Nhân tài và trường chuyên

30/06/2020 06:15
Tiến sĩ Đỗ Tiến Long
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua thời gian các trường chuyên đang dần trở thành các trường chất lượng cao, tạo ra ưu thế luyện thi đầu vào đại học cho một nhóm nhỏ so với mặt bằng xã hội.

Lời tòa soạn: Đề xuất bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành tạo nên nhiều tranh luận đa chiều. Nhiều ý kiến phản đối đề xuất trên cho rằng, trường chuyên là nơi đào tạo nhân tài nên Nhà nước cần đầu tư.

Câu chuyện trường chuyên có phải là nơi đào tạo nhân tài được nhiều chuyên gia về đào tạo nhân lực bàn thảo. Giáo dục Việt Nam trân trọng chia sẻ bài viết của Tiến sĩ Đỗ Tiến Long – chuyên gia tư vấn về phát triển tổ chức và chiến lược liên quan đến câu chuyện trường chuyên và nhân tài.

Đoàn học sinh Việt Nam ăn mừng chiến thắng trên sân khấu trao giải Olympic Toán học quốc tế 2019. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Laodong.vn

Đoàn học sinh Việt Nam ăn mừng chiến thắng trên sân khấu trao giải Olympic Toán học quốc tế 2019. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Laodong.vn

Những cây gỗ quý thường lớn lên trong những cánh rừng nhiều tầng, hấp phụ tinh khí trời đất, trong sự tương tác đa dạng để phát huy tố chất, chứ không phải trong vườn ươm gỗ quý.

Người tài trong xã hội cũng thường quý hiếm như gỗ quý. Vấn đề là làm sao để nuôi dưỡng và phát huy nhân tài cho xã hội.

Mấy hôm nay có câu chuyện rộ lên tranh luận về trường chuyên lớp chọn, bỏ hay để, đầu tư như thế nào cho hiệu quả.

Một cách chung nhất các trường chuyên lớp chọn là tồn tại có tính lịch sử, mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu thi học sinh giỏi, rồi sau đó là có thể đào tạo chuyên sâu lên cao thành các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Ở Việt Nam, chúng ta không có mấy trường chuyên theo kiểu đào tạo năng khiếu ngôn ngữ, thể thao, khả năng tính toán, tài năng hội họa, âm nhạc.

Dường như truyền thống trường chuyên của ta là chuyên kiểu "luyện gà", thi thố giật giải, chứ không phải định hướng chuyên theo đam mê, phát triển toàn diện năng lực cũng như năng khiếu của người học.

Qua thời gian các trường chuyên đang dần trở thành các trường chất lượng cao, tạo ra ưu thế luyện thi đầu vào đại học cho một nhóm nhỏ so với mặt bằng xã hội, chuẩn bị điều kiện để du học cho con cái các gia đình khá giả.

Thậm chí, hiện tượng trường chuyên là điểm đến sau những tháng ngày luyện thi "đặc biệt" của con cái các gia đình có điều kiện chứ không đơn thuần là năng khiếu và không nhiều học sinh tiếp tục học lên đại học, sau đại học, theo đúng chuyên ngành.

Như vậy câu chuyện ở đây đang đặt ra hai vấn đề: về phân bổ đầu tư cho giáo dục và hiệu quả đào tạo cho người học.

Một cách ngắn gọn, nhu cầu luyện thi học sinh giỏi, thi thố trong và ngoài nước, nếu có, thì chọn nhóm nhỏ, bồi dưỡng sẽ hiệu quả hơn xây hệ thống trường rất nhiều.

Còn các gia đình muốn con cái có ưu thế giáo dục chất lượng cao hơn, trong một môi trường phát triển năng khiếu toàn diện hay muốn được luyện thi đại học trước, chuẩn bị đi du học, thì nên bỏ tiền đầu tư, chứ không nên để ngân sách gánh vác.

Cái này là sự công bằng trong phân bổ nguồn lực, chúng ta nên làm gương tốt cho thế hệ con cháu.

Còn việc học trường chuyên hiệu quả hay không hiệu quả, tùy theo đánh giá của mỗi gia đình.

Tuy nhiên, tôi gặp không ít các bạn đi du học xong đại học hay cao học hiện nay, không có việc làm do không hòa nhập được vào môi trường làm việc.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp phản hồi với tôi là chất lượng làm việc không tốt hơn những người học trong nước.

Nhiều bạn lương chỉ bằng người tốt nghiệp cao đẳng do thiếu khả năng thích ứng, phong thái lừng khừng. Việc lớn thì kinh, việc nhỏ thì khinh, việc bình thường thì ngần ngại.

Tôi không có ác cảm gì về các bạn học chuyên. Phần lớn họ đều thông minh và dễ mến trong mắt tôi.

Họ có thể là bạn bè với tôi, bạn đi học cùng khóa cao học, hay những học viên tôi gặp trong các chương trình cao học, các chương trình đào tạo quản lý lãnh đạo doanh nghiệp.

Đó là nhiều sinh viên cũ của tôi từ chương trình cử nhân đẳng cấp quốc tế rồi đi du học, hay con tôi không chọn học Ams thì cháu cũng học Chuyên ngữ cho gần nhà.

Vì thé, tôi có những nhận xét qua trải nghiệm tương tác trực tiếp với các bạn học chuyên về những tâm lý sốt ruột, so bì, cạnh tranh thái quá, khó hòa nhập, bên cạnh sự sáng láng ý chí hay tham vọng vươn lên.

Họ dễ mến chứ không có gì định kiến từ phía tôi. Nghề nghiệp của tôi chỉ phân tích để giúp người khác phát triển, chứ không cần chê trách, dìm hàng học viên hay bạn bè nào.

Nhiều người học chuyên đã tạo dựng được sự nghiệp riêng cũng chia sẻ góc nhìn về nhiều bạn học chuyên cùng lứa. Họ đều đầu vào thông minh, nhưng ra trường cũng bươn chải như các bạn học phổ thông.

Hay tôi có đọc facebook của một anh từng học chuyên toán tâm sự về những giọt mồ hôi khi ra trường làm hướng dẫn viên du lịch, rồi gặp bạn cùng lớp cũng đi làm hướng dẫn viên.

Nó cho thấy, không phải cứ học bình thường là kém hay học chuyên ra là tốt.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng tôi tin tỷ lệ học chuyên ra đạt đỉnh cao chuyên môn sẽ hơn mặt bằng xã hội.

Điều này dễ hiểu, vì đây là tập hợp những người thông minh đậm đặc hơn xã hội.

Tuy nhiên có vẻ không cao hơn tuyệt đối, đồng thời, cũng không ít người không thành công, thậm chí khó hòa nhập.

Tỷ lệ người thông minh trong xã hội ước đoán khoảng 20%, số người giỏi khi vào đời là 10%, xuất sắc 5%, xuất chúng chỉ 1%.

Những người thuộc nhóm từ 10% đến 1% có thể xem là nhân tài, chắc chắn họ là kết quả của quá trình rèn luyện lâu dài, bền bỉ, bồi đắp nguyên khí, trên cả ba môi trường: Gia đình - nhà trường - xã hội.

Bên cạnh tố chất thông minh thì họ cần trải qua một môi trường tương tác đa dạng và phù hợp mà không một nhà trường nào, dù trong nước hay ngoài nước trong vài năm có thể tạo ra điều đó.

Thậm chí, gom người thông minh vào một lớp chuyên sẽ gây tâm lý tranh đua theo cùng một vài mục tiêu giống nhau, nhưng tố chất, đặc điểm tâm lý lại khác nhau, nên dễ đố kị, bất mãn, phá hỏng cái độc đáo riêng, do bị hút theo tranh đua.

Trong sự cạnh tranh vô hình tập thể như vậy, thường chỉ khoảng 30% có cảm giác thành công. Và một cách tự nhiên cũng sẽ có một tỷ lệ những em không phát huy được bằng các bạn, sẽ không ít tài năng có thể phải chịu tổn thương thua kém bạn, mang mặc cảm khó chịu ngầm.

Khi đứng ở vị trí thuận lợi, thành công, thường người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự tin, có nhiều động lực.

Người thua sút, đứng dưới, dễ cảm thấy khó chịu, có phản ứng tiêu cực, bị ám ảnh của từ "thành công, thành đạt", có thể rơi vào ảo tưởng, tự mãn, về mác trường "chuyên" làm một số người đánh mất lợi thế trời cho, rồi trở nên khó hòa nhập khi vào đời.

Trong môi trường "luyện gà", một số sẽ có lợi vượt trội. Trong khi một số ở nửa dưới có thể mang mặc cảm kẻ thất bại, lại chịu thêm áp lực từ gia đình và xã hội.

Trong khi đó, nếu học trong hệ sinh thái tự nhiên, họ có thể sẽ có trạng thái tích cực, vững bước tự tin hơn khi vào đời.

Vì lẽ, đã chuyên thì phải cạnh tranh, phải tham vọng và phải có hơn kém, thắng thua.

Chưa chắc chuyên đã tốt toàn diện cho người học, lợi mặt này có khi hỏng mặt khác mà không nhận ra ngay được.

Thành công của con người là sự trải nghiệm tích cực trong cả ba môi trường giáo dục trên, mà theo tôi, không một nhà trường nào có thể thay thế được gia đình và xã hội.

Các bậc cha mẹ có điều kiện nên nghĩ về một môi trường giáo dục công bằng minh bạch, chứ không chỉ ưu tiên tìm đặc quyền, ưu đãi cho con cái, mà trong môi trường xã hội cạnh tranh, đặc quyền có khi chỉ làm hại các cháu.

Tiến sĩ Đỗ Tiến Long