Đổ xô trồng cây bo bo
Thực trạng khi vài năm trở lại đây, thương lái khắp nơi tìm đến các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… để thu mua hạt cây bo bo nhập qua Trung Quốc. Giá bo bo được các thương lái mua với giá từ 30 ngàn đến 40 ngàn đồng/kg hạt khô.
Bo bo là một loài thực vật nhiệt đới thân cao để lấy hạt trong họ Hòa Thảo (Poaceae), có nguồn gốc Đông Á và Malaysia bán đảo nhưng được gieo trồng ở nhiều nơi trong ruộng, vườn như là một loại cây một năm. Trong những năm Kháng chiến chống Mỹ bo bo được nhập từ nước ngoài vào nước ta để bán độn thay gạo làm lương thực.
Trong thời gian ngắn người dân miền núi Nghệ An đã mở rộng trồng số lượng lớn diện tích cây bo bo bán cho thương lái Trung Quốc |
Sau thời kỳ khó khăn cây bo bo trước đó được trồng đã tự do phát triển nhưng không còn được người dân quan tâm nhiều. Do vậy số lượng cây bo bo ở khu vực rừng, núi của một số huyện miền núi Nghệ An có khá nhiều bo bo. Khi được thu mua giá cao người dân đã đổ xô vào rừng khai thác triệt để số bo bo hoang dại. Tuy nhiên, khai thác dần số lượng bo bo hoang dại cũng cạn kiệt dần. Thấy nhu cầu và được trả giá cao nên một số nơi người dân đã tự phát rẫy trồng bo bo. Diện tích này được người dân mở rộng ngày càng tăng nhanh chóng.
Tại khu vực xã Huồi Tụ, Mường Lống thuộc xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Lương thực chủ yếu của người dân nơi đây là lúa nương, ngô. Nhưng vài năm trở lại đây khi thương lái mua bo bo với giá cao người dân nơi đây lại trồng thêm cây bo bo.
Cây bo bo cho thu nhập cao mà lại không tốn công chăm sóc, chi phí phòng trừ sâu bệnh. Ngoài diện tích mọc tự nhiên trong các cánh rừng thì người dân trong xã Huồi Tụ đã trồng thêm được 30 đến 40 héc ta. Mỗi năm tổng thu nhập trung bình của xã Huồi Tụ thu lợi từ cây bo bo là trên 1 tỉ đồng.
Không những diện tích bo bo được người dân trồng mà do hợp thổ nhưỡng nên cây bo bo mọc hoang dại tại các huyện miền núi Nghệ An cũng phát triển mạnh |
Theo ông Dềnh Bá Lồng – Phó chủ tịch xã Huồi Tụ chia sẻ: “Mấy năm nay đến mùa thu hoạch là thương lái tìm đến tận nhà thu mua chứ không phải vận chuyển vất vả đi đâu cả. Giá hạt bo bo cao, trồng và chăm sóc lại dễ nên đồng bào người Mông, Khơ Mú rất thích. Mặc dù chưa xác định đây là cây chủ lực phát triển kinh tế nhưng thời gian qua, diện tích trồng cây bo bo đã tăng lên rất nhanh”.
Cây bo bo mỗi năm ra quả một vụ, có hoa vào tháng 3 và thu hoạch hạt đại trà vào tháng 7- 8. Sau khi hái quả lấy hạt, người dân sẽ cho cắt sát gốc cây đó để các nhánh khác mọc lên. Hai xã có diện tích cây bo bo tự nhiên lớn nhất huyện Kỳ Sơn là xã Tây Sơn và Bảo Nam. Từ khi huyện có chủ trương giao đất rừng cho các hộ dân, cây bo bo được khoanh nuôi, bảo vệ, sản lượng thu hoạch cũng cao hơn. Ngoài diện tích bo bo mọc tự nhiên trong các cánh rừng, người dân hai xã này còn tỉa nhánh trồng thêm. Địa hình tại các vùng này có độ dốc, ẩm thấp và có rừng nguyên sinh che phủ nên rất phù hợp cho cây bo bo phát triển mạnh.
Không có định hướng phát triển khó lường hậu quả
Nhiều gia đình nhờ cây bo bo đã có cuộc sống khá lên trông thấy như gia đình anh Vừ Xái Chù ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn khoảng 28 triệu đồng/năm; gia đình anh Vừ Tồng Xanh ở bản Huồi Giảng 1 đạt 25 triệu đồng/năm, hay gia đình anh Vừ Lầu Phổng thu nhập 20 triệu đồng/năm. Với người dân ở vùng miền núi khó khăn này đây là nguồn thu nhập lớn hàng năm.
hạt cây bo bo đem lại thu nhập khá cho gia đình vợ chồng anh Lỳ Chá Chơ |
Theo ông Lưu Đức Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết: Trong năm 2013 tổng diện tích cây bo bo tại xã Tây Sơn là 77,36 ha, tổng sản lượng thu được là gần 38 tấn, tương đương với gần 950 triệu đồng. Mỗi gia đình tại xã Tây Sơn hàng năm có thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/hộ từ cây bo bo.
Cứ vào hai tháng 7 và 8 dương lịch, thương lái từ thị trấn Mường Xén lại tìm đến các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Tây Sơn, Bảo Nam… của huyện Kỳ Sơn để tìm mua hạt bo bo. Bên cạnh đó còn có hợp tác xã Hương Sơn, Mường Xén chuyên thu mua hạt loại cây này. Vào thời điểm khan hiếm giá còn có thể cao hơn bình thường.
Sau khi thu mua, các thương lái, hợp tác xã cho sơ chế rồi đóng gói vận chuyển xuống nhập cho một số đầu mối ở Diễn Châu, TP.Vinh, có khi đưa ra tận Hà Nội. Từ các đầu mối này mới xuất khẩu qua Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ một đại lý thu mua hạt bo bo ở thị trấn Mường Xén cho biết: Trung bình mỗi năm chị thu mua khoảng 50 đến 70 tấn hạt bo bo, sau khi thu mua đủ chuyến hàng, chị nhập cho các thương lái Trung Quốc.
Không chỉ các thương lái mà một số hợp tác xã cũng thu mua để tiêu thụ sang Trung Quốc. Các hợp tác xã này còn triển khai xây dựng nhà máy sấy để tiến hành thu mua hạt bo bo với sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu được tốt hơn.
Tuy nhiên khi được hỏi thương lái Trung Quốc thu mua hạt cây bo bo làm gì thì cả người nông dân lẫn những người thu mua cũng không nắm rõ mà chỉ nghe nói “người ta dùng hạt này làm thuốc chữa bệnh hay chế biến làm gia vị gì đó chứ cũng không tường tận lắm”.
Diện tích cây bo bo ngày một tăng mạnh tại các huyện miền núi Nghệ An vì thổ nhưỡng hợp với lại cây này và được người dân mở rộng diện tích canh tác. Nhưng lạ thay khi bo bo đang vào vụ chính và đã được dân mở rộng diện tích trồng vài năm nay nhưng trao đổi về vấn đề này ông Trương Minh Châu – Trưởng phòng trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An cho biết: “Các địa phương chưa có báo cáo về Sở nên thực tình chúng tôi cũng không biết cây bo bo là cây gì, được trồng ra sao. Nếu có thực trạng phá rẫy, rừng để lấy đất trồng cây bo bo nhập cho thương lái Trung Quốc thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra, có định hướng phát triển cụ thể, không để tự phát như thời gian vừa qua”.
Trước đây, đã có nhiều loại cây được thương lái Trung Quốc mua ồ ạt người dân đổ xô trồng cuối cùng không được thu mua nữa lại phải phá bỏ. Việc trồng loại cây có hiệu quả để nâng cao cuộc sống, thu nhập cho người dân là tốt nhưng cần có định hướng của các đơn vị chức năng. Việc cây bo bo có bị bỏ rơi như một số loại cây trước đây thương lái Trung Quốc thu mua hay không chưa ai dám khẳng định. Nhưng mong sớm sẽ định hướng kịp thời để có biện pháp phát triển hiệu quả.