Nhà xuất bản Giáo dục đang nợ người dùng sách giáo khoa 1 lời giải thích

26/03/2021 06:59
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu có sự “hợp nhất” đúng nghĩa thì các tác giả sách giáo khoa không bức xúc đến như vậy và cái tên của 2 bộ sách cũng không bị mất đi hoàn toàn.

Năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tung ra thị trường 4 bộ sản phẩm sách giáo khoa lớp 1, đó là: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Nhưng, để chuẩn bị cho năm học thứ 2, năm học 2021-2022 thì đơn vị này chỉ còn 2 bộ sách giáo khoa, đó là: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo. Hai bộ sách giáo khoa còn lại đã “biến mất” khỏi danh mục sách giáo khoa kể từ năm học tới đây.

Vì sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại có chủ trương này và việc hợp nhất này có nhận được sự đồng thuận của các tác giả sách giáo khoa như phát biểu của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hay không?

Ai mới là người trung thực trong chủ trương này khi phát biểu với báo chí trong thời gian qua?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ trương hợp nhất các bộ sách giáo khoa của mình (Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ trương hợp nhất các bộ sách giáo khoa của mình

(Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tác giả sách giáo khoa, ai nói đúng?

Thông tin tới báo chí ngày 10/3/2021 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định 2 bộ sách Cùng học để phát triển năng lực Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục không “biến mất” mà được hợp nhất với hai bộ sách còn lại của đơn vị này là Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo.

Trong đó, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ sách Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Để lý giải cho việc hợp nhất sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì lãnh đạo đơn vị này cho rằng: “Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả;

Tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa , phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới;

Tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ sách giáo khoa có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành”. [1]

Cứ theo lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói về việc hợp nhất này vì “mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả” thì quá hay rồi nhưng thực tế có phải như vậy hay không?

Giáo sư Lê Thanh Bình, Chủ biên cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6- Cùng học để phát triển năng lực đã bức xúc nói: “Tôi khẳng định không có sự hợp nhất giữa các bộ sách mà Nhà xuất bản Giáo dục đã loại bỏ bộ sách của chúng tôi, dù chúng tôi đã viết xong hoàn chỉnh và được thẩm định nội bộ là đạt yêu cầu”.

Giáo sư Lê Thanh Bình còn cho biết thêm: “Ngày 19/6/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức hội đồng thẩm định nội bộ ba bộ sách và cuốn sách của chúng tôi đã được hội đồng kết luận đạt yêu cầu, thậm chí được đánh giá tốt nhất trong các cuốn sách Lịch sử và Địa lý lớp 6 của các bộ sách.

Tuy nhiên, ngày 25/6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại thông báo sẽ sáp nhập với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Chúng tôi không đồng ý sáp nhập vì mỗi bộ sách có tư tưởng, triết lý, cách viết khác nhau. Hơn nữa, nếu sáp nhập phải nói ngay từ đầu, còn khi các bộ sách đã là sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể sáp nhập được nữa”. [2]

Còn Phó Giáo sư Phan Doãn Thoại, Chủ biên môn Toán bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” thì chia sẻ với báo chí như sau: “việc “hợp nhất” bộ sách Cùng học để phát triển năng lực với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ là cách nói, còn về bản chất thì khác.

Bởi khi có chủ trương hợp nhất này, hai nhóm tác giả của hai bộ sách cùng ngồi lại với nhau nhưng không có tiếng nói chung. Quan điểm biên soạn của hai bộ sách là quá khác biệt, hơn nữa thời gian lại quá gấp gáp để có được sự “hợp nhất” đúng nghĩa”. [3]

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng giữa lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số tác giả của 2 bộ sách giáo khoa bị “hợp nhất” đã hoàn toàn trái ngược nhau, không có sự đồng nhất và đồng thuận trong quan điểm và phát biểu với báo chí.

Nếu có sự “hợp nhất” đúng nghĩa thì các tác giả sách giáo khoa không bức xúc đến như vậy và cái tên của 2 bộ sách cũng không bị mất đi hoàn toàn.

Các đơn vị biên soạn và xuất bản sách giáo khoa còn nợ dư luận một lời xin lỗi

Không phải đến bây giờ câu chuyện sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng mới bộc lộ những hạn chế, bất cập bởi những điều này đã được báo chí phản ánh khá nhiều.

Đặc biệt, sách giáo khoa lớp 1 năm nay cũng đã từng dậy sóng dư luận bởi nó có rất nhiều “sạn” trong từng bộ sách.

Năm học 2020-2021 có tới 5 bộ sách giáo khoa được Bộ phê duyệt và được các nhà trường lựa chọn.

Trong đó, có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều của 3 đơn vị: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn, phát hành.

Đơn vị sách Cánh Diều đã phải in tài liệu bổ sung để phát đến nhà trường vì sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có quá nhiều “sạn”.

Các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dù không phát hành bổ dung để đính chính những sai sót nhưng đơn vị này tự rà soát thì cũng đã tìm ra vô số hạn chế và đưa ra phương hướng khắc phục là sẽ sửa chữa những hạn chế trong lần tái bản tới đây.

Cho dù sai sót như vậy nhưng cũng chẳng thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm hay có một lời xin lỗi đến người sử dụng những “sản phẩm lỗi” này!

Chuẩn bị cho năm học 2021-2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đột ngột bỏ đi 2 bộ sách giáo khoa của đơn vị mình khiến cho nhiều người ngỡ ngàng vì những nhà trường đã chọn và dạy 2 bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lựcVì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục lại phải làm lại từ đầu.

Thế nhưng, hình như lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn xem như không có chuyện gì quan trọng lắm. Họ vẫn đưa ra những lý do để thuyết phục dư luận mà cũng chẳng một lời nhận lỗi trước Bộ, trước thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.

Đành rằng, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa các bộ sách giáo khoa thì các đơn vị biên soạn, phát hành có thể đưa ra các chiến lược kinh doanh để đáp ứng mục tiêu của họ.

Nhưng, các đơn vị chủ quản, các tác giả viết chương trình, biên soạn sách giáo khoa từng hướng các bài học tới phẩm chất “trung thực; trách nhiệm” mà lẽ nào những nhà đầu tư, những “kiến trúc sư” các bộ sách lại lờ đi những phẩm chất này chăng?

Ngày trước chỉ một mình Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “một chợ”, độc quyền sách giáo khoa nhưng bây giờ đã xã hội hóa bộ sách giáo khoa rồi mà vẫn thực hiện như phương châm cũ hay sao?

Lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới bắt đầu những năm học đầu tiên nhưng rõ ràng “khách hàng” đang phải chịu thiệt và tất nhiên họ hoàn toàn không phải là “thượng đế” như một số nhà kinh doanh hay nói!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/hop-nhat-4-bo-sach-giao-khoa-moi-thanh-2-bo

[2] https://www.vietnamplus.vn/tac-gia-viet-sach-giao-khoa-khong-co-chuyen-hop-nhat-giua-cac-bo-sach/700460.vnp

[3] https://vtc.vn/hai-bo-sgk-bien-mat-chu-bien-tiec-nuoi-khi-khong-tim-duoc-tieng-noi-chung-ar600681.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH