Thời gian nghỉ Tết mỗi nơi một kiểu
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT quy định về khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018
Theo đó, các cấp học thực hiện khung thời gian năm học như sau (trích):
Tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8 hằng năm; Tổ chức khai giảng vào ngày 05/9 hằng năm; Kết thúc học kỳ I trước ngày 20/01, học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giáo dục) trước ngày 25/5 và kết thúc năm học trước ngày 31/5 hằng năm.
Các cấp học cần đảm bảo số tuần học:
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học có ít nhất 35 tuần thực học; đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có ít nhất 37 tuần thực học; đối với giáo dục thường xuyên (bổ túc trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông) có ít nhất 32 tuần thực học. [6]
Bộ cũng lưu ý, kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.
Cho nên nhiều năm nay ngành Giáo dục ở các tỉnh/thành quy định thời gian nghỉ Tết mỗi nơi một kiểu.
Chẳng hạn như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Gia Lai, học sinh được nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 14 ngày.
Trong khi đó, học sinh ở Hà Nội được nghỉ Tết 8 ngày, Thành phố Đà Nẵng là 9 ngày còn tỉnh Kon Tum chỉ 7 ngày… [1], [2], [3], [4]
Việc các địa phương quy định thời gian nghỉ Tết khác nhau dẫn đến những bất cập cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Nghỉ Tết cận ngày, thầy trò đều mệt mỏi. (Ảnh minh họa: Vietnammoi.vn) |
Thầy cô không có thời gian lo việc gia đình, học sinh lại nôn nao nghỉ Tết
Một đồng nghiệp của chúng tôi ở tỉnh Ninh Bình cho biết, năm nay học sinh trường cô học hết ngày 28 âm lịch mới được nghỉ Tết và đến ngày 6 âm lịch là các em đi học trở lại.
Cô giáo nói rằng, học sinh nghỉ cận ngày nên cô ít có thời gian để chuẩn bị Tết. Trường cô dạy buổi 2 nên thời gian gần như kín mít với những giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, tiếng Anh.
“Phụ nữ thường phải chuẩn bị nhiều thứ cho mấy ngày Tết nhưng tôi không đủ thời gian. Cận Tết, việc mua thực phẩm hay quần áo mới cho con thì giá cả cũng rất đắt đỏ.
Giáo viên cả tỉnh Ninh Bình đều nghỉ Tết có 7 ngày nên tôi cũng đành chấp nhận”, cô giáo chia sẻ.
Với những giáo viên ở quê xa trường, thời gian nghỉ Tết quá ít ỏi khiến thầy cô không biết phải xoay xở làm sao.
Có những giáo viên dạy ở miền Nam về quê ăn Tết tận miền Bắc, chỉ riêng việc di chuyển ra vào cũng mất khoảng 4 ngày đi tàu xe.
Thầy cô cũng không thể nhờ đồng nghiệp dạy một vài ngày sau Tết vì ai cũng kẹt giờ hoặc bận công việc khác.
Và không phải thầy cô nào cũng có điều kiện mua vé máy bay để có thể di chuyển nhanh hơn.
Thời gian ít ỏi ăn Tết ở quê nhà, thầy cô không thể đi thăm hết anh em bà con sau một thời gian dài xa cách.
Với những giáo viên có điều kiện kinh tế, thầy cô không có nhiều thời gian cùng gia đình, người thân đi du lịch vui chơi đây đó.
Ngoài ra, việc nghỉ Tết cận ngày, học sinh cũng rất nôn nao nên việc dạy khó đảm bảo chất lượng.
Sau thời gian kiểm tra học kì 1, còn khoảng 3 tuần học sinh mới nghỉ Tết. Có thể nhận thấy, thời gian này các em rất sao nhãng việc học.
Giáo viên vào lớp dạy nhưng học sinh thường lơ là khiến thầy cô rất mệt mỏi. Các em ngày ngày gặp nhau chỉ nói đến chuyện Tết như mua quần áo gì, làm gì, đi đâu…
Thầy cô cũng khó mà la mắng học sinh bởi đó là tâm lí chung của các em mỗi khi Tết đến xuân về. Hơn nữa, người lớn cũng nôn nao chuyện Tết nói gì đến học sinh.
Học sinh nghỉ Tết nhiều hay ít vẫn là bài toán nan giải
Học sinh tỉnh Bình Thuận được nghỉ Tết 15 ngày |
Ở thành phố, học sinh nghỉ Tết dài ngày thì phụ huynh gặp rất nhiều phiền toái bởi không biết gửi con cho ai, nhất là bậc mầm non và tiểu học.
Cha mẹ các em cũng chỉ được nghỉ Tết năm bảy ngày nên rất khó để thuê lao động giúp việc theo thời vụ ngắn ngày như thế.
Ở Sài Gòn, nhiều phụ huynh cho biết, họ phải trả người giúp việc tầm 5 triệu đồng cho một tuần làm việc vào dịp nghỉ Tết.
Và để trả số tiền hàng triệu đồng cho người giúp việc, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng.
Kể cả ở nông thôn, học sinh phổ thông nghỉ dài ngày, các em suốt ngày chỉ dán mắt vào điện thoại chơi games, lướt Facebook cũng khiến phụ huynh lo lắng không yên.
Từ nhiều năm qua, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thường nghỉ Tết khoảng 2 tuần. Bởi ở nhiều quận, huyện đa phần giáo viên và phụ huynh cũng là dân nhập cư.
Nhiều phụ huynh có con học mầm non phải tìm gửi đến các nhóm trẻ. Còn học sinh tiểu học, phụ hunh phải huy động người thân trông coi các em. Thậm chí có nhiều phụ huynh phải dẫn con theo đến công ty, cơ quan nơi mình làm việc để tiện trông.
Riêng học sinh trung học phổ thông, những em có tham gia câu lạc bộ văn hóa hay thể dục thể thao thì cha mẹ bớt lo lắng.
Những em nghỉ chơi dài ngày, phụ huynh cũng nơm nớp âu lo vì sợ con em tụ tập cùng chúng bạn sa đà, làm những việc xấu.
Xem ra, việc học sinh nghỉ Tết dài ngày thì giáo viên thoải mái nhưng phụ huynh lại rất khổ. Và ngược lại, học sinh nghỉ quá ít ngày, giáo viên cũng không biết phải làm sao để sắp xếp thời gian cho vẹn cả… nhiều đường.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-ha-noi-nghi-tet-nguyen-dan-canh-ty-8-ngay-post205791.gd
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-da-nang-duoc-nghi-tet-nguyen-dan-9-ngay-post205737.gd
[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-o-ca-mau-duoc-nghi-tet-14-ngay-post205844.gd
[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/noi-long-cua-giao-vien-xa-que-o-tinh-kon-tum-khi-tet-den-xuan-ve-post205738.gd
[5] //luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2071-qd-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-115392-d1.html
[6] //luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2071-qd-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-115392-d1.html