Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra. |
Ngày 3/11, Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài phân tích của một nhóm học giả Trung Quốc với tiêu đề, "Học giả Mỹ nói bừa: Căn cứ pháp lý và lịch sử yêu sách chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa mạnh hơn Trung Quốc" với nhiều nội dung bóp méo sự thật, phục vụ mưu đồ bành trướng, biến Biển Đông thành ao nhà của Bắc Kinh.
Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông (Nhân Dân nhật báo nhầm thành Ngô Thế Tồn) nói rằng, trong vấn đề Biển Đông hiện nay Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức trên 4 phương diện. Thứ nhất, về (cái gọi là) bảo vệ chủ quyền, đó là việc làm sao để giữ chắc các đảo, bãi đá, rặng san hô (mà Trung Quốc đã đánh chiếm, đóng quân bất hợp pháp - PV).
Thứ 2 về mặt pháp lý, điển hình là vụ Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển ngày 22/1 năm ngoái. "Hiện tại có bên liên quan cũng đánh tiếng rằng có thể đơn phương khởi kiện", Ngô Sỹ Tồn nhấn mạnh, ám chỉ Việt Nam. Thứ 3 là thách thức về luật chơi ở Biển Đông, chủ yếu là việc hoạch định Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC.
Theo ông Tồn, nhìn bề ngoài thì đó là việc ASEAN và Trung Quốc nỗ lực bàn thảo tìm ra một quy tắc ứng xử chung, nhưng về bản chất là tranh chấp quyền chủ đạo ở Biển Đông trong tương lai. Thứ 4 là quyền lên tiếng, hiện tại Trung Quốc không chiếm ưu thế ở Biển Đông. Cứ nhắc tới Biển Đông là các tin tức liên quan nhắc tới luận điểm "Trung Quốc uy hiếp" hay "Bắc Kinh ỷ thế lực thay đổi hiện trạng"...
Trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật, gần đây có học giả Mỹ nói bừa (chữ dùng của Ngô Sỹ Tồn), rằng về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, căn cứ pháp lý và lịch sử của Việt Nam mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc. Đó là việc chưa từng có trước đây và cũng cho thấy thách thức nghiêm trọng mà Bắc Kinh phải đối mặt về lĩnh vực học thuật.
Tạm không nói tới điểm đầu tiên, Trung Quốc sống chết cố thủ bám lấy những gì đã dùng vũ lực chiếm đoạt được ở Biển Đông mà Ngô Sỹ Tồn cho rằng đó là "thách thức". 3 vấn đề ông Tồn nêu ra mà không viện dẫn được bất cứ tài liệu nào chứng minh cho cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng đã nói lên nhiều điều - PV.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc thôn tính bất hợp pháp năm 1988. |
Với tư cách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, ông Tồn hẳn có trong tay không ít tài liệu (ngụy tạo) và công cụ, nhưng ông cũng chỉ biết ngồi đó và than vãn việc Philippines khởi kiện đường lưỡi bò ở Biển Đông là "thách thức" mà chẳng "quân sư" được giải pháp nào khả dĩ cho Trung Nam Hải để ngụy biện cho tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của họ và bảo vệ cái đường lưỡi bò (vô lý và phi pháp) ấy.
Mặt khác, trong khi ASEAN nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc đàm phán ký kết COC để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực thì Bắc Kinh tìm đủ mọi lý do dây dưa, thoái thác. Bây giờ ông Tồn đã công khai thừa nhận nhưng bóp méo luôn rằng, bản chất của COC là (Trung Quốc muốn - PV) tranh giành quyền chủ đạo ở Biển Đông trong tương lai.
Về cái gọi là quyền lên tiếng, ông Tồn cũng thừa nhận thực tế rằng dư luận khu vực và quốc tế mỗi khi nhắc đến Biển Đông là người ta lại nói Trung Quốc uy hiếp hay Bắc Kinh cậy sức mạnh (quân sự - kinh tế - ngoại giao) để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Dân gian có câu, không có lửa làm sao có khói? Chẳng ai có thể đổ oan hay chụp mũ cho Bắc Kinh nếu họ thực sự không có những hành động uy hiếp láng giềng, thay đổi hiện trạng mà vụ giàn khoan 981 và đảo hóa các bãi đá ở Trường Sa là ví dụ rõ nhất.
Ông Lý Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm kiêm Bí thư đảng ủy Trung tâm nghiên cứu Sử - địa biên giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì cho rằng chính sách "gác tranh chấp, cùng khai thác" Bắc Kinh đưa ra vẫn giậm chân tại chỗ hơn 30 năm qua vì "thiếu niềm tin, đặc biệt là niềm tin chính trị", thiếu hợp tác mang tính thực chất và thiếu nhận thức chung trong khu vực. Nhưng ông Cường đã quên hay cố ý không nhắc đến cái tiền đề không thể chấp nhận mà lãnh đạo cao nhất nước ông đưa ra: Chủ quyền thuộc Trung Quốc?!
Mã Đại Chính, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phát triển Tân Cương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì cho biết, khoảng hơn 20 năm trước ngay chính cả giới nghiên cứu Trung Quốc cũng chỉ nhớ rằng Trung Quốc rộng 9,6 triệu km vuông mà "quên mất" 3 triệu km vuông biển đáng lẽ ra "không nên quên". Đó chỉ là cách nói ngụy biện bởi Trung Quốc chưa bao giờ có 3 triệu km vuông biển, mà chỉ là vì lòng tham, tư tưởng bành trướng hay lý do nào đó mà sau này họ tự nhận xằng mình có 3 triệu km vuông biển thì lấy đâu ra để "quên mất"?
Đến bây giờ ông Chính cho rằng cần phải "tuyên truyền và giáo dục" cho dân Trung Quốc về cái gọi là "ý thức cường quốc về biển để mỗi người dân Trung Quốc đều hiểu về biển, yêu biển, quan tâm đến biển"?!