay còn khá thấp (0,3 mức lương tối thiểu/giải dành cho cá nhân), không có mức tiền thưởng riêng biệt nào dành cho nhà giáo đạt giải. Bên cạnh đó, nhiều địa phương phải vận động xã hội hoá để khen thưởng cho giáo viên trong các cuộc thi, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài và ổn định. Do đó, việc xây dựng nội dung Chính sách 4 về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo thể hiện sự quan tâm, thúc đẩy tinh thần cống viên của nhà giáo”, cô Hằng chia sẻ.

Chưa kể, trong thực tế, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đồng thời là viên chức nên vừa phải tuân thủ các quy định đối với viên chức, vừa phải tuân thủ các quy định riêng của ngành giáo dục, dẫn đến chồng chéo trong thực hiện chế độ, chính sách. Chưa có định danh đầy đủ về nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nên cũng khó thực hiện chế độ, gây ra sự thiếu công bằng giữa giáo viên và cán bộ quản lý.

“Tờ trình xây dựng Luật Nhà giáo là định hướng dự kiến nên chưa mang tính cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục góp ý khi có dự thảo văn bản luật hoàn chỉnh”, cô Hằng cho biết.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Tiếp cận ở góc độ trường đại học, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng nhà nước, ngành giáo dục sẽ giữ chân được những thầy, cô giỏi, tâm huyết bằng việc nhanh chóng xây dựng Luật Nhà giáo.

“Trước hết, tôi đồng tình với chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều giáo viên nghỉ việc, bỏ việc vì quá áp lực, thu nhập chưa đáp ứng kỳ vọng cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, thu nhập của giáo viên là vấn đề cấp bách và có tác động lớn đến việc thu hút và giữ chân người tài trong ngành sư phạm. Do vậy, tôi rất hy vọng với 5 nội dung chính sách dự kiến được nêu trong Tờ trình, đặc biệt là chính sách về chế độ lương, thu nhập của nhà giáo sẽ phần nào giải quyết vấn đề này”, thầy Lý chia sẻ.

Nghiên cứu Tờ trình, thầy Lý chú ý nhất đến chính sách hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, Tờ trình xác định chính sách đặc thù cho nhà giáo với cơ chế hỗ trợ nhà ở, nhà công vụ là hoàn toàn chính đáng.

Ngoài ra, việc xây dựng Luật Nhà giáo cũng giúp quản lý nhà giáo đi vào quy trình, khắc phục phần nào bất cập trong công tác quản lý tại các trường công lập, tư thục.

“Để ngành giáo dục phát triển, vị thế của người Thầy phải được nâng lên. Muốn làm được điều đó, cần có hành lang pháp lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. Bên cạnh đó, việc nâng cao thu nhập, xây dựng các chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng phù hợp và công bằng sẽ là động lực để nhà giáo yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ và gắn bó lâu dài với nghề”, thầy Lý cho hay.

Song, thầy Lý cũng cho rằng, để thực hiện chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cần phải nghiên cứu, khảo sát kỹ thực trạng hiện nay, đặc biệt đối với nhà giáo không thuộc biên chế. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cần cân nhắc kỹ và rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất.

Về chế độ khen thưởng cho nhà giáo, theo thầy Lý, Luật Nhà giáo cần phân loại, phân tầng nhà giáo để có quy định chế độ đãi ngộ phù hợp, tránh cào bằng.

“Chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo là bước tiến quan trọng, luật hoá các vấn đề về nhà giáo. Nhất là hiện nay có nhiều văn bản liên quan đến nhà giáo, quản lý giáo viên nhưng nằm rải rác ở các luật, nghị định, thông tư,… nên việc thực hiện còn chồng chéo, chưa đồng bộ và thậm chí có trường hợp lệch nhau giữa các văn bản.

Do đó, nhà giáo rất cần có “đạo luật” riêng vì tính đặc thù của ngành và sự tác động đối với xã hội. Đội ngũ nhà giáo sẽ được quản lý phù hợp, chặt chẽ, khoa học và có điều kiện tốt nhất để cống hiến, phát triển hơn nhờ xây dựng Luật Nhà giáo", thầy Lý chia sẻ.

Ngọc Mai