Ở tuổi 87, Phó Giáo sư Hoàng Nhâm chia sẻ, “tài sản” quý giá có được sau 42 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy bộ môn Hóa học Vô cơ tại Trường Đại học Tổng hợp là những cuốn sách phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu bộ môn này.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, mọi thứ còn rất khó khăn, thầy Hoàng Nhâm và nhiều cán bộ được cử đi học tập tại khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc).
Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát vọng được cống hiến, thầy Hoàng Nhâm và các thầy cô khác đã vượt qua nhiều khó khăn, bắt đầu gần như từ con số 0 để đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng bộ môn Hóa học Vô cơ tại Trường Đại học Tổng hợp.
Thầy Hoàng Nhâm chia sẻ về những ngày khó khăn để xây dựng bộ môn Hóa học Vô cơ. Ảnh: Đỗ Thơm |
Trong quãng thời gian 42 năm gắn bó với ngôi trường đại học này, thầy Hoàng Nhâm đã có 28 năm làm Trưởng Bộ môn Hóa học Vô cơ của khoa Hóa.
"Tài sản" mà ông dành nhiều tâm huyết là 9 cuốn sách Hóa học Vô cơ. Bao gồm 1/ Hóa học Vô cơ cơ bản – Tập một - Lý thuyết đại cương về hóa học; 2/ Hóa học Vô cơ cơ bản – Tập hai - Các nguyên tố hóa học điển hình; 3/ Hóa học Vô cơ cơ bản – Tập ba - Các nguyên tố chuyển tiếp; 4/ Hóa học Vô cơ nâng cao – Tập một - Lý thuyết đại cương về hóa học; 5/ Hóa học Vô cơ nâng cao – Tập hai - Các nguyên tố hóa học tiêu biểu; 6/ Hóa học Vô cơ nâng cao – Tập ba - Các nguyên tố chuyển tiếp; 7/ Bài tập Hóa học Vô cơ – Quyển I: Lý thuyết đại cương về hóa học (câu hỏi và bài tính) (Hoàng Nhâm – Hoàng Nhuận); 8/ Bài tập Hóa học Vô cơ – Quyển II: Lý thuyết đại cương về hóa học ( trả lời câu hỏi và bái tính) (Hoàng Nhâm – Hoàng Nhuận); 9/ Bài tập Hóa học Vô cơ – Quyển III: Hóa học các nguyên tố (Hoàng Nhâm – Hoàng Nhuận).
Thầy Nhâm cũng là người tham gia viết phần Hóa Vô cơ trong sách giáo khoa phân ban thí điểm Ban Tự nhiên.
Để có bộ 9 cuốn sách dày dặn, kỳ công, với kiến thức Hóa học Vô cơ từ lý thuyết cơ bản đến nâng cao và các dạng bài tập, đó là cả quá trình tự đọc, tự tìm hiểu, từ rất nhiều kiến thức tài liệu nước ngoài và kinh nghiệm kiến thức giảng dạy thực tế của thầy Hoàng Nhâm.
Thầy Hoàng Nhâm chia sẻ: “Giáo trình Hóa học Vô cơ đã được viết và giảng dạy từ những năm 50 của thế kỷ trước cho sinh viên khoa Hóa học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mới đầu giáo trình được in ronêo để cho sinh viên trong trường học tập. Đến năm 1975, hai cuốn Hóa học Vô cơ tập một và tập hai được in tipo do Nhà Xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp phát hành.
Bản thảo sách của lần xuất bản đầu tiên này được Giáo sư Hoàng Ngọc Cang ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đọc và góp ý.
Học tập kinh nghiệp một số nước tiên tiến trên thế giới về khoa học và giáo dục, tôi viết bổ sung thêm vào bộ sách Hóa học Vô cơ nhiều kiến thức hiện đại về hóa học lý thuyết cần thiết cho môn học và nhiều kiến thức hiện đại về hóa học ứng dụng.
Những kiến thức ấy xây dựng một hành trang khá vững chắc và toàn diện về Hóa học Vô cơ cho học sinh các trường năng khiếu, sinh viên các trường cao đẳng và đại học, nghiên cứu sinh, thầy giáo trẻ và nhà nghiên cứu trẻ quan tâm nhiều đến hóa học.
Những cuốn sách được tái bản nhiều lần được thầy Hoàng Nhâm coi là tài sản tâm huyết sau nhiều năm gắn bó với ngành Hóa học Vô cơ. Ảnh: Đỗ Thơm |
Không chỉ viết sách, thầy Hoàng Nhâm còn tham gia các lớp giảng dạy cho học sinh các trường chuyên. Thầy Nhâm chia sẻ, qua các buổi trò chuyện và giảng cho các em, thầy nhận thấy cách dạy hóa thường theo kiểu giáo viên áp đặt mà không giải thích để các em hiểu.
“Chính cách dạy đó khiến các em sợ Hóa Vô cơ. Vì thế, tôi mày mò tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi viết sách. Từ đó viết 3 cuốn lý thuyết cơ bản, 3 cuốn nâng cao, 3 cuốn bài tập.
Nếu 3 cuốn lý thuyết chỉ có tổng số khoảng 800 trang thì 3 cuối bài tập lên đến 1.500 trang.
Học hóa Vô cơ không phải là học thuộc mà là vận dụng lý thuyết hóa đại cương để giải thích hóa vô cơ. Trước giờ, nhiều người dạy hóa vô cơ thường theo kiểu học thuộc, không giải thích vì sao nó lại thế nên khiến nhiều em sợ”, thầy Nhâm tâm sự.
Dù đã có bộ sách 9 cuốn, thầy Hoàng Nhâm vẫn đang ấp ủ tiếp tục xuất bản cuốn thứ 10 về các chuyên đề hẹp trong Hóa học Vô cơ.
Có lẽ, chính niềm đam mê không mệt mỏi để truyền thụ, lan tỏa các kiến thức khiến vị nhà giáo khả kính này dù ở tuổi 87 vẫn miệt mài với các kế hoạch viết và xuất bản thêm các cuốn sách về Hóa học Vô cơ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói gì về Phó Giáo sư Hoàng Nhâm? Nói về Phó Giáo sư Hoàng Nhâm, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: Anh Nhâm hơn tôi 6 tuổi nhưng cùng tốt nghiệp với tôi vào năm 1956 và cùng được giữ lại trường Đại học Tổng hợp để giảng dạy từ khóa I. Giờ đây có thể nói anh là chuyên gia đầu ngành Hoá học vô cơ ở nước ta. Là con em xứ Nghệ, anh giữ được bản tính chăm chỉ và giản dị trong đời sống và vì vậy được sinh viên các khoá vô cùng quý mến, bạn bè đồng nghiệp ai cũng nể trọng. Anh khiêm tốn, ít nói, nên cũng ít người biết đến những thành tích thầm lặng nhưng rất đáng tự hào của anh. Anh đã hướng dẫn nhiều thạc sĩ và tiến sĩ, viết, biên soạn nhiều cuốn sách về bộ môn Hóa học Vô cơ. Về nghiên cứu khoa học anh có 11 công trình được báo cáo trong các Hội thảo Khoa học và 36 bài báo được đăng trên các Tạp chí và Thông báo khoa học chính thức trong và ngoài nước. Anh đã nhiều năm xây dựng Bộ môn Hoá Vô cơ cho đến khi nghỉ hưu và tiếp túc làm chỗ dựa tin cậy cho các cán bộ trẻ trong Bộ môn cũng như nhiều cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan nghiên cứu và sản xuất liên quan đến Hoá học Vô cơ. Một thầy giáo khiêm tốn, giản dị đã dành hết tâm trí của mình xây dựng ngành Hoá học vô cơ ở đất nước ta. Vậy mà tôi thật sự ngạc nhiên khi ở phần Khen thưởng chỉ thấy anh ghi vẻn vẹn có một Bằng khen của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (!). Đã đến lúc các cán bộ quản lý không cần đợi ai đề nghị mà cần theo dõi các nhà khoa học thuộc mình quản lý để kịp thời xét khen thưởng một cách thích đáng. Một danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, một Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ theo tôi cần được Nhà nước trao tặng cho sự cống hiến lớn lao qua nhiều thập kỷ của nhà giáo khả kính này. |