Nghỉ hè của giáo viên vùng cao: Người chạy xe taxi, người bán bất động sản

03/07/2023 06:35
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong 2 tháng nghỉ hè, từ hiệu trưởng đến thầy cô gần như không có mùa hè trọn vẹn, mỗi người đều có những nhiệm vụ, công việc riêng để trang trải cuộc sống.

Những ngày hè luôn là thời gian được các giáo viên và học sinh mong chờ, bởi đây là lúc được tạm gác lại giáo án, bài giảng, bài tập và những đợt kiểm tra. Tuy nhiên, đối với phần lớn những người thầy, người cô, họ vẫn có những phần việc quan trọng, không kém so với thời gian trong năm học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Ong Thị Hiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai cho biết bản thân từ lâu đã quen tất bật với các công việc như tập huấn, tham gia viết sách, viết tài liệu vào ngày hè.

Cô Hiên đã gắn bó với nghề giáo 30 năm, làm công tác quản lý từ năm 2002 và giữ chức vụ hiệu trưởng từ năm 2006 đến nay.

Với vai trò là cán bộ cốt cán cấp thị xã, cấp tỉnh, cô hiểu bản thân sẽ phải đảm đương khối lượng công việc và trách nhiệm cao thế nào.

Các công việc dịp hè đối với cô vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm vừa giúp cô có thêm nguồn thu nhập, tuy nhiên cũng có công việc không lương cần cô hoàn thành một cách chỉn chu, cẩn thận.

Cô giáo Ong Thị Hiên (đứng thứ 3 từ phải sang) cùng đồng nghiệp chụp ảnh kỉ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô giáo Ong Thị Hiên (đứng thứ 3 từ phải sang) cùng đồng nghiệp chụp ảnh kỉ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngoài ra, cô hiệu trưởng còn phải lên kế hoạch chuẩn bị cho năm học mới của trường ngay trong dịp hè.

Cô Hiên chia sẻ, điều khiến cô trăn trở nhất là nguồn nhân sự giảng dạy.

Hằng năm, cô đều đặn báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch năm học mới để được tham mưu, sắp xếp, bổ sung giáo viên, kiểm kê lại số lượng lớp học, mục đích là làm sao tháng 8 đảm bảo đủ nguồn lực nhân sự của trường, giúp học sinh không bị bơ vơ chỉ vì chưa có thầy cô chính thức.

Nhằm đảm bảo số lượng học sinh, cô Hiên cũng thực hiện phân công giáo viên đi chiêu sinh, vận động học sinh đến lớp đầy đủ.

Tuy là một nữ hiệu trưởng nhưng mọi công việc về tu sửa, xây dựng trường học cũng luôn được cô Hiên tham gia nhiệt tình, đảm bảo hoàn thành trong dịp hè để sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới.

Đầu tháng 7, nhà trường khởi công xây dựng nhà đa năng, trước đó cô và ban quản lý dự án cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo xã đã họp và thống nhất làm việc nhanh chóng và có hiệu quả để kịp phục vụ cho giáo viên và học sinh.

Nhắc đến các giáo viên, đồng nghiệp của mình, cô Hiên không ngần ngại cho biết: “Giáo viên của trường gần như 100% có thêm công việc tay trái để làm trong dịp hè như làm rèm cửa, có người chạy xe taxi, người lớn tuổi thì ở nhà chăm con, chăm cháu, buôn bán, kinh doanh hay làm bất động sản.

Các giáo viên dạy thể dục ở trường lại tham gia vào các trung tâm thiếu nhi để dạy võ thuật, giáo viên mỹ thuật thì thầy cô cũng mở lớp dạy vẽ cho các em nhỏ có nhu cầu để kiếm thêm thu nhập”.

Nói về bản thân, cô Hiên chia sẻ: “Bản thân tôi luôn có suy nghĩ nghiêm túc, nếu là một cán bộ quản lý chắc chắn sẽ không có một mùa hè đúng nghĩa. Ngoài ra, tôi phải xác định ngay từ đầu khi đã đảm nhận vị trí là cốt cán của nhà trường mình phải nhiệt tình, có trách nhiệm, được giao việc cần sẵn sàng hoàn thành. Tính ra đã có 21 năm làm quản lý nên cũng quen dần với khối lượng công việc, tôi vẫn rất yêu và tự hào về nghề giáo”.

Còn với cô giáo Minh Khuyên, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho hay cô bắt đầu nghỉ hè từ ngày 1/6 nhưng đến 20/6 cô mới chính thức nghỉ ngày đầu tiên. Cô cho biết trước đó cô có lịch công tác do Phòng Giáo dục và Đào tạo giao phó.

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, cô Khuyên lựa chọn Lai Châu là nơi ươm mầm, gieo chữ cho trẻ em nơi đây. Gắn bó với ngôi trường vùng cao đã 7 năm, cô nhớ như in những ngày đầu năm học chật vật từ sáng sớm đến đêm muộn đi vận động học sinh đến lớp. Thậm chí có những em trốn tránh, mang gậy ra để đuổi thầy cô vì thiếu hiểu biết.

Trong năm học, cô và nhiều giáo viên khác cũng bộn bề soạn giáo án, bài giảng cùng những lần vượt đèo, lội suối cõng chữ lên lớp.

Cô Minh Khuyên chụp ảnh cùng học sinh của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô Minh Khuyên chụp ảnh cùng học sinh của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cũng như nhiều giáo viên lập nghiệp xa quê, nghỉ hè là dịp để cô tranh thủ về thăm quê và gia đình. Thông thường cô sẽ ở lại nhà khoảng 1 tháng, sau đó lại trở về trường để chuẩn bị cho năm học mới.

Ngày hè đúng vào mùa mưa bão nên cũng có năm đã định sẵn ngày về nhưng trong đêm, nhà chẳng may bị mưa bão lớn làm sạt lở, cô Khuyên lại ngậm ngùi hủy chuyến xe để ở lại tu sửa.

“Sửa sang lại nhà xong cũng mất luôn tháng hè, mình gọi điện về thông báo cho gia đình cũng phát khóc vì nhớ”, cô Khuyên nói.

Trong năm học bận bịu với giảng dạy, mùa hè cũng là lúc cô Minh Khuyên có thể dành thời gian đưa học sinh bị khiếm khuyết như hở hàm ếch, u nang cột sống, dính tay, khèo chân…xuống Hà Nội chữa trị. Công việc này được cô bắt đầu làm từ năm 2020.

Cô chia sẻ: “Tôi có tìm hiểu và may mắn kết nối được với “Chương trình phẫu thuật nụ cười” của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa để hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật cho học sinh đối với những em bị hở hàm ếch”.

Còn đối với các trường hợp có khiếm khuyết khác, cô Minh Khuyên lại dành thời gian ngoài giờ lên lớp để kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ, hỗ trợ cho các em.

Thậm chí, cô còn trích một phần lương eo hẹp của mình chi tiền ăn uống, xe cộ đi lại trong mùa hè đồng hành cùng các em và phụ huynh vượt hàng trăm cây số để đi phẫu thuật.

“Tôi thấy học sinh bị khuyết tật, khiếm khuyết thương lắm. Tôi tự nhủ phải cố gắng làm sao để các em ấy thoát ra khỏi diện khuyết tật, phần nào giúp các em cảm thấy tự tin hơn, cũng vừa để các em không bị nói ngọng, ảnh hưởng đến việc học tập”, cô Khuyên vui vẻ nói.

Đến thời điểm hiện tại, cô Minh Khuyên đã giúp được 8 bạn học sinh chữa trị các dị tật, khiếm khuyết cơ thể. Đối với cô, hành trình này sẽ tiếp tục được nối dài trong những mùa hè sau nữa.

Không sinh ra và lớn lên ở Lai Châu, nhưng nơi đây từ lâu đã là quê hương thứ hai của cô Khuyên, nơi cô dành trọn trái tim để cống hiến cho giáo dục.

Mùa hè cô Minh Khuyên không lựa chọn làm thêm bất cứ công việc gì để trang trải cuộc sống, điều cô làm là giúp cho những học sinh khiếm khuyết của mình có một cuộc sống mới tươi sáng, tự tin và hứa hẹn nhiều thành công hơn.

Phương Nga