Theo Công văn 68/BGDĐT-GDTrH năm 2023, trong trường hợp đặc biệt, học sinh trung học phổ thông có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì vẫn có thể thực hiện chuyển.
Giáo viên có bắt buộc phải bổ sung kiến thức cho học sinh chuyển đổi môn học lựa chọn?
Việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng trường trung học phổ thông sẽ xem xét và quyết định vấn đề này.
Giáo viên một số tỉnh, thành trên cả nước chia sẻ với người viết rằng, sau khi kết thúc năm học lớp 10, hầu hết các nhà trường trung học phổ thông đều có học sinh xin chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập.
Theo các thầy, cô giáo, học sinh xin chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đó là, đa số học sinh lớp 9 đều học lệch để thi tuyển sinh vào 10, cho nên các em thiếu sự cân nhắc trong việc lựa chọn môn học cụm chuyên đề. Cụ thể, học sinh chủ yếu luyện thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nên các em bỏ bê các môn còn lại.
Cùng với đó, định hướng nghề nghiệp của học sinh thay đổi sau một năm học cũng là nguyên nhân khiến các em thay đổi môn học. Ví dụ, không ít học sinh chuyển đổi từ tổ hợp khoa học tự nhiên sang xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh bị tác động bởi bạn bè, gia đình, người thân trong việc chọn môn, vì vậy trong quá trình học các em không theo kịp chương trình. Vẫn có trường hợp học sinh chưa hiểu môn học mới ở bậc trung học phổ thông - ví dụ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, nên phải chọn lại.
Ngoài ra, một ít học sinh xin chuyển sang trường khác. Lại có các học sinh từ trường khác xin chuyển về. Thế nhưng, học sinh chuyển đi hay chuyển đến đều không thể thực hiện được nguyện vọng của mình nên phải thay đổi môn học.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai hoàn tất được 2 năm đối với bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn còn tranh cãi các nhà trường có phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khi học sinh chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề hay không?
Một luồng ý kiến cho rằng, khi học sinh có đơn xin chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề, nếu được hiệu trưởng phê duyệt thì giáo viên phải có nhiệm vụ dạy bồi dưỡng. Một luồng ý kiến khác nêu quan điểm, giáo viên có thể không dạy học sinh vì đây là thời gian hè, họ có quyền được nghỉ.
Cần biết rằng, tại Mục 2, Mục 3 Công văn 68/BGDĐT-GDTrH năm 2023 có quy định:
Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Chiếu theo quy định này thì nhà trường sẽ không tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho học sinh chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề. Học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó.
Tuy nhiên, nhà trường phải có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới.
Theo ghi nhận của người viết, vì quyền lợi chính đáng và tình yêu thương học sinh, nhiều giáo viên đều nhận lời dạy bồi dưỡng kiến thức cho những em chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề.
Được biết, nhiều trường có thoả thuận mức học phí với phụ huynh để trả thù lao cho giáo viên. Tuy vậy, học phí cũng không đáng bao nhiêu, giáo viên chủ yếu giúp đỡ học sinh là chính. Một số trường ở Thành phố Hồ Chí Minh trả thù lao cho giáo viên chỉ 60.000 đồng/tiết.
Việc xây dựng các tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn đối với học sinh lớp 10 được quy định như thế nào?
Tại tiểu mục 2 Mục II Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH năm 2022 quy định, đối với học sinh lớp 10, mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 05 môn học được chọn từ 03 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình;
Đối với các lớp chưa thực hiện dạy môn Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếp tục thực hiện môn Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Đối với môn học tự chọn, khuyến khích các cơ sở giáo dục trung học triển khai dạy học các môn tự chọn khi nhà trường có điều kiện.
Về lí thuyết, nếu trường nào đủ 9 môn lựa chọn thì có 126 tổ hợp, còn trường nào không có môn Âm nhạc và Mỹ thuật thì có 35 tổ hợp.
Người viết được biết, các trường thường căn cứ vào đội ngũ giáo viên hiện có để hướng học sinh đăng ký gói gọn từ 4 đến 6 tổ hợp.
Vì học sinh chủ yếu được lựa chọn từ 4 đến 6 tổ hợp nên không thể nào thoả mãn được nhu cầu chọn tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập.
Trong khi đó, hiện tại các trường đại học ngoài tuyển sinh theo học bạ, kỳ thi năng lực, chứng chỉ tiếng Anh... vẫn tuyển sinh theo các khối quen thuộc.
Ví dụ, khối A gồm có A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), A02 (Toán, Vật lý, Sinh học), A03 (Toán, Vật lý, Lịch sử), A04 (Toán, Vật lý, Địa lý), A05 (Toán, Hóa học, Lịch sử), A06 (Toán, Hóa học, Địa lý), A07 (Toán, Lịch sử, Địa lý).
Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu và dựa trên một số tổ hợp nhà trường đưa ra, học sinh cần chọn môn dựa trên sở thích, năng lực và nghề nghiệp sau này. Điều này rất cần sự tư vấn kĩ lưỡng của giáo viên bậc trung học phổ thông trước khi học sinh bước vào năm học mới lớp 10.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.