Trường MN ở Quảng Trị khó giữ chân cô nuôi vì nghỉ hè thì các cô không có lương

22/06/2023 06:32
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non ký hợp đồng theo từng năm, lao động thời vụ rất khó để họ gắn bó và phát huy trong công việc.

Lao động thực hiện nhiệm vụ nấu ăn trong các trường mầm non được ký kết hợp động lao động dựa theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT. Trong đó, nhân viên nấu ăn được ký hợp đồng lao động khi đáp ứng chỉ các tiêu chí cơ bản.

Nhân viên vị trí nấu ăn trong trường mầm non cần có bằng tốt nghiệp cấp dưỡng mầm non từ hệ trung cấp trở lên hoặc đã tham gia lớp đào chứng chỉ hành nghề cấp dưỡng mầm non.

Bên cạnh đó, số lượng nhân viên nấu ăn ở mỗi trường được ước tính theo số trẻ. Cứ từ 35 – 50 trẻ mầm non sẽ được bố trí thêm một nhân sự vị trí nấu ăn.

Khi đó, tiền lương và phụ cấp sẽ được thỏa thuận và thực hiện theo các điều khoản tại hợp đồng lao động.

Ngoài việc hưởng tiền lương và phụ cấp (nếu có), nhân viên nấu ăn được điều chỉnh tiền lương khi có các thay đổi về mức lương cơ bản hoặc có các chính sách cải cách tiền lương mới.

Thực tế tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, lao động làm việc nấu ăn tại các trường mầm non vẫn như những lao động thời vụ vì chính sách còn có một số bất cập khiến đời sống lao động khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Trần Thị Thu – Hiệu trưởng trường Mầm non số 1 (Đakrông, Quảng Trị) cho biết, khi học sinh mầm non nghỉ hè cũng là lúc các cô nấu ăn tại trường kết thúc hợp đồng. Các cháu nghỉ, các cô cũng nghỉ mà không có hỗ trợ gì. Khi đó, các cô phải về làm công việc với nương rẫy, hẹn đến ngày các con đi học lại thì họ mới về trường.

"Hiện, nhân viên nấu ăn tại nhà trường được hưởng chế độ theo Nghị quyết số 35/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị nên trong năm học các cô có lương, được đóng bảo hiểm xã hội như bình thường nhưng đến lúc nghỉ hè là bị cắt, đầu năm học lại tiếp tục ký”, Hiệu trưởng trường Mầm non số 1 cho biết.

“Nghĩ cũng rất thương các cô nhưng nhà trường làm theo quy định. Nếu có thể, nhà trường mong các cấp, các ngành quan tâm, có cơ chế tăng lương cho nhân viên dinh dưỡng tại các trường mầm non, hè được cho các cô hưởng lương để các cô ổn định thu nhập, yên tâm công tác”, cô giáo Trần Thị Thu bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên, một cô nuôi tại trường mầm non (đề nghị không nêu tên) cho biết, công việc của các cô bất luận thời tiết thế nào, 5 giờ sáng hàng ngày, cấp dưỡng các trường mầm non đều phải có mặt để bắt đầu công việc tiếp nhận và kiểm tra thực phẩm từ đơn vị cung cấp.

Mở cửa nhà bếp xong, việc đầu tiên là đun nước uống để kịp có nước ấm cho trẻ uống sau bữa ăn sáng bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng.

Rồi kiểm tra từng bó rau, củ khoai, miếng thịt, cá… xem có bị hỏng, lên mầm, có đủ độ tươi, nếu không đạt yêu cầu thì đề nghị đơn vị cung cấp đổi ngay để còn sơ chế, tẩm ướp và nấu nướng cho kịp bữa sáng.

Thực phẩm cung cấp chỉ được dùng trong ngày, không để lại cho ngày hôm sau nên việc gọt gừng, bóc hành, tỏi… phải làm từ sáng sớm.

Đến 4 giờ chiều dọn dẹp xong có thể ra về. Dù được về sớm hơn các giáo viên mầm non tuy nhiên nhân viên nấu ăn cũng mất nguyên ngày làm việc ở trường, không nghỉ trưa, khó mà làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Khi được hỏi về việc nghỉ hè 3 tháng là lúc không có lương, cô nuôi này cho biết, cũng rất buồn. Dù đã được các cấp lãnh đạo giải thích đây là chính sách chung nên chấp nhận nhưng không biết sẽ gắn bó bao lâu.

Vị trí nấu ăn trong các trường mầm non vẫn chỉ là lao động thời vụ. Rất khó để người lao động gắn bó nếu cứ 1 năm đi làm thì 3 tháng phải nghỉ hè không lương. Trong ảnh: Cô nuôi trường mầm non đi đưa cơm tới điểm lẻ ở Hướng Lập. Ảnh: LC

Vị trí nấu ăn trong các trường mầm non vẫn chỉ là lao động thời vụ. Rất khó để người lao động gắn bó nếu cứ 1 năm đi làm thì 3 tháng phải nghỉ hè không lương. Trong ảnh: Cô nuôi trường mầm non đi đưa cơm tới điểm lẻ ở Hướng Lập. Ảnh: LC

Thầy Nguyễn Sỹ Huấn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông cho biết: “Huyện Đakrông là địa bàn có nhiều trường đặc biệt khó khăn, trước đây, khó khăn lớn nhất của các trường là không đủ điều kiện để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.

Điều kiện sống của người dân còn thấp, chế độ dinh dưỡng của trẻ hạn chế, trẻ thường ăn chung với gia đình, mỗi ngày chỉ được ăn 2 bữa chủ yếu cơm trắng và muối ớt.

Do đó, tại hầu hết trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên đứng lớp phải làm thêm nhiệm vụ của nhân viên nấu ăn nên hết sức vất vả và ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nhiều trường từng phải tự nỗ lực tìm nguồn tài trợ từ các hội, tổ chức từ thiện để hỗ trợ một chút cho nhân viên nấu ăn.

Sau nhiều cố gắng, ngành giáo dục huyện, cụ thể là các trường mầm non đã phối hợp tích cực trong việc chú trọng nâng cao chất lượng bữa cho trẻ bán trú. Nhờ vậy đã giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cả thể thấp còi lẫn cân nặng rõ rệt qua từng năm.

Kể từ khi có Nghị quyết 35/2018/NQ-HĐND của hội đồng nhân dân tỉnh, người lao động nấu ăn trong các trường đã có lương, được hỗ trợ đóng bảo hiểm, chính sách này cũng đã thực sự “tiếp lửa” cho nhiều bếp ăn mầm non vốn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chính sách chưa cho phép các trường trả lương cho các cô làm công tác nấu ăn suốt cả 12 tháng/năm nên hiện tại, các trường vẫn tận dụng nhân lực tại địa phương, các nhân lực gần trường để tham gia công tác nấu ăn cho các cháu.

Khi học sinh nghỉ, các lao động này cũng phải nghỉ làm và tự tìm công việc khác. Về lâu về dài, nếu có được vị trí việc làm trong các trường mầm non, nhân viên nấu ăn được trả lương đều đặn (đủ 12 tháng/năm) sẽ giúp họ yên tâm trong công tác và sáng tạo trong công việc”.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Long – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cũng cho biết: “Kể từ ngày 1/1/2019, các trường mầm non công lập tại tỉnh Quảng Trị được bố trí nhân viên nấu ăn.

Các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ được ngân sách chi trả hoặc xã hội hóa tùy theo điều kiện.

Từ đó đến nay chính sách này đã giúp giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến. Vì trước đây, ở các trường vùng khó khăn vì không thu được kinh phí hỗ trợ từ phụ huynh nên không hợp đồng được nhân viên nấu ăn.

Tuy nhiên, đi làm 1 năm mà nghỉ vài tháng khiến người lao động tâm tư vì thiếu sự ổn định.

Nếu được, nên có chính sách hợp lý để giữ chân người lao động, vì khi nghỉ làm ở trường mầm non khi hết năm học, họ kiếm được công việc thu nhập tốt hơn thì rất khó để họ quay lại làm việc. Nhân sự biến động liên tục thì các trường cũng gặp khó trong công tác quản lý.

Trần Phương