Ngày mai (21/4) là hạn cuối để ứng viên đăng ký xét công nhận GS, PGS năm 2025

20/04/2025 06:23
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Ngày mai (21/4) là hạn cuối cùng ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025 tại cơ sở giáo dục đại học.

Theo quy định hiện hành, công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở nước ta hiện nay được thực hiện qua ba cấp hội đồng: Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư nhà nước.

GDVN-HĐGSNN.jpg
Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, số 21 Lê Thánh Tông, Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: DN

Trong đó, Hội đồng Giáo sư cơ sở là cấp đầu tiên, được thành lập hàng năm tại các cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.

Hội đồng này có từ 9–15 thành viên là các giáo sư, phó giáo sư đang công tác, có uy tín chuyên môn, do người đứng đầu nhà trường quyết định thành lập. Để có đủ số lượng thành viên, cơ sở giáo dục đại học có thể mời giáo sư, phó giáo sư ở trong và ngoài nước tham gia hoặc có thể liên kết với cơ sở giáo dục đại học khác để thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Nhiệm vụ chính là tiếp nhận, rà soát và thẩm định hồ sơ ứng viên. Trong đó, mỗi thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; các văn bản sao chụp; thâm niên đào tạo và các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên và viết phiếu thẩm định có ký tên, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng hồ sơ. Căn cứ phiếu thẩm định, Hội đồng Giáo sư cơ sở quyết định danh sách những ứng viên đủ điều kiện để trình bày báo cáo khoa học tổng quan. Đồng thời, Hội đồng Giáo sư cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên.

Sau đó, Hội đồng Giáo sư cơ sở tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để chọn ra ứng viên đủ điều kiện trình lên cấp trên. Hồ sơ chỉ được thông qua nếu đạt ít nhất 2/3 số phiếu đồng thuận.

Kết quả sau đó được công khai trên website của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 15 ngày trước khi chuyển lên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Năm ngoái, cả nước có tổng số 110 Hội đồng Giáo sư cơ sở được thành lập, với tổng số ứng viên đăng ký 1.033 ứng viên, gồm 93 ứng viên giáo sư, 940 ứng viên phó giáo sư.

Sau đó, có 725 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Đến vòng xét của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, số ứng viên được đề nghị xét công nhận giáo sư, phó giáo sư giảm xuống còn 630 người. Và ở vòng xét cuối cùng - cấp Hội đồng Giáo sư nhà nước, có 615 ứng viên được Hội đồng Giáo sư nhà nước thông qua (đạt 98%). Trong đó, có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư.

Hai năm gần đây, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư nhà nước thông qua có xu hướng tăng hơn so với giai đoạn trước đó (kể từ khi áp dụng Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư).

Cụ thể, số lượng các giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn các năm trước lần lượt là: 588 (2023), 383 (năm 2022), 405 (năm 2021), 339 (năm 2020) và 422 (năm 2019).

gs pgs.png

Tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2020/-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37, ứng viên đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và thành tích khoa học.

Cụ thể, ứng viên không được vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự. Đồng thời, ứng viên phải trung thực, khách quan trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác.

Về thâm niên, ứng viên cần có đủ thời gian giảng dạy, đào tạo từ trình độ đại học trở lên. Trường hợp từng làm chuyên gia giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, nếu có xác nhận hợp lệ sẽ được tính thời gian này. Nếu giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo, thời gian thực tập, tu nghiệp dưới 12 tháng trong 3 năm gần nhất không bị coi là gián đoạn. Ứng viên cũng phải hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó ít nhất 50% thời lượng là giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng, yêu cầu đạt tối thiểu 50% định mức giờ chuẩn. Các nhiệm vụ này phải được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học xác nhận bằng văn bản.

Ngoài ra, ứng viên phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Một tiêu chuẩn quan trọng khác là số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu, theo đó, ứng viên giáo sư phải đạt 20 điểm, còn ứng viên phó giáo sư phải đạt tối thiểu 10 điểm.

hdgsnnn.jpg
Ảnh minh họa: nguồn VTV

Với chức danh giáo sư, ứng viên phải đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư từ đủ 03 năm trở lên. Nếu chưa đủ thời gian hoặc không đáp ứng yêu cầu về số giờ chuẩn giảng dạy, ứng viên phải có công trình khoa học gấp đôi yêu cầu tối thiểu.

Ứng viên cũng phải chủ trì hoặc tham gia xây dựng chương trình đào tạo hoặc thực hiện đề tài nghiên cứu đã được thẩm định và đưa vào sử dụng. Đồng thời, phải công bố tối thiểu 05 bài báo khoa học (hoặc công trình tương đương) trên các tạp chí quốc tế uy tín kể từ ngày 1/1/2020; chủ trì biên soạn sách đào tạo trình độ đại học trở lên; chủ trì ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc một nhiệm vụ cấp quốc gia đã nghiệm thu; và hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ.

Về điểm công trình khoa học quy đổi, ứng viên giáo sư cần đạt tối thiểu 20 điểm, trong đó có ít nhất 5 điểm thực hiện trong ba năm gần nhất. Riêng ứng viên thuộc ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và sức khỏe cần ít nhất 12 điểm từ bài báo khoa học, sáng chế hoặc công trình tương đương; trong khi đó, ứng viên ngành xã hội, nghệ thuật và thể thao cần tối thiểu 8 điểm.

Ngoài ra, yêu cầu điểm từ sách đào tạo cũng được quy định rõ: ít nhất 3 điểm với khối tự nhiên và 5 điểm với khối xã hội, trong đó bắt buộc có phần điểm từ giáo trình hoặc sách chuyên khảo.

Đối với chức danh phó giáo sư, ứng viên phải có bằng tiến sĩ từ đủ 03 năm trở lên, đồng thời có ít nhất 06 năm tham gia đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó ba năm cuối phải liên tục. Trường hợp không đủ thời gian hoặc không đủ số giờ giảng dạy, ứng viên phải có công trình khoa học gấp đôi mức tối thiểu.

Ngoài ra, ứng viên phải là tác giả chính của ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc công trình tương đương được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín (tính từ ngày 1/1/2020); chủ trì ít nhất một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc hai nhiệm vụ cấp cơ sở đã nghiệm thu; và hướng dẫn ít nhất hai học viên thạc sĩ hoặc một nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ.

Ứng viên phó giáo sư phải đạt tối thiểu 10 điểm công trình khoa học quy đổi, trong đó có ít nhất 2,5 điểm được thực hiện trong ba năm gần nhất. Riêng ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và sức khỏe cần đạt ít nhất 6 điểm từ bài báo khoa học, sáng chế hoặc giải pháp hữu ích; ngành xã hội, nghệ thuật và thể thao yêu cầu tối thiểu 4 điểm từ các loại hình tương đương.

Về quy định công trình khoa học được quy đổi, các hình thức được chấp nhận bao gồm: bài báo khoa học (ưu tiên tạp chí quốc tế uy tín), bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đã ứng dụng hiệu quả, sách đào tạo đã được thẩm định và sử dụng chính thức, tác phẩm nghệ thuật hoặc thành tích thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế, và báo cáo khoa học toàn văn tại hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế.

Nếu công trình có nhiều tác giả, tác giả chính được hưởng 1/3 số điểm; phần còn lại được chia theo giá trị đóng góp. Trường hợp công trình trùng lặp trên 30% với một công trình khác, chỉ được tính điểm một lần duy nhất. Các bài viết mang tính phổ biến khoa học, dịch thuật, tổng quan, đánh giá hay báo cáo tổng kết không được tính là công trình khoa học quy đổi.

Theo lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025, từ ngày 1/7 đến 22/7, các Hội đồng Giáo sư cơ sở sẽ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Từ ngày 29/8 đến 26/9, các Hội đồng ngành, liên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Từ ngày 20/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025.

Doãn Nhàn