Năm học 2019-2020, lần đầu tiên học sinh cả nước phải nghỉ học từ 5 đến 7 tuần (tùy từng địa phương) khi bất ngờ có dịch Covid-19 bùng phát.
Dù học sinh nghỉ ở nhà, nhiều trường vẫn tổ chức việc giao bài cho các em vào Zalo, Facebook Messenger, email…
Nhiều địa phương thiếu giáo viên nên thầy cô dạy tăng tiết khá nhiều (Ảnh minh hoạ: Baophuyen.com.vn) |
Ngày các em trở lại trường, giáo viên vẫn nỗ lực vừa dạy kiến thức, vừa ôn tập cho học sinh để hoàn thành năm học. Tuy thế, khi tính tiền dạy tăng tiết cho những trường học thiếu giáo viên mới xảy ra tình trạng khiếu nại dai dẳng vì quyền lợi của nhiều nhà giáo không được đảm bảo.
Định mức tiết dạy của giáo viên một năm học bình thường
Năm học bình thường, giáo viên các cấp phải dạy đủ 35 tuần. Số tiết một năm sẽ bằng số tiết tiêu chuẩn trong tuần nhân với 35 tuần quy định. Cụ thể:
Giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần x 35 tuần=805 tiết; Giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần x 35 tuần=665 tiết; Giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần x 35 tuần=595 tiết.
Ngoài ra, nếu giáo viên kiêm nhiệm các chức danh như chủ nhiệm giảm từ 3 đến 4 tiết/tuần, tổ trưởng chuyên môn giảm 3 tiết/tuần, chủ tịch công đoàn 4 tiết, tổng phụ trách đội (tùy theo trường miễn hẳn hoặc giảm 1/2), thư ký hội đồng giảm 2 tiết…
Tuy nhiên, năm dịch bệnh có địa phương đã phải rút ngắn thời gian thực dạy trên trường nên không còn 35 tuần mà số tuần co lại nhiều hay ít phụ thuộc vào dịch bệnh nơi ấy có kéo dài hay không.
Nhiều trường học thừa thiếu giáo viên cục bộ
Nếu trường đủ giáo viên sẽ không có vấn đề gì về việc tính tiền phụ trội. Nhưng nhiều tỉnh thành phía Nam vẫn có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Cụ thể, có môn học thừa giáo viên, có môn học lại thiếu giáo viên trầm trọng.
Điều này đã dẫn đến tình trạng, có thầy cô giáo dạy chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Có giáo viên mỗi tuần chỉ lên lớp chưa tới 10 tiết hoặc nhiều hơn cũng chỉ hơn 10 tiết trong khi quy định 17 đến 23 tiết (tùy cấp học).
Thời gian dôi dư cũng chỉ làm một số việc sai vặt khi hiệu trưởng cần còn phần đông là “vừa dạy vừa chơi” theo cách nói của nhiều thầy cô.
Với những địa phương, những trường học hiện thiếu giáo viên nên nhiều thầy cô giáo trong trường ngoài việc dạy đủ tiêu chuẩn quy định của mình, còn kiêm luôn các tiết dạy của giáo viên bị thiếu. Số tiết dạy vượt quy định hàng chục tiết mỗi tuần, một năm học có khi vượt hơn 200 tiết.
Đâu chỉ đơn thuần lên lớp dạy, dạy càng nhiều thì soạn bài càng lắm, rồi chấm bài, lên lịch báo giảng, cộng điểm, ghi phiếu liên lạc, làm học bạ…
Từ đầu tuần đến cuối tuần chỉ miệt mài lên lớp, ngày nghỉ lại chuẩn bị giáo án, hồ sơ cho những tiết dạy tuần kế tiếp.
Trong khi một số giáo viên dạy bở hơi tai vì môn mình thiếu người thì trong trường vẫn có những thầy cô giáo thong dong dạy còn chưa đủ tiết. Cuối năm thì hòa cả làng, người dạy thiếu tiết hoặc đủ tiết cũng bằng người dạy vượt tiết.
Việc cào bằng, ai cũng như ai, người làm nhiều gánh cho người làm ít đã tạo ra sự bất công ngay trong môi trường giáo dục, khiến cho không ít nhà giáo bất mãn và muốn buông xuôi.
Nhiều tỉnh thành dựa vào quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông để tính tiền tăng tiết.
Nguyên nhân được các địa phương này chỉ ra rằng, Bộ Giáo dục vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể số tuần thực dạy của giáo viên trong năm có dịch bệnh.
Do dịch bệnh nên có địa phương chỉ tổ chức dạy 28 tuần, địa phương dạy 30 tuần hoặc 32 tuần. Nếu so với năm bình thường, có trường sẽ thiếu đến 7 tuần thực học ở trường.
Vì lẽ đó, khi tính tiền tăng tiết cho những trường thiếu giáo viên, các trường học vẫn phải áp dụng Thông tư 28/2009 TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017 TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT (có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2017) quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông như cũ:
Thời gian làm việc của giáo viên trong năm học là 42 tuần, trong đó: 35 tuần (trung học 37 tuần) dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.
Nhà trường cứ lấy quy định 35 tuần dạy của năm học làm mốc để tính. Ví như năm học 2019-2020, các trường học tại Bình Thuận chỉ dạy 28 tuần ở trường (An Giang dạy 30 tuần) thì nhiều giáo viên sẽ thiếu tiết dạy theo quy định.
Cụ thể, mỗi giáo viên tiểu học sẽ thiếu 7 tuần x 23 tiết/tuần, giáo viên trung học 7 tuần x19 tiết/tuần thiếu 133 tiết.
Tiếp tục lấy tổng số tiết dạy vượt trội của giáo viên trong năm bù cho tổng số tiết giáo viên toàn trường còn thiếu do 7 tuần học sinh nghỉ học vì Covid ở nhà.
Dẫn đến người dạy nhiều phải bù cho người dạy ít và cuối cùng không ai có tiền tăng tiết.
Việc căn cứ vào quy định của năm bình thường tính cho năm dịch bệnh và chia đều cho toàn giáo viên trong trường dẫn đến những giáo viên đã làm thêm việc không được chi trả những tiết dạy phụ trội mà giáo viên đó đã gánh vì thiếu giáo viên.
Bức xúc vì bao công sức bỏ ra không được ghi nhận, những lá đơn kiến nghị được gửi về trường, về phòng, về ủy ban, lên sở giáo dục, ra cả Cục Nhà giáo dai dẳng cả năm trời.
Biết bao cuộc họp hội đồng, họp liên tịch, họp đại diện với phòng, sở diễn ra… nhưng vẫn không được giải quyết thấu đáo. Nhiều nhà giáo mệt mỏi, bất mãn không muốn dạy tăng tiết nhưng trường học thiếu giáo viên, dù không muốn thì thầy cô vẫn phải dạy tăng.
Niềm mong mỏi của nhiều nhà giáo (ở những địa phương thiếu giáo viên) lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những hướng dẫn cụ thể về cách tính số tuần thực học của năm dịch bệnh để các địa phương thiếu giáo viên lấy làm căn cứ tính tiền phụ trội cho nhà giáo đã dạy tăng giờ (giống như công nhân làm tăng ca) trong năm học.
Không thể lấy lý do vì dịch bệnh, được nhận lương đã là hạnh phúc để đưa ra cách tính cào bằng, tạo ra sự bất công ngay trong môi trường giáo dục để người dạy nhiều phải gánh cho người dạy ít. Khi quyền lợi cá nhân được đảm bảo thì năng suất lao động, lòng nhiệt huyết của người thầy cũng mới được phát huy.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.