Ngày 5-6, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: 1120 nhà giáo và viên chức thuộc ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang chưa được chi trả chế độ nâng lương thường xuyên năm 2018.
Văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV) |
Để biết thêm thông tin, ngày 13-6, chúng tôi đã liên hệ với ông Huỳnh Văn Thêm, Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Vĩnh Thuận để tìm hiểu nhưng ông Thêm cho biết: “Ủy ban không cho phép thông tin về vấn đề này”.
Cùng ngày, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận nhưng ông này không tiếp nhận cuộc gọi.
Ngày 14-6-2019, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã ban hành văn bản số 81/UBND thông tin với báo chí về việc xử lý vấn đề “nợ chế độ” của 1.120 nhà giáo và viên chức ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận.
Theo đó, văn bản số 81/UBND ngày 14-6 của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận nêu:
“Ủy ban nhân dân huyện đang chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp làm rõ việc chậm chi trả tiền nâng lương cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các điểm trường thuộc trách nhiệm của cơ quan nào.
Khi có báo cáo chính thức của 02 cơ quan, Ủy ban nhân dân huyện sẽ trả lời báo chí rõ”.
1.120 nhà giáo ở Kiên Giang mòn mỏi chờ tiền nâng lương từ năm 2018 |
Như vậy, thông qua nội dung trả lời báo chí của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận, 1.120 nhà giáo đang bị ngâm chế độ truy cấp nâng lương cứ “ yên tâm” chờ đợi để 02 cơ quan nói trên xác định trách nhiệm thuộc về ai.
Và, điều đáng nói trong câu chuyện này là đó là:
Trước khi có sự can thiệp của cơ quan truyền thông, chính quyền huyện Vĩnh Thuận không hề hay biết và xem xét xử lý chuyện “nợ chế độ” bởi lý do… tất cả những đối tượng “bị nợ chế độ” đã cùng nhau …im lặng chờ đợi.
Chỉ đến khi một vị hiệu trưởng của huyện này bức xúc phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền và báo chí vào cuộc thì mới có động thái chỉ đạo làm rõ vấn đề nói trên của Ủy ban Nhân dân huyện.
Tuy nhiên, động thái khởi động đối với vụ việc này của chính quyền cũng chỉ gói gọn trong những từ ngữ vô cảm: “chờ báo cáo” chính thức của 02 cơ quan là Phòng Tài chính-Kế hoạch và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.
Và, người lao động sẽ phải tiếp tục chờ ngày được nhận thông tin về chế độ chính đáng của mình… đến khi được Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận cung cấp cho báo chí.
Những con số biết nói và câu hỏi: có hay không về việc “ Báo cáo một đàng, thực tế sàng một nẻo”?
Theo báo cáo tài chính của ngành giáo dục Vĩnh Thuận, năm 2018, tổng chi sự nghiệp giáo dục là: 148.014.378.094 đồng.
Trong đó: Chi thanh toán cá nhân (Tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương) là : 120.567.416.537 đồng.
Chi hoạt động giảng dạy và học tập là: 27.446.961.557 đồng.
Như vậy, tỷ lệ % phân bổ chi thanh toán cá nhân là : 81,45 % ; tỷ lệ % phân bổ chi hoạt động giảng dạy và học tập là 18,54%.
Theo Nghị quyết số 52/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang, quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2017 và giai đoạn ổn định ngân sách 2017 – 2020, như sau [1].
“ Định mức phân bổ theo quỹ tiền lương và chi công việc:
Ai bao che cho bà Ngọc Hạnh nợ tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo phòng giáo dục? |
Định mức phân bổ dự toán chi lĩnh vực giáo dục theo cơ cấu: Tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương là 82%, chi cho hoạt động giảng dạy và học tập là 18%.
Định mức nêu trên đảm bảo chi cho toàn bộ hoạt động thường xuyên, nghiệp vụ chuyên môn, hợp đồng các chức danh theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ, mua sắm dụng cụ dạy học, sửa chữa thường xuyên, kinh phí khen thưởng,…
Trên cơ sở định mức phân bổ cho ngành nêu trên, giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào điều kiện cụ thể xây dựng phương án phân bổ cho từng đơn vị trực thuộc, bảo đảm phù hợp với thực tế, khả năng nguồn kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ và làm cơ sở để xác định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho từng đơn vị.”
Đối chiếu Nghị quyết số 52/2016, việc phân bổ như số liệu báo cáo nói trên là đúng quy định, vậy tại sao lại có chuyện “nợ chế độ” để rồi phòng nọ đổ vấy phòng kia và sự gánh vác được chất chồng lên vai người lao động?
Từ chất vấn của báo chí về vụ việc có 1120 nhà giáo và viên chức ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận chưa được chi trả chế độ nâng lương thường xuyên năm 2018.
Ngày 10-5, ngành tài chính-kế hoạch phối hợp ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã có động thái mời 33 đơn vị trường học của huyện này thực hiện đối chiếu số liệu nguồn kinh phí phân bổ chi cho thanh toán cá nhân năm 2018.
Sau đối chiếu đã có sự phát hiện hy hữu: nguồn kinh phí phân bổ chi cho thanh toán cá nhân năm 2018 “còn thừa” ở 33 đơn vị trường học lên tới 5.055.821.009 đồng.
Mặc dù đối chiếu đã phát hiện ra sự hy hữu: ngành giáo dục được phân bổ “thừa tiền ” nhưng có tới 1120 người lao động không được chi trả chế độ kịp thời, chế độ này vẫn đang trong diện “nợ khó đòi ” và nguồn kinh phí 5.055.821.009 đồng hiện tại đi về đâu thì vẫn đang trong vòng bí mật (!)
Với cách làm để cho công luận phải ngồi đó chờ tin tức từ ngành giáo dục và ngành tài chính của huyện Vĩnh Thuận đang tạo ra sự “hài hước khó gây cười” cho công luận cần nhanh chóng được chấm dứt.
Vấn đề trả nợ chế độ cho người lao động là cấp bách nhưng nguồn kinh phí 5.055.821.009 đồng đã được Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Vĩnh Thuận phù phép, biến hóa bằng cách phân bổ chi thanh toán cá nhân cho các đơn vị trường học, sau đó biến mất bí ẩn rất cần được các cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc làm rõ một cách cấp bách hơn.
Tài liệu tham khảo:
http://vbpl.vn/kiengiang/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=121073{1}