"Người ngoài" đến làm lãnh đạo thì vẫn phải kiểm soát quyền lực

21/05/2018 07:06
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Để phát huy được chính sách Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì cần thiết phải có cơ chế giám sát quyền lực”.

Tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ đó là chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Bình luận chính sách này, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng ông đánh giá rất cao chủ trương này.

Theo lý giải của ông Lê Văn Cuông, khi người địa phương làm lãnh đạo sẽ bị chi phối bởi tư duy dòng tộc, người thân quen, cánh hậu nên nảy sinh việc quản lý tiêu cực, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm.

Tình trạng bố trí cán bộ cho là đúng quy trình nhưng không đúng mục đích, quy chuẩn như cả nhà làm quan, bố trí người thân quen hoặc cánh hậu vào các vị trí quan trọng, thậm chí tệ nạn chạy chức, chạy quyền  như hiện nay là do người địa phương làm lãnh đạo.

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, ảnh: quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, ảnh: quochoi.vn.

“Công tác cán bộ là then chốt của xây dựng Đảng. Trong xây dựng cán bộ phải chống được tình trạng lợi dụng chức quyền để bố trí người thân, người không đủ tiêu chuẩn do chạy chọt, mối quan hệ con ông cháu cha vào cơ quan nhà nước làm ảnh hưởng chất lượng của bộ máy nhà nước.

Chạy chức chạy quyền, bố trí cán bộ không đúng quy chuẩn là một hình thức tham nhũng quyền lực cần được ngăn chặn, đẩy lùi. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc bố trí lãnh đạo là người địa phương.

Để khắc phục các tiêu cực trên, một trong những biện pháp có tính chất đột phá là quy định người lãnh đạo không phải là người ở địa phương” – ông Cuông phân tích.

 Chủ trương một, quyết tâm phải mười

Cũng theo ông Lê Văn Cuông: “Khi người không phải của địa phương làm lãnh đạo thì không bị chi phối bởi các mối quan hệ thân tộc, phe cánh nên sẽ thực hiện đúng chức trách.

Bản thân người lãnh đạo từ địa phương khác mới đến họ cũng sẽ cảnh giác với những mối quan hệ không trong sáng, không lành mạnh, biết giữ mình.

Việc làm của họ sẽ có sự giám sát của nhân dân, bộ máy cấp trên, cấp dưới cho nên sẽ rất thận trọng, cầu thị và dân chủ hơn”.

Qua phân tích, vị chuyên gia này cho rằng đây là một chủ trương đúng và trúng của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, để người cán bộ hoàn thành tốt nghiệp vụ còn nhiều yếu tố khác.

Theo vị này, cần phải có tiêu chuẩn cán bộ rõ ràng để tránh việc chọn nhầm người. Người được bố trí làm Bí thư cấp ủy phải là người có đức, tài, uy tín trong công việc.

Muốn chọn được người có đức, tài thì quá trình đánh giá cán bộ phải khách quan. Cơ chế để đánh giá cán bộ phải thực chất, đúng.

“Như lâu nay, nhiều cán bộ cấp chỉ huy không tốt nhưng qua đánh giá do lợi ích chi phối nên những cán bộ kiểu này được phủ bằng một nhận xét rất tốt.

Cho nên, trong công tác cán bộ vấn đề đánh giá cán bộ rất quan trọng do đó phải thực chất và khách quan” – ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Lãnh đạo là người ngoài sẽ công minh, đàng hoàng hơn

Cuối cùng vị chuyên gia này cho rằng: “Để phát huy được chính sách Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì cần thiết phải có cơ chế giám sát quyền lực.

Người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định trong chuyện thành bại nếu gương mẫu thì rất tốt nhưng ngược lại không gương mẫu thì trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tiêu cực phát triển.

Trước đây, tiêu chí quản lý quyền lực của người đứng đầu còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Người đứng đầu tung hoành không ai quản lý nên để xảy ra nhiều tiêu cực, tha hóa lũng đoạn bộ máy.

Do đó, cần xây dựng cơ chế để quản lý quyền lực của người đứng đầu bằng những tiêu chí cụ thể. Có cơ chế quản lý quyền lực tốt sẽ ngăn chặn, phát hiện sớm và răn đe.

Đó là biện pháp để ngăn chặn lộng quyền, vi phạm đối với người đứng đầu địa phương trong thời gian qua”.

Trinh Phúc