Sau đại dịch, ngành du lịch và tâm lý học sẽ lên ngôi

22/12/2021 09:01
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại buổi tư vấn trực tuyến, các chuyên gia nhận định du lịch và tâm lý học sẽ là hai ngành có tiềm năng phát triển mạnh sau đại dịch.

Tối ngày 21/12, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội) tổ chức Chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 với chủ đề "Lưu ý gì khi chọn ngành khoa học xã hội và nhân văn, luật?".

Buổi tư vấn có 6 khách mời đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Mở TP.HCM, Trường Đại học Duy Tân và Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn.

Chia sẻ về thông tin tuyển sinh năm 2022, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.

Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi các cơ sở đào tạo vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Bên cạnh đó, các trường, ngành có tính cạnh tranh cao xem xét sử dụng kết quả thi chỉ là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có hình thức sát hạch, phân loại cao hơn đảm bảo chất lượng, sự công bằng trong tuyển sinh".

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cũng nhắn nhủ các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng này nên dành thời gian truy cập vào trang web của trường để tìm hiểu phương thức xét tuyển cũng như các thông tin về chương trình đào tạo.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ tại buổi tư vấn trực tuyến tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022. (Ảnh: chụp màn hình)

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ tại buổi tư vấn trực tuyến tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022. (Ảnh: chụp màn hình)

Trao đổi về cơ hội việc làm của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết, hiện nay ngành Tâm lý học ngày càng được nâng cao cao giá trị, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân stress, trầm cảm gia tăng.

"Sinh viên ra trường với tấm bằng Tâm lý sẽ có nhiều hơn một vị trí việc làm tiềm năng, sau đại dịch ngành này rất cần bổ sung thêm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để theo đuổi và chinh phục ngành Tâm lý, nếu chỉ có đam mê đôi khi là chưa đủ. Trên thực tế, các chuyên gia Tâm lý thường sở hữu một số tố chất quan trọng như khả năng lắng nghe và thấu cảm, sự kiên trì và khả năng chịu đựng áp lực...

Theo đó, các bạn học sinh nên tìm hiểu thật kỹ tính cách, sở trường của mình có phù hợp với đặc thù công việc hay không trước khi đăng ký theo học ngành này".

Tư vấn về ngành Quản trị du lịch khách sạn, Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn nhận định, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và du lịch cũng không phải ngoại lệ. Trong hai năm vừa qua, rất nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch phải đóng cửa.

"Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã dự đoán đại dịch sẽ kết thúc trong năm 2022. Khi cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu du lịch trong nước cũng như quốc tế sẽ tăng mạnh. Chính vì vậy, các em hãy nhìn nhận lạc quan hơn", nữ Hiệu trưởng cho hay.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân cũng đánh giá ngành Quản trị du lịch khách sạn vốn đã rất "hot" trong những năm gần đây, và sẽ càng thu hút nhân lực phục vụ trong những năm sắp tới khi đại dịch dần được khống chế.

Toàn cảnh Chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh - hướng nghiệp 2022. (Ảnh: chụp màn hình)

Toàn cảnh Chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh - hướng nghiệp 2022. (Ảnh: chụp màn hình)

Tham dự chương trình, một số học sinh bày tỏ nguyện vọng muốn theo học ngành Quản trị - Luật, nhưng chưa lựa chọn được cơ sở đào tạo và chưa hiểu chương trình học.

Giải đáp thắc mắc trên, Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở duy nhất đào tạo ngành học này.

Theo đó, ngành Quản trị - Luật trang bị cho người học hai khối kiến thức, bao gồm kiến thức về quản trị kinh doanh và kiến thức pháp luật. Vì đây là chương trình đào tạo song ngành nên sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm.

"Cử nhân ngành Quản trị - Luật có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: dịch vụ công cộng, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tư vấn tài chính, tư vấn luật kinh doanh. Đồng thời có thể công tác tại các cơ quan nhà nước, làm pháp chế tại các doanh nghiệp, văn phòng luật, văn phòng công chứng...", Thạc sĩ Lê Văn Hiển cho biết thêm.

Cũng tại buổi tư vấn trực tuyến, các khách mời đã ghi nhận và giải đáp ý kiến của nhiều học sinh, phụ huynh về những ngành khác trong khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, luật, giúp các bạn trẻ yêu thích nhóm ngành này hiểu rõ hơn từng chuyên ngành, thông tin về cơ hội việc làm, cách chọn trường phù hợp.

Ngọc Ánh