Quyết định đến với trung tâm vì các em nhỏ bị nhiễm HIV
Đó là lời chia sẻ rất thật lòng của của cô Đinh Thị Thủy, giáo viên dạy học cho các em nhỏ mồ côi bị nhiễm HIV tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).
Cô Thủy là giáo viên đã có 30 năm tuổi nghề, trong đó có 14 năm liền cô gắn bó với các em nhỏ ở trung tâm cai nghiện ma túy số 2.
Cô giáo 12 năm lặng lẽ dạy học miễn phí cho những đứa trẻ không lành lặn |
Cơ duyên mà cô Thủy đến với trung tâm rất đặc biệt, theo như cô kể với chúng tôi:
“Vào năm học 2006, nhân dịp tết thiếu nhi mùng 1 tháng 6, tôi được chú hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cùng cô hiệu phó và 20 em học sinh vào trung tâm dự tết thiếu nhi cùng các em nhỏ ở đây.
Đến trung tâm, khi được giới thiệu là cô giáo ở ngoài vào thì các cháu ở trung tâm rất vui mừng, phấn khởi, các cháu cứ đến ôm cô rồi ngây ngô nói : Con thưa cô bao giờ con được đi học? Cô có dạy chúng con không? Cô có yêu chúng con không?
Lúc đó tôi nói với các con rằng: Các con ngoan sẽ được đi học, cô yêu các con, cô sẽ dạy.
Nói là vậy nhưng thực sự lúc đó tôi không nghĩ là mình lại có cơ hội được vào trung tâm dạy cho các em như này.
Buổi hôm đấy cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy các con, khi đấy các con vẫn chưa được uống thuốc, chân tay lở loét, chứng kiến cảnh đó tôi thực sự rất xúc động và tôi đã khóc.
Tôi không hiểu được tại sao bố mẹ lại bỏ rơi những đứa trẻ này, đại lỡ gieo cho chúng cái căn bệnh quái ác đấy để nó làm khổ các con?
Sau 2 tháng nghỉ hè thì tôi thấy có cuộc họp chi bộ khẩn cấp và thầy hiệu trưởng mời tôi xuống họp.
Cuộc họp có ban giám hiệu, chị Phương lúc bấy giờ là giám đốc trung tâm cùng với hai người thuộc tổ chức cô nhi thế giới. Tại cuộc họp mọi người đề cử tôi về trung tâm trên tinh thần xung phong.
Suy nghĩ một lúc thì tôi cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi 1 năm, nếu tôi gặp vấn đề về sức khỏe thì tôi sẽ đề nghị ban giám hiệu thay người khác”.
Cô Thủy rạng rỡ trong ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 (ảnh: nhân vật cung cấp ) |
Cô Thủy là một người thực sự can đảm, ở thời điểm cách đây hơn 10 năm, cô đã dám đảm nhận một công việc mà khi đó cả xã hội đều trốn tránh.
Vậy sự can đảm đó của cô xuất phát từ đâu? Phải chăng chính là từ tình yêu thương mà cô dành cho các em.
Hoặc cũng từ cái nhìn đầu tiên đầy xúc động khi cô chứng kiến cảnh các em vui cười, nô đùa trong ngày tết thiếu nhi.
Cũng có thể là từ câu hỏi đầy ngây ngô: “Con thưa cô bao giờ con được đi học? Cô có dạy chúng con không? Cô có yêu chúng con không?”
Sự can đảm không chỉ vượt qua các định kiến của xã hội thời điểm đó, nó còn cho cô động lực để thuyết phục chồng, con và gia đình của mình:
“Lúc đầu chồng con, gia đình và mọi người cũng phản đối, sau đó thì mọi người dần dần cũng hiểu ra.
Anh ấy cũng nói đùa rằng: Vào trong đấy dạy các cháu HIV nếu bị lây nhiễm thì cho ở lại trung tâm luôn.
Nhân dịp lễ tết, tôi cũng xin cho các con về nhà chơi, gặp các con thì anh nhà cũng cảm nhận được rằng các con rất đáng thương và từ đó anh cũng động viên tôi trở thành động lực cho tôi yên tâm công tác đến bây giờ”.
Cô là người mẹ thứ 2 của những em nhỏ bị nhiễm HIV
Cô Thủy chia sẻ với phóng viên: “Tôi đi dạy đến bây giờ đã được 30 năm. Trong đó 16 năm đầu tôi dạy ở cộng đồng rồi tôi vào trung tâm dạy cho các cháu ở đây.
Các cháu nhỏ ở trung tâm thiếu thốn tình cảm rất nhiều, đó là tình yêu thương của bố mẹ và gia đình.
Vì vậy khi tôi đến đây dạy học cho các con, các con thường gọi tôi là mẹ, khi lên lớp học với cô, các con thích được vuốt ve, âu yếm, hỏi chuyện.
“Mẹ Hòa” với gần 70 đứa con hiếu học |
Đặc biệt là mỗi giờ ra chơi là mấy cô trò chúng tôi lại quấn quýt lấy nhau như là mẹ với con, tình cảm dường như không có khoảng cách.
Mỗi khi học bài môn văn, kể về gia đình các con thường kể một cách hào hứng rằng mẹ của con là cô giáo.
Lúc đó tôi thực sự xúc động, đó như một nguồn động viên to lớn dành cho tôi để tôi tiếp tục gắn bó với trung tâm, gắn bó với các con”.
Câu nói: “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” quả thực không sai khi nói về tình thầy trò của cô Thủy với các em nhỏ bị nhiễm HIV.
Căn bệnh quái ác không những bủa vây các bé mà nó còn lấy đi những điều quý giá mà các em xứng đáng được nhận. Đó là tình yêu thương của gia đình, sự công nhận của xã hội đối với các em.
Thế nhưng trong cái lúc các em bị xã hội xa lánh thì những người giáo viên tận tâm như cô Thủy đã đến đây, đến với các em, chăm lo dạy dỗ và phần nào đó giúp thắp lên bên trong mỗi em nhỏ một ngọn lửa của niềm tin, hy vọng vào cuộc sống và một tương lai tốt đẹp.
Hồi tưởng lại những ngày đầu tiên khi mới bắt đầu công việc ở trung tâm, cô Thủy chia sẻ:
“Lúc mới bắt đầu công việc, tôi cũng lo lắng nhiều. Những năm đầu tiên khi tôi mới vào thì các em cũng chưa được uống thuốc, chảy máu cam nhiều và sức đề kháng cũng yếu.
Tôi thì chưa được tập huấn gì nhiều nên cũng chưa biết cách phòng tránh lây nhiễm, gặp khó khăn trong việc chăm sóc các em.
Khoảng 1 tháng sau, tôi được bác sĩ tập huấn nên cũng đã hiểu biết hơn và có thêm kinh nghiệm để chăm lo cho các con, nhất là trong những lúc các con thay răng, bị chảy máu cam hay mặc một số bệnh lúc giao mùa như cúm, đau mắt…”.
Các em học sinh mồ côi rất hăng hái phát biểu trong giờ học (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Quãng thời gian bên cạnh các bé đã để lại rất nhiều kí ức đẹp trong lòng cô, nói về kỉ niệm của mình cô xúc động:
“Kỉ niệm mà tôi nhớ nhất là vào một buổi học trên lớp, tôi cho các con làm bài tập làm văn kể về gia đình, thì các con nói là: con thưa cô con bị bỏ rơi, con chưa nhìn thấy bố con bao giờ, con chưa thấy mẹ con bao giờ, không ai đến thăm con, gặp con bao giờ?
Tôi xúc động và đã rơi nước mắt, tôi cố gắng không để các con thấy bằng việc quay lên xóa bảng, khi ấy có bé bảo rằng: Con thưa cô, bảng sạch rồi sao cô vẫn xóa? Câu hỏi này càng làm tôi xúc động hơn.
Lúc tôi khóc các con hồn nhiên hỏi rằng: Cô mệt à mà cô khóc? Có học sinh còn hồn nhiên hỏi: Cô bị đau mắt à? Để chúng con thổi cho.
Lúc đấy tôi phải cố gắng lảng đi để tiếp tục dạy. Mỗi lần nhớ về chuyện đó, tôi lại cảm thấy bị xúc động".
Cô Thủy cùng học sinh vui vẻ trong ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Quả thật tình yêu là một điều gì đó thật thần kì, nó đã làm xóa nhòa đi khoảng cách giữa con người với con người, giữa một người giáo viên với những người học trò đặc biệt của mình.
Tình yêu kết tinh cùng tình thương và sự đồng cảm đã tạo ra một công việc đầy ý nghĩa và nhân văn cho xã hội - việc dạy học cho những em nhỏ bị nhiễm HIV.
Nhờ bàn tay chăm sóc cùng tình yêu thương của cô Thủy cùng các cán bộ ở cơ sở cai nghiện ma túy số 2, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, đã góp phần thắp lại, nâng cánh cho những ước mơ của các em nhỏ bị nhiễm HIV.
Cô không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cho các em kinh nghiệm sống thực tế, nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng cho các em, để các em có thể tự mình vững vàng bước ra ngoài và hòa nhập cùng xã hội.
Rất nhiều những bạn nhỏ vốn mang trong mình căn bệnh thế kỷ đã tự tin bước vào cuộc sống và đã đạt được những thành công ban đầu trên con đường chinh phục ước mơ như Phạm Minh Đức (sinh năm 1999), sinh viên trường Đại học Mỏ Hà Nội; Lê Thị Uyên (sinh năm 1994) làm công việc phiên dịch, hiện đã tự sinh con một mình, thuê nhà và nuôi con ở Hà Nội.
Công việc mà cô Thủy đang làm rất ý nghĩa và nhân văn, mong rằng cô sẽ luôn giữ vững ngọn lửa yêu nghề, tận tâm dạy dỗ, quan tâm các em, giúp làm mờ đi trong lòng các em những khoảng trống tình cảm, thắp lên bên trong các em ngọn lửa mơ ước, niềm tin và tình yêu cuộc sống.