Trong bối cảnh Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, vai trò của mạng máy tính và truyền thông dữ liệu trở nên vô cùng quan trọng. Sự kết nối internet và các công nghệ dựa trên dữ liệu đã trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống hàng ngày. Nắm bắt xu hướng này, Trường Đại học Văn Hiến tuyển sinh ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, một bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin nước nhà.
Ngành học đáp ứng nhu cầu thời đại
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Văn Hiến cho hay: "Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển của các công nghệ hiện đại như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), điện toán đám mây, an toàn thông tin và mạng viễn thông 5G/6G. Đây là lĩnh vực then chốt giúp kết nối và vận hành hạ tầng công nghệ toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về dữ liệu, bảo mật và tốc độ truyền tải thông tin.
Nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này, Trường Đại học Văn Hiến mở ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (với 02 chuyên ngành: Mạng máy tính và Truyền thông; An toàn thông tin) nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp sinh viên tiếp cận những công nghệ tiên tiến và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp".

Theo cô Diệu Anh, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm với môi trường làm việc đa dạng và giàu tiềm năng phát triển.
Đối với chuyên ngành Mạng máy tính và Truyền thông, sinh viên có thể đảm nhiệm vị trí Chuyên viên mạng, tham gia thiết kế, triển khai, quản lý và bảo trì hệ thống mạng như LAN, WAN, VPN cho doanh nghiệp, cũng như cấu hình các thiết bị mạng như router, switch, firewall.
Bên cạnh đó, sinh viên có thể trở thành Quản trị viên hệ thống mạng, chịu trách nhiệm giám sát và vận hành hệ thống, đảm bảo hiệu suất và tính ổn định trong quá trình truyền thông, đồng thời xử lý các sự cố khi phát sinh.
Ngoài ra, các vị trí như chuyên viên truyền thông, làm việc với công nghệ viễn thông hiện đại như 5G/6G, mạng không dây, truyền thông quang; Chuyên viên tích hợp hệ thống, tích hợp các giải pháp mạng với nền tảng IoT, điện toán đám mây nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; hay chuyên viên phần mềm mạng, phát triển phần mềm hỗ trợ quản lý và vận hành mạng như SDN hoặc công cụ giám sát, cũng đang rất được các doanh nghiệp săn đón.
Với chuyên ngành An toàn thông tin, sinh viên có thể trở thành chuyên viên an ninh mạng, chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống và dữ liệu khỏi các mối đe dọa như malware, phishing, DDoS thông qua việc triển khai các giải pháp bảo mật như tường lửa và hệ thống phát hiện xâm nhập IDS/IPS. Ngoài ra, công việc phân tích viên an ninh mạng cũng rất quan trọng, khi họ là người theo dõi, phân tích và xử lý sự cố, sử dụng các công cụ SIEM để kịp thời phát hiện rủi ro.
Cùng với đó, sinh viên có thể đảm nhiệm vai trò chuyên viên bảo mật hệ thống, thiết kế và triển khai các giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống mạng, ứng dụng và hạ tầng đám mây, đồng thời tiến hành kiểm tra thâm nhập nhằm phát hiện lỗ hổng bảo mật. Một vị trí khác là chuyên viên kiểm toán an ninh, với nhiệm vụ đánh giá rủi ro, kiểm tra sự tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật như ISO 27001, GDPR, từ đó đề xuất các giải pháp cải tiến giúp tổ chức nâng cao khả năng phòng vệ trước các mối đe dọa an ninh.
Sinh viên có cơ hội làm việc tại các công ty, tập đoàn công nghệ lớn dẫn đầu về các nền tảng mạng máy tính, truyền thông dữ liệu và an toàn thông tin như FPT, Viettel, VNPT, Samsung, Cisco, Google Cloud, AWS,… Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, đây chính là ngành học mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với mức thu nhập cạnh tranh.

Chương trình đào tạo bám sát xu hướng công nghệ mới nhất
Một trong những vấn đề mà người học rất quan tâm là việc ứng dụng những kiến thức lý thuyết trong nhà trường vào công việc thực tế. Cô Diệu Anh cho biết, sinh viên theo học ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại Trường Đại học Văn Hiến không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu mà còn có điều kiện tiếp cận thực tế với hệ thống phòng Lab hiện đại, sử dụng thiết bị từ Cisco, Huawei và các nền tảng Cloud Computing từ AWS, Google Cloud.
Chương trình đào tạo được cập nhật theo xu hướng công nghệ mới nhất như mạng định nghĩa bằng phần mềm (SDN), ảo hóa mạng (Network Virtualization), điện toán biên (Edge Computing), bảo mật mạng bằng AI, hệ thống giám sát và quản lý dữ liệu lớn (Big Data Networking), truyền thông thế hệ mới (5G/6G Networking) và tự động hóa quản lý hạ tầng mạng (Network Automation).
Bên cạnh việc học lý thuyết, sinh viên còn được trực tiếp thực hành qua các dự án thực tế dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên là các chuyên gia trong ngành. Khoa Công nghệ thông tin đã xây dựng được lực lượng giảng viên đủ về số lượng và chuẩn về chất lượng, có tâm huyết với nghề, trình độ chuyên môn cao đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Ngoài lực lượng giảng viên cơ hữu, Khoa còn đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cao, nhiệt tình và tâm huyết với nghề từ các trường đại học có uy tín và các giảng viên doanh nhân đến từ các doanh nghiệp.
Trường Đại học Văn Hiến với mạng lưới liên kết hơn 500 doanh nghiệp, mang đến cơ hội thực tập và tuyển dụng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia vào các cuộc thi công nghệ (như Hackathon, cuộc thi an toàn thông tin mạng (Cyber Security Contest), thi đấu mạng máy tính (Networking Competition), giúp phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng giải quyết vấn đề thực tế. Với những lợi thế này, sinh viên tốt nghiệp không chỉ vững chuyên môn mà còn có đủ năng lực để làm việc trong môi trường quốc tế.
Nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều lựa chọn phù hợp với thế mạnh của mình, năm 2025-2026, ngành Mạng máy tính và Truyền thông tại Trường Đại học Văn Hiến xét tuyển theo các tổ hợp:
- A00 (Toán, Vật lí, Hóa học)
- A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh)
- K01 (Toán, Tiếng Anh, Tin học)
- D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh)
Thí sinh có thể xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội, hoặc xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với chương trình đào tạo tiên tiến và môi trường học tập năng động, Trường Đại học Văn Hiến là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê công nghệ và muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu.