Nghịch cảnh ngành du lịch: Sinh viên sốt vó lo việc, trường ĐH vẫn tuyển rất tốt

02/01/2022 06:34
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên năm cuối ngành du lịch lo lắng vì đây là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng nhất.

Lo thời hạn ra trường bị chậm và cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp

Trần Thị Tuyến (sinh viên năm cuối) ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ hiện tại vấn đề lo lắng nhất là thời hạn ra trường do ngành học đặc thù nên không thể thực tập, thực tế bằng hình thức online. “Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp em lo lắng các môn học này sẽ trì hoãn”, Tuyến tâm sự.

Ngoài nỗi lo về thời hạn tốt nghiệp, Tuyến còn lo lắng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Tuyến bộc bạch: “Sinh viên các ngành sư phạm hay ngôn ngữ còn có thể làm việc online còn hầu hết các công việc liên quan đến ngành du lịch đều cần làm việc trực tiếp. Hiện em còn khá mông lung về nghề nghiệp sẽ làm sau khi tốt nghiệp”.

Theo tìm hiểu của Tuyến, nhờ tác động của chính sách kích cầu du lịch, sau khi xem xét về mức độ an toàn lãnh đạo tại một số tỉnh, địa phương quyết định mở đón khách du lịch. Mỗi nơi sẽ có quy định về việc đón khách nhưng đều tuân thủ những quy tắc phòng dịch an toàn của Bộ Y tế.

Nữ sinh chia sẻ: “Em cũng chưa chắc mình có theo ngành du lịch không vì lượng khách không đều thì thu nhập sẽ không ổn định.”

Ít có cơ hội tiếp xúc thực tiễn với nghề

Là sinh viên năm cuối ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Lê Như Ngọc dự định sau khi tốt nghiệp sẽ làm công việc liên quan đến ngành dù còn nhiều lo lắng về cơ hội việc làm.

Ngọc lí giải: “Ngành du lịch mặc dù đang gặp khó khăn vì dịch bệnh nhưng cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc như các chuyến du lịch ngày càng mở rộng, các đường bay được khai thông nhiều hơn, phần lớn người dân cũng đã được tiêm vắc xin, …”

Bên cạnh nỗi lo về công việc, Ngọc còn băn khoăn về kỹ năng chuyên môn. Từ năm nhất Ngọc bắt đầu đi phụ tua (tour) cùng các anh, chị khóa trên để lấy kinh nghiệm. Nhưng đến năm 3 đại học do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ngọc ít có cơ hội được va chạm thực tế. Ngay cả học phần thực tập lần 1 cũng phải học trực tuyến nên rất ít sinh viên có cơ hội thực tập trực tiếp.

Ngọc đánh giá: “Kiến thức trên trường là phần cần có. Nhưng để đủ thì sinh viên phải có kỹ năng nghiệp vụ và trải nghiệm thực tế. Đây là nỗi băn khoăn và trở ngại lớn nhất của sinh viên ngành du lịch khi ra trường như chúng em”.

Phải chuyển ngành vì dịch Covid-19

Tháng 8/2021, Nguyễn Văn Dương tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành, trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ngay từ năm ba đại học nhận thấy ngành mình theo đuổi gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, Dương quyết định chuyển ngành.

Nguyễn Văn Dương chụp trong một lần dẫn tour ở Hà Giang vào năm 2019. Ảnh: NVCC

Nguyễn Văn Dương chụp trong một lần dẫn tour ở Hà Giang vào năm 2019. Ảnh: NVCC

Bốn năm trước với mong muốn được khám phá những vùng đất mới, Dương chọn ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành là nguyện vọng 1. Qua những lần va chạm thực tế, làm hướng dẫn viên khi còn là sinh viên, Dương nhận ra ngành du lịch mang lại mức thu nhập khá ổn.

Dương thường dẫn những tour nội địa, mỗi tour khoảng 2-3 ngày. Trung bình mỗi buổi làm hướng dẫn viên Dương nhận được 500.000 đồng chưa kể những khoản thu từ các công việc MC team building, MC gala, tiền tip từ khách hàng, tiền hoa hồng, … Vào mùa cao điểm, tháng cao nhất Dương có thể nhận được 35 – 40 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên mặt trái của nghề du lịch là thường xuyên phải xa gia đình và không có nhiều thời gian cho bản thân nên Dương xác định sẽ không gắn bó lâu dài nên đã chú trọng học thêm những kỹ năng mới.

Dương kể mình đi dẫn tour nhiều trong hai năm 2018 và 2019. Còn năm 2020 thì số tour Dương làm hướng dẫn viên ít hơn hẳn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hiện đang làm một công việc văn phòng nhưng Dương vẫn thường nhớ về những kỷ niệm trong những lần dẫn tour. Dù thích công việc của một hướng dẫn viên vì có thể đi nhiều nơi, thỏa mãn đam mê xê dịch nhưng theo Dương để quay lại với công việc này thì hiện chưa phải là thời điểm thích hợp.

Liên quan đến những vấn đề của ngành du lịch, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Phiến – Hiệu trưởng trường Đại học Khánh Hòa cho biết: “Trong hai năm gần đây, trường không gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh các ngành du lịch. Tỉ lệ thí sinh đăng kí các khối ngành du lịch vào trường rất lớn, nhà trường phải tiến hành chọn lựa kĩ lưỡng. Riêng năm 2021, trường đã chuyển sang hình thức xét tuyển online. Đặc biệt đối với ngành du lịch số lượng sinh viên tuyển được vượt chỉ tiêu đề ra.”

Lí giải về hiện tượng tuyển sinh ngành du lịch rất ổn dù dịch COVID phức tạp, Tiến sĩ Phan Phiến cho biết Khánh Hòa là tỉnh có ngành du lịch phát triển mạnh mẽ nên sinh viên chọn vào học, sau 4 năm nữa các em mới tốt nghiệp nên vẫn kỳ vọng sau khi ra trường dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, ngành du lịch tăng trưởng trở lại.

Nhật Tân