TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, để đảm bảo đúng tiến độ ôn tập, hiện nhà trường đã cho học sinh ôn theo môn tự chọn, ngoài hai môn bắt buộc là Văn và Toán. Việc ôn tập các môn tự chọn này sẽ học theo lớp riêng.
Không như mọi năm học sinh được ôn chung một môn thì năm nay sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của thí sinh. Ngoài hai môn Văn và Toán những môn tự chọn thí sinh sẽ phải tự tìm lớp nếu trường không bố trí, điều này đang gây khó khăn cho các trường. Lãnh đạo trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho biết, vấn đề này là khó vì như vậy sẽ có những lớp ít học sinh. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho học sinh thì nhà trường vẫn phải bố trí giáo viên ôn tập cho các lớp đó. Mặc dù như vậy trường sẽ bị đội kinh phí lên, và trường phải tự lo.
Sẽ thi tốt nghiệp THPT trong 5 buổi? Ảnh minh họa |
Nhiều người cho rằng việc phân bố kế hoạch ôn tập không đáng lo ngại đối với trường công lập. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chính, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Đông, Hà Nội), cho rằng các phương án ôn tập hiện trường vẫn phải chờ ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xem hướng như thế nào.
Dựa trên sự chỉ đạo của Sở trước đó, ông Chính cho biết sẽ tổ chức ôn tập làm sao cho học sinh được ôn tốt nhất. Hiệu trưởng nhà trường cũng bày tỏ, cho dù nếu hướng dẫn của Sở tổ chức chung lớp cho học sinh ôn tập các môn tự chọn thì nhà trường vẫn phải tách riêng lớp cho học sinh ôn tập.
Trong khi đó, ông Nghiêm Quý Bình, hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, mặc dù vẫn dạy đúng chương trình nhưng do chưa có phòng nên trường chưa tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh được.
Tương tự, mỗi lớp có thể chỉ có vài học sinh ôn Sử trong nhưng giáo viên vẫn phải lên lớp để ôn cho nhóm ít học sinh ôn Sử này, còn lại nhiều học sinh khác sẽ không học vì không phải là môn lựa chọn thi. “Nếu tổ chức ôn thi như vậy năm nay tôi sợ là trượt hết” ông Bình nói.
“Trách nhiệm với học sinh thì trường vẫn phải lo, nhưng khổ cho trường lắm” ông Bình than thở. Cách tốt nhất theo lãnh đạo trường THPT Đông Anh, trường sẽ vẫn chia học sinh ôn tập theo nhóm.
Lãnh đạo một số trường THPT tại Hà Nội tỏ ra tạm hài lòng với dự kiến kế hoạch tổ chức ngày thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Trong khi đó, ông Nghiêm Quý Bình, hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh có quan điểm, nếu lựa chọn phương án đó sẽ tiết kiệm được kinh phí của nhà nước, nhưng vất vả cho cả người thi và người coi thi. “Thử tính một ngày học sinh thi 3 môn thi, sáng thi môn 120 phút, chiều thi một môn 60 và 90 phút là rất căng. Thời gian giữa hai môn thi buổi chiều chỉ khoảng 45 đến 60 phút, nếu làm đúng theo Quy chế thi thì từ Chủ tịch hội đồng tới giám thị phải chạy như đèn cù” ông Chính cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo) cho hay, như mọi năm phải tới 10/4 mới có hướng dẫn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, năm nay mặc dù mất nhiều thời gian cho việc đổi mới nhưng bộ sẽ cố gắng có hướng dẫn sớm hơn năm trước. Tất cả những thông tin liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có trong hướng dẫn đó.
Về phương án tổ chức các môn thi tốt nghiệp, ông Trinh khẳng định hiện vẫn đang tiến hành thảo luận và sẽ thông tin sớm nhất có thể.
Dự kiến thi tốt nghiệp trong 5 buổi
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong 5 buổi (từ ngày 2 – 4/6/2014).
Cụ thể, ngày 2/6: buổi sáng thi ngữ văn từ 8 - 10 giờ; buổi chiều thi lịch sử từ 13 giờ 30 phút - 15 giờ, thi vật lý từ 16 giờ 15 phút - 17 giờ 15 phút. Ngày 3/6: buổi sáng thi toán từ 8 giờ - 10 giờ; buổi chiều thi địa lý từ 13 giờ 30 phút - 15 giờ, thi hóa học từ 16 giờ 15 phút - 17 giờ 15 phút. Ngày 4/6: buổi sáng thi ngoại ngữ từ 8 giờ - 9 giờ, thi sinh học từ 10 giờ 15 phút -11 giờ 15 phút.