Ngày Tết, lại nói chuyện rượu bia

06/02/2019 07:00
NHẬT DUY
(GDVN) - Mỗi năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán là tình trạng vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục có liên quan đến rượu bia lại liên tục xảy ra.

Người Việt ta vốn trọng nghĩa tình, bạn bè lâu ngày gặp nhau là nhậu, ngày lễ tết nhậu, đình đám nhậu, vui cũng nhậu mà buồn càng tìm đến với rượu bia nhiều hơn. Những ngày Tết Nguyên đán thường là dịp mà lượng rượu bia được tiêu thụ nhiều nhất trong năm.

Song, có lẽ điều cần chú ý nhất là khi ngồi vào bàn nhậu, mỗi người cần nghĩ đến bản thân mình và ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội là điều quan trọng nhất.

Đừng để những ly bia, chén rượu trở thành mối họa. Khi ấy, dù có ân hận thì mọi chuyện cũng đã muộn rồi.

Nếu không biết kiềm chế, rượu bia sẽ thành mỗi hiểm họa cho nhiều người ( Ảnh minh họa: vtv.vn)
Nếu không biết kiềm chế, rượu bia sẽ thành mỗi hiểm họa cho nhiều người ( Ảnh minh họa: vtv.vn)

Mấy năm gần đây, việc tiêu thụ rượu bia của nước ta ngày càng tăng lên rất nhanh. Ngày 9-11/ 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống tác hại bia rượu.

Trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra những con số mà có lẽ ai cũng phải ớn lạnh:

Người Việt tiêu thụ 4,1 tỉ lít bia, trên 300 triệu lít rượu mỗi năm. Năm 2017 người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu - tương đương 72 triệu lít cồn nhưng tiêu thụ tới gần 4,1 tỉ lít bia - tương đương với 161 triệu lít cồn, bình quân mỗi người dân đã tiêu thụ khoảng 42 lít bia).

Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.

Uớc tính tổng gánh nặng trực tiếp của sáu bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỉ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017;

chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỉ đồng theo GDP năm 2017).

Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỉ USD”.

Ngày Tết, lại nói chuyện rượu bia ảnh 2Hiểm họa chết người từ ngộ độc rượu bia dịp cuối năm

Nhìn vào những số liệu này, chắc chắn ai cũng khiếp sợ bởi những con số được thống kê mà người Việt mình đã “ham vui” tiêu thụ.

Thế nhưng, phía sau những việc nâng ly đó là một hậu quả khủng khiếp cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Rượu bia bây giờ được bán quá rẻ, quá nhiều. Đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các quán bán rượu bia. Giờ đây, việc mua bia rượu lại càng thuận tiện hơn nao giờ hết.

Cứ uống hết là nhấc điện thoại lên a lô mấy phút sau là có bia, có rượu, có cả đồ nhắm luôn.

Đồ tươi có, đồ khô có, “thượng đế” cứ thoải mái hết mình. Tiền có thì đưa, không có thì nợ có sao đâu, toàn chỗ quen biết cả mà.

Ngày Tết thiếu gì thì thiếu chứ thiếu bia rượu là nhiều người thấy không thể nào chịu được. Người biết uống, nghiền uống mua và tích trữ đã đành, người không uống được cũng mua để dành đãi khách.

Tết mà, không có bia rượu là kém vui. Bây giờ ăn uống, bánh kẹo là chuyện…xưa rồi. Mấy ông đàn ông đến chúc Tết nhau mà uống trà thấy nhạt thếch cái miệng.

Vậy là đi đến đâu cũng uống, vào nhà nào cũng uống, uống trong lúc tỉnh, uống trong lúc xỉn say. Ngày Tết, ai cũng vui hết mình, quan niệm của nhiều người Việt ta là vậy.

Có lẽ chưa bao giờ rượu bia lại nhiều như bây giờ. Việt Nam ta đã trở thành những nước có tỉ tiêu thụ rượu bia nhiều và nhanh trên thế giới và khu vực.

Giá rượu bia bây giờ cũng “dễ chịu” lắm. Loại bia bình dân thì 200-300 nghìn một thùng, rượu thì 10- 20 nghìn đồng một lít. Giá nào cũng có, khách nào thì các tiệm tạp hóa cũng chiều được hết.

Nhiều quán nhậu càng ngày cận Tết thì khách vào càng đông.

Ngày Tết, lại nói chuyện rượu bia ảnh 3Rượu bia, đánh nhau và văn hóa ứng xử

Tất nhiên, rượu bia càng rẻ thì cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa hơn.

Với giá gạo bây giờ và lại qua rất nhiều nấc trung gian mà rượu mua tầm 10-20 nghìn một lít thì lấy đâu ra…rượu gạo.

Những loại rượu nổi trôi, không được kiểm soát được bán đầy ở khắp nơi. Nhưng, nhiều người nghiện rượu hơn ăn cơm hàng ngày thì cứ thấy cay cay, uống thấy say say là người ta mua để uống…

Mỗi năm cứ vào dịp Tết là tình trạng vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục có liên quan đến rượu bia lại liên tục xảy ra. Tình trạng tai nạn giao thông, đánh nhau, xô xát, ngộ độc rượu có lẽ điểm dân cư nào cũng bắt gặp.

Tất nhiên, hậu quả là gia đình và xã hội phải gánh. Nhiều người trở thành tàn phế suốt đời cũng vì những ham vui nhất thời. Thậm chí, những người đi đường cũng gặp họa từ những người say xỉn.

Ngày Tết, ai cũng biết đó là dịp vui nhưng có lẽ sẽ vui hơn nếu mọi người biết kiềm chế được bản thân, biết dừng đúng lúc, uống đúng chỗ và ăn uống điều độ.

Nói gì thì nói mỗi người khi ngồi vào tiệc rượu cũng phải nghĩ đến gia đình, nghĩ đến người thân của mình. Đừng mải vui bởi phía sau mỗi ly bia, chén rượu là những hậu quả khôn lường không ai đoán định trước được.

NHẬT DUY