LTS: Việc công bằng trong đối xử vốn là một trong những điều cần thiết để giúp nội bộ tổ chức đoàn kết gắn bó.
Trong bài viết này, thầy giáo Thanh An chia sẻ câu chuyện và cảm xúc của các giáo viên về việc hiệu trưởng nhà trường khi có những cách đối xử "bên trọng, bên khinh".
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đã nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, chúng tôi đã chứng kiến nhiều giáo viên chuyển đi, chuyển đến đơn vị, cũng như nhiều thầy cô về hưu sau những tháng năm cống hiến cho ngành giáo dục.
Mỗi một lần như thế, chúng tôi lại có những cảm xúc khác nhau. Có những người về hưu hay chuyển trường được ban giám hiệu tổ chức rầm rộ, lại có những người phải ra đi âm thầm không một lời chào tạm biệt.
Và, tất cả những điều này đều có một mẫu số chung là những người thân thiết của hiệu trưởng thì bao giờ khi ra đi cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo nhà trường.
Ai cũng biết, trong một ngôi trường thì mọi người đều bình đẳng với nhau.
Ảnh minh họa trên Internet, chưa rõ tác giả |
Có thể họ là giáo viên, là nhân viên hay lãnh đạo nhà trường thì cũng đều là những người đã và đang cống hiến, công tác trong ngành giáo dục và có những đóng góp nhất định cho đơn vị trong những tháng năm công tác tại trường.
Sự bình đẳng về quyền lợi cho mọi người là điều mà các ban giám hiệu nhà trường cần hướng tới.
Không phải ai cũng có thể chỉ gắn bó mãi với một đơn vị nên chuyện chuyển đến đơn vị khác là điều rất khó tránh khỏi.
Vì thế, nếu ban giám hiệu tạo được sự quan tâm công bằng với tất cả mọi người thì sẽ tạo cho đơn vị một sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.
Nếu ban giám hiệu tạo sự không công bằng để đối xử với cấp dưới của mình sẽ tạo nên sự chia rẽ và những lời dị nghị là điều tất yếu.
Trong tuần qua, trường chúng tôi tổ chức họp chi bộ nhà trường, trong cuộc họp này, hiệu trưởng – bí thư chi bộ đã thông báo với toàn chi bộ là cô kế toán nhà trường chuẩn bị chuyển sang công tác trường khác theo sự phân công của phòng giáo dục.
Chuyện kế toán nhà trường chuyển sang công tác khác thì cũng là chuyện bình thường bởi đây là đối tượng phải luân chuyển công tác theo hướng dẫn của các văn bản hiện hành.
Tuy nhiên, có một điều khác biệt là hiệu trưởng yêu cầu cô giáo giữ quỹ của chi bộ chuẩn bị một món quà để tặng cho cô kế toán.
Chuyện tặng quà cho một người chuẩn bị chia tay trường kể ra cũng không có gì to tát mà đó là điều mỗi đơn vị trường học nên làm để tạo được tình cảm với người ra đi.
Thế nhưng, có một điều khác biệt là nhiều năm nay, chi bộ trường chúng tôi chưa hề tặng quà cho đảng viên nào khi chuyển trường mà chỉ có công đoàn nhà trường tặng quà thôi.
Vì thế, nhiều ý kiến của giáo viên góp ý và thắc mắc là tại sao trước đây, năm nào cũng có giáo viên, nhân viên là đảng viên chuyển trường thì chi bộ không tặng quà.
Bây giờ kế toán chuyển trường lại tặng quà, làm vậy coi sao được?
Những thắc mắc của giáo viên trong chi bộ nhà trường hoàn toàn có lí và có cơ sở.
Thế nhưng, hiệu trưởng gạt ngang các ý kiến của giáo viên và nói rằng mỗi người mỗi khác.
Cô kế toán đã có 10 năm gắn bó với trường và có nhiều những đóng góp cho đơn vị và quyết định của hiệu trưởng là vẫn tặng quà cho cô kế toán.
Dĩ nhiên là quyền trong tay hiệu trưởng thì hiệu trưởng quyết gì mà chẳng được nhưng rõ ràng qua câu chuyện nhỏ này đã thấy sự bất bình đẳng trong đơn vị mà người gây ra sự việc này lại là người đứng đầu đơn vị.
Ngày bàn giao kế toán nhà trường, hiệu trưởng thông báo đến toàn thể các giáo viên đứng đầu các đoàn thể trong trường tới dự.
Một sự tiễn biệt vô cùng không cần thiết. Bàn giao kế toán thì có gì mà phải huy động gần 20 con người vào chứng kiến.
Trong khi, chỉ cần đại diện nhà trường, chi ủy, công đoàn và thanh tra nhân dân với 2 kế toán mới, cũ và các lãnh đạo liên quan của phòng giáo dục là chuyên viên tổ chức và kế toán của phòng giáo giáo dục là đủ.
Tuy nhiên, có lẽ điều cốt lõi là hiệu trưởng vẫn còn tình cảm đặc biệt với kế toán nên muốn huy động tất cả các giáo viên đứng đầu các đoàn thể vào dự để buổi bàn giao thêm phần…trang trọng.
Sau khi bàn giao xong, hiệu trưởng mời mọi người ở lại dùng bữa tiệc chia tay với kế toán nhà trường nhưng phần đông các giáo viên đều lấy lí do để chối từ.
Sự chối từ của nhiều giáo viên được bắt nguồn từ sự đối xử không công bằng của hiệu trưởng với không biết bao nhiêu thầy cô giáo là đảng viên đã chuyển công tác trước đây.
Cách đây mấy năm, trường chúng tôi có một cô giáo tổ trưởng tổ toán về hưu sau hơn 30 năm công tác với nhà trường.
Thế nhưng, một điều trớ trêu là cô giáo đó lại là vợ của phó hiệu trưởng nhà trường. Trong khi hai vị lãnh đạo nhà trường lại có mối quan hệ không hòa thuận.
Vì thế, có nhiều người trong trường cũng không biết cô về hưu… lúc nào. Chỉ nghe có quyết định đến ngày đó thì nghỉ.
Còn, đối với nhà trường không hề có một lời tiễn biệt, một buổi chia tay với 1 giáo viên đã gắn bó trọn cả một đời cho giáo dục.
Rõ ràng, cách đối xử như vậy là việc “vắt chanh bỏ vỏ”, cạn nghĩa, cạn tình.
Cho dù mối quan hệ giữa hiệu trưởng và phó hiệu trưởng không hòa thuận thì cô giáo kia làm gì có lỗi.
Có lẽ cô giáo về hưu sẽ chạnh lòng và buồn tủi cho thân hẩm hiu của người thầy khi nhận quyết định về hưu mà không nhận được một lời chia tay của đồng nghiệp, đặc biệt là của người đứng đầu đơn vị.
Lãnh đạo nhà trường sa sút, yếu kém, hư hỏng, trì trệ, tiêu cực vì đâu? |
Ngoài 2 câu chuyện chúng tôi kể ở trên, thì trong trường còn vô số những câu chuyện na ná như vậy.
Ai thân thiết với lãnh đạo thì hàng năm, khi xét đảng viên cuối năm, đánh giá công chức, chuẩn giáo viên cuối năm đều được ban giám hiệu khen lấy, khen để nhằm hướng tới việc xếp loại ở các thứ hạng cao.
Ai chống đối, ai ít “quan tâm” đến lãnh đạo thì họ chê ra mặt, họ sẵn sàng vạch lá tìm sâu để tìm ra những khiếm khuyết.
Chuyện góp ý, phê bình nhau là chuyện rất đỗi bình thường nhưng làm không công bằng, làm lộ liễu quá thành ra nó có tác dụng ngược.
Những người được xí xóa cho qua thì chủ quan, kiêu ngạo, người bị góp ý te tua thì chán ngán, buông xuôi.
Vô hình trung, chuyện mất đoàn kết nội bộ, chuyện đối xử không công bằng đều bắt nguồn từ những lãnh đạo không gương mẫu mà ra.
Sự công bằng tuyệt đối e là chưa thể có được đối với mọi người nhưng có lẽ mỗi lãnh đạo nhà trường khi đóng vai trò là những thủ trưởng đơn vị thì điều cốt lõi nhất là phải thực sự công tâm, bình đẳng với mọi người.
Một môi trường đang giáo dục con người về lòng yêu thương, sự công bằng trong cuộc sống mà hiệu trưởng nhà trường lại đối xử chưa nhân văn, chưa khách quan với mọi người thì làm sao có thể hướng tới được một “trường học thân thiện” như những gì mà ngành giáo dục đang phát động?