Nơm nớp nguy cơ xảy ra tai nạn
Theo nội quy, Trường Tiểu học Dịch Vọng B chỉ mở cửa cho học sinh vào từ 7 giờ 15 phút.
Tuy nhiên trước đó (từ 6 giờ 30 đến 7 giờ) đã có rất nhiều phụ huynh đưa con đến cổng trường.
Thời điểm này, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh, gây ra tình trạng ùn tắc trước cổng trường.
Thêm vào đó, phụ huynh đưa con đi học sớm đỗ xe trên vỉa hè lại càng khiến cho tình trạng ùn tắc kéo dài hơn.
Đảm bảo an toàn giao thông dịp lễ 2/9 và khai giảng năm học mới |
Trường Dịch Vọng B nằm trong khu vực thường xuyên tắc nghẽn giao thông nhất là đầu buổi học cũng như khi tan học.
Khu vực này cũng tập trung nhiều trường học.
Trường Tiểu học Dịch Vọng B đối diện Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng vì thế số lượng học sinh, phụ huynh , phương tiện giao thông trong những giờ cao điểm tăng cao.
Đối với những phụ huynh đến sớm không còn cách nào khác phải cùng con đứng chờ đến khi nhà trường mở cổng cho vào.
Một số trẻ phụ huynh đưa đến trường phải tự băng qua đường rất nguy hiểm.
Chị Vũ Thị Hằng, nhà ở đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) chia sẻ: “Trong thời gian cao điểm từ 7 giờ 15 sáng hay 17h chiều, đây là thời gian phụ huynh đưa đón con đi học.
Tại cổng trường Dịch Vọng B cả một đoạn dài gần 200m vốn đã đông người qua lại càng ùn tắc hơn bởi sự hiện diện của phần lớn phụ huynh.
Nhiều hôm tôi đành phải gửi xe máy cách trường 100m để đi bộ mới kịp đưa con vào học”.
Trước cổng trường Tiểu học Dịch Vọng B thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm (Ảnh:V.N) |
Tổng số học sinh của Trường Tiểu học Dịch Vọng B và trường Trung học cơ sở Dịch Vọng có khoảng 4.000 em.
Nếu như học sinh Trung học cơ sở phần lớn có thể tự đến trường thì gần 2.000 học sinh tiểu học bắt buộc phải có phụ huynh đưa đón.
Chính vì thế chỉ tính sơ bộ trong thời gian cao điểm đã có khoảng 5.000 – 6.000 phụ huynh và học sinh tham gia giao thông.
Chưa kể đến các phương tiện giao thông cá nhân của người dân. Vì thế nguy cơ xảy ra va chạm giao thông luôn tiềm ẩn.
Một số em do bố mẹ có việc bận không thể đứng đợi đến khi trường cho vào học nên hay băng qua đường có khu vui chơi.
Điều này vô cùng nguy hiểm với một cung đường nhiều phương tiện giao thông như vậy.
Phụ huynh đưa con đi học để xe trên vỉa hè khiến khu vực xung quanh cổng trường càng chật hẹp hơn (Ảnh:V.N) |
Anh Nguyễn Văn Bình, phụ huynh, phản ánh: “Theo nội quy đúng 7 giờ 15 phút sáng nhà trường mới cho học sinh vào lớp. Nhưng một số phụ huynh chẳng hạn như tôi phải đưa con đến sớm để còn kịp giờ đi làm.
Cho nên sáng nào cũng khoảng 7 giờ tôi đưa cháu đến trường. Nhưng để con lại thì không yên tâm mà đợi đến 7 giờ 15 phút thì không kịp giờ làm.
Bên cạnh đó tình trạng giao thông ở đây như mọi người cũng thấy rất đông đúc, nguy hiểm cho các cháu nếu không có người lớn kèm cặp.
Tôi cũng mong nhà trường có những biện pháp phối hợp với chính quyền sở tại tiến hành phân luồng, đảm bảo hành lang an toàn giao thông.
Bên cạnh đó tôi cũng mong nhà trường tạo điều kiện cho phụ huynh gửi cháu trong trường nếu chẳng may chúng tôi phải đưa con đi học sớm. Chứ để các cháu ở ngoài không yên tâm một chút nào”.
Quận Cầu giấy là một trong những Quận có mật độ dân số cao, tập trung nhiều trường học. Cho nên, các ngôi trường ở đây thường xuyên gặp phải tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
Học sinh đến trường sớm hơn nội quy phải chờ ngoài đường (Ảnh:V.N) |
Tại trường Tiểu học Nghĩa Đô, theo quy định 7 giờ sáng mới mở cửa cho học sinh vào học.
Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ 6 giờ 45 phút đến 7 giờ có nhiều phụ huynh đưa con đến trường để đi làm.
Số học sinh này không được vào trường phải chạy sang khu vui chơi đối diện. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, toát mồ hôi hột khi nhìn các cháu chạy qua đường.
Anh Nguyễn Minh Chiểu, phụ huynh trường tiểu học Nghĩa Đô bức xúc:
“Nhà trường đúng 7 giờ sáng mới mở cửa. Trong khi đó phụ huynh cũng có nhiều người phải đưa con đến trường sớm hơn để kịp giờ đi làm.
Nhưng bảo vệ nhất quyết không cho vào. Chúng tôi để con ở đây thì không yên tâm. Mấy hôm rồi tôi thấy các cháu chạy qua đường rất nguy hiểm.
Nhiều cháu suýt nữa thì bị xe đụng vào. Vì thế tôi mong nhà trường linh động cho phụ huynh cũng như đảm bảo an toàn giao thông cho các cháu”.
Bên cạnh tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, trước cổng nhiều trường học, hàng quán bày bán tràn lan, lấn chiếm vỉa hè khiến cho tình trạng ùn tắc lại càng nghiêm trọng hơn.
Trước thực trạng đó các trường và chính quyền sở tại cần phối hợp và có những biện pháp đẩy mạnh việc xây dựng cổng trường an toàn.
Xây dựng cổng trường an toàn, đón trẻ đến lớp
Để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường cần sự chung tay của cả xã hội. Nhà trường, phụ huynh, chính quyền sở tại và các Hội Đoàn cần có sự thống nhất, hợp tác và vào cuộc mạnh mẽ.
Hiện nay, theo ghi nhận tại nhiều cổng trường ở Hà Nội trong thời gian cao điểm đã xuất hiện đội ngũ đoàn viên, cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực, bảo vệ trường …phân luồng giao thông.
Phú Thọ tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho năm học mới |
Khu vực trước cổng trường Tiểu học Dịch Vọng B cũng có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng vào những giờ cao điểm.
Bên cạnh đó nhà trường cũng nên dành một khoảng không gian để phụ huynh có thể đừng chờ đón con vào các buổi tan học.
Một số phụ huynh mong mỏi: Từ nhu cầu thực tiễn mong các trường linh động hơn về phần nội quy thời gian đưa vào đón.
Lấy ví dụ, phụ huynh tại trường Tiểu học Nghĩa Đô mong mỏi nhà trường cho các cháu học sinh đến sớm có thể được vào khuôn viên trường lớp để đảm bảo an toàn thay vì để các cháu ngoài đường và nhất quyết 7 giờ mới cho vào.
Bên cạnh đó các trường nên tổ chức những buổi học ngoại khóa dạy kỹ năng mềm và những hiểu biết chung về an toàn giao thông để trẻ có thể hiểu và xử lý trong một vài tính huống.
Cùng với đó chính quyền địa phương cần phải dẹp bỏ những hàng quán lấn chiếm vỉa hè để trả lại không gian xung quanh trường thoáng, rộng.
Các trường tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung có thể học tập kinh nghiệm của Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An (thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) trong việc xây dựng cổng trường an toàn.
Học sinh trường tiểu học Nghĩa Đô phải đứng chờ ở ngoài nếu như đến sớm hơn 7 giờ sáng (Ảnh:V.N) |
Trong năm học này, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục áp dụng các giải pháp hiệu quả về việc phân bố thời gian tan học của các lớp, các khối.
Thời gian tan học của các lớp bán trú, lớp thường, lớp tạo nguồn được bố trí khác nhau để tạo sự thuận lợi cho phụ huynh khi đưa đón học sinh.
Năm học mới này, giáo viên nhà trường tiếp tục phối hợp với lực lượng dân quân địa phương, lực lượng bảo vệ tổ chức phân luồng lối ra cho học sinh đến các cổng khác nhau vào giờ cao điểm để giảm áp lực giao thông.
Tại trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Ngô Thời Nhiệm có sự tham gia nhiệt tình của chi đoàn thanh niên và đội bảo vệ.
Từ năm học 2014-2015, Ban Chấp hành Đoàn trường đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường và thống nhất xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.
Nhiều phụ huynh mong các trường linh động cho các con vào lớp nếu như có đến sớm vì để trẻ ngoài đường rất nguy hiểm (Ảnh:V.N) |
Chi đoàn giáo viên cùng với học sinh khối 10- khối 12 thành lập đội trực ban an toàn giao thông để làm nhiệm vụ hướng dẫn và tuyên truyền giao thông ở khu vực cổng trường vào giờ cao điểm.
Nhà trường cho rằng việc ý thức tham gia giao thông không phải chỉ là trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh mà các em học sinh phải là những người có ý thức, trách nhiệm đầu tiên với sự an toàn của mình.
Hy vọng trong thời gian tới đây các trường học tại Hà Nội sẽ đảm bảo xây dựng cổng trường an toàn, đón học sinh đến lớp.