Chuyện đặc biệt kỳ lạ về đội xe thồ của 3 anh em mù

01/06/2011 23:39
3 anh em sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, càng lớn mắt càng mờ dần rồi mù vĩnh viễn, họ phải bỏ học, sống cuộc sống mịt mù tăm tối…

3 anh em sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, càng lớn mắt càng mờ dần rồi mù vĩnh viễn, họ phải bỏ học, sống cuộc sống mịt mù tăm tối… Thế nhưng, bằng tình thương yêu của cha mẹ và ý chí, nghị lực phi thường của chính bản thân mình họ đã vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Ngôi nhà có 5 người mù

Đó là những gì mà 3 anh em mù Nguyễn Như Luân, Nguyễn Như Thanh, Nguyễn Như Hiền, ở khu phố Yên Lã 1, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã trải qua. Có thể gọi đó là một cái gì giống như “kỳ tích”.

Đến thị xã Từ Sơn hỏi về 3 anh em mù lấy được 3 cô vợ mắt sáng ai cũng biết, họ chỉ đường chính xác như đã đến đó nhiều lần rồi, lần này tôi đến gặp họ vào ngày Chủ nhật với suy nghĩ là ngày nghỉ nên họ nghỉ không đi làm. Lạ thay, hỏi đường tìm đến nhà anh Nguyễn Như Thanh rồi Nguyễn Như Hiền cả hai nhà đều đi vắng, nghe người dân sống xung quanh nói là họ đi làm hết. Tôi chỉ còn cách tìm đến nhà anh Nguyễn Như Luân, người anh cả trong 3 anh em mù. Khi tôi đến, anh đang ngồi trên ghế, tay sờ sờ vào cuốn sách có in chữ nổi, mắt hướng sang một phía như đang tập trung đặc biệt để nghe một tiếng động nhẹ mơ hồ nào đó.

Ông Nguyễn Như Luân, người anh cả trong 3 anh em mù.
Ông Nguyễn Như Luân, người anh cả trong 3 anh em mù.


Thấy có giọng người lạ anh Luân nhanh nhẹn mời khách ngồi vào ghế uống nước, trước mắt tôi là một người đàn ông hơi gầy, dáng cao, có giọng nói đậm chất xứ Kinh Bắc. Đang ngồi ở ghế anh đứng dậy cua tay cầm phích nước nóng rồi pha trà, rót nước mời khách, mọi công việc anh làm như người bình thường. Vội cất mấy quyển sách đang đọc dở vào tủ rồi tắt tivi, anh Luân ngồi vào ghế và câu chuyện về cuộc đời của 3 anh em mù được mở ra, lần lượt, từng trang, giống như trang sách chữ nổi trên tay anh.

Anh Luân kể rằng: “Trước đây gia đình bố, mẹ tôi nghèo lắm, mẹ tôi tên Nguyễn Thị Quỳnh bị mù lòa từ nhỏ, hơn 20 tuổi mẹ lấy bố tôi Nguyễn Như Thảo có được 8 người con, 3 người chị của tôi sinh ra và lớn lên bình thường. Không biết số phận đã đưa đẩy thế nào đến lượt tôi lúc mới sinh ra thì bình thường, càng lớn mắt tôi càng mờ, khi đến tuổi đi học tôi cũng đến lớp cùng các bạn trang lứa nhưng phải nhìn rất gần mới đọc được chữ, tôi học hết cấp 1 thì mắt không nhìn thấy chữ nữa nên nghỉ học. Bố mẹ đã đưa tôi đi chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi, mắt tôi mờ dần đến năm gần 20 tuổi thì tôi mù hẳn. Cả hai em trai và một em gái tôi cũng vậy (em gái tên Hồng đã mất cách đây mấy năm do bị tai biến mạch máu não). Đấy là chưa kể cô út mắt cũng không nhìn rõ lắm.

Hơn ai hết anh Luân hiểu rõ nỗi vất vả của bố khi ngày ngày phải bươn trải khắp nơi, làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi người vợ mù lòa và 5 đứa con mắt kém. Hồi nhỏ tuy mắt kém nhưng mấy anh em Luân vẫn nhìn thấy mờ mờ, hằng ngày vẫn phụ giúp bố được những công việc lặt vặt như nấu ăn, quét dọn nhà cửa, trông em…

Khi đã đến tuổi trưởng thành, 3 người chị cả đã đi lấy chồng, cũng là lúc cả mấy anh đều không nhìn rõ nữa, đối với họ tất cả chỉ là một màu đen, tưởng chừng ánh sáng cuộc đời của mấy anh em từ nay tắt hẳn, nhưng được sự động viên của người mẹ, hiểu thấu được nỗi khổ của người cha, mấy anh em đã tự động viên nhau vươn lên sống tốt, không phụ công chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ.

3 anh em mù đều lấy vợ sáng mắt ở tuổi 20

Anh Luân mỉm cười, nụ cười đầy mãn nguyện và hạnh phúc: “Khi mấy anh em tôi mù hẳn, tôi là anh cả nên quyết định lấy vợ trước, tôi đem lòng yêu một cô gái ở xã bên cạnh, chúng tôi tìm hiểu nhau được mấy tháng thì tôi bảo bố đến hỏi vợ cho tôi, vợ tôi là người hiền lành, khỏe mạnh, chân quê, chất phác. Năm đó tôi 20 tuổi. Thấy tôi mù mà vẫn lấy được vợ, thế là hai người em trai tôi cũng bắt đầu cuộc “tìm” vợ đầy gian nan. Vì chúng tôi là những người mù, ai người ta thèm lấy chứ, thế mà không hiểu duyên số thế nào cả 3 anh em tôi mù lòa lại lấy được 3 người vợ mắt sáng, khi chúng tôi đều 20 tuổi, 3 người vợ mắt sáng lại ở cùng một xã. Phải chăng chúng tôi sinh ra để đến với nhau?”.

Thêm người là thêm miệng ăn, từ trước đến nay không năm nào gia đình anh đủ ăn, trung bình mỗi năm thiếu đói 3 tháng, những ngày khác chỉ ăn qua quýt để đủ sống qua ngày. Và nay, cái khó khăn nhất, cũng là điều khiến anh Luân phải suy nghĩ nhiều nhất là khi lấy vợ về, nhà nghèo lấy gì mà sống đây. Nhiều đêm họ thức đến nửa đêm bàn xem làm nghề gì là phù hợp với mình nhất, nhưng đối với những người mù không nhìn thấy gì thì làm được việc gì đây (?!).

Đội xe thồ mù cuối cùng của thế kỷ XX

Bao toan tính nghĩ suy đều đi vào ngõ cụt, đúng lúc bế tắc nhất, vợ anh nghĩ ra một cách kiếm sống có thể sử dụng sức của cả hai vợ chồng. Vợ anh Luân – chị Hòa, nhiều lần về quê ngoại thấy người ta dùng xe đạp thồ để thồ hàng, nên đã bàn với chồng mua một chiếc xe đạp thồ để thồ hàng thuê, “họ thuê gì thì mình làm, tôi nhìn thấy đường thì cầm lái, còn chồng tôi không nhìn thấy đường thì theo sau đẩy”.

Niềm vui chợt đến rồi lại chợt tan với đôi vợ chồng trẻ. Nghĩ ra nghề để làm, nhưng nhà nghèo lấy đâu ra vốn, xe đạp thồ thời bấy giờ cái cũ, rẻ nhất cũng là 500.000đồng, số tiền quá lớn đối với một gia đình nghèo như anh Luân, chị Hòa. Họ chạy vay khắp xóm làng nhưng chẳng ai cho vay, họ cho rằng chồng mù thì làm được gì, cho vay tiền lúc nào mới trả cho họ được, chị Hòa đành ngậm ngùi quay về. Chị chạy vay đằng ngoại, cuối cùng nhờ tình yêu thương của anh em trong hai họ, vợ chồng anh Luân đã mua được chiếc xe đạp thồ cũ, trị giá 500.000đồng. “Cũng may thời điểm chúng tôi mua xe thồ là lúc thị xã Từ Sơn đang trong quá trình đô thị hóa nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào các ngõ ngách ôtô không vào được là họ lại chạy đến gọi tôi, những ngày đầu làm quen với công việc chân tay tôi đau nhức, nhiều lúc lê đi không muốn bước nữa, nhưng vì mình mới đi làm phải lấy lòng những người thuê mình, thấy mình làm được lần sau họ mới thuê”, chị Hòa tươi cười kể lại những ngày đầu đầy vất vả đó.

Hai vợ chồng anh Luân, chị Hòa với chiếc xe thồ nay đây, mai đó kiếm tiền, công việc của họ ngày càng nhiều, thấy làm ăn được họ đã bàn với hai vợ chồng người em trai cùng cảnh ngộ như anh Luân là anh Thanh và anh Hiền cũng vay tiền mua xe thồ để làm việc. Vậy là cả 3 anh em mù đều có công ăn việc làm. Họ đã lập ra một đội xe thồ mù có một không hai của những năm cuối thế kỷ XX… Họ làm việc miệt mài, dần dần đã có cái ăn, không còn phải chắt chiu từng bữa như trước nữa. Đội xe thồ mù thành lập được vài năm, cả 3 anh em đều sinh được 1 trai, 1 gái và ra ở riêng, nhưng đội xe mỗi khi có người gọi việc là lại tốc hành. Nhiều hộ dân ở xã Tân Hồng (nay là phường Tân Hồng) thấy đội xe thồ mù làm ăn được nên cũng sắm xe làm theo, nhưng được thành lập trước, lại có uy tín nên công việc của họ chẳng bao giờ hết… Mỗi xe thồ trung bình kiếm được 60.000đồng, với số tiền đó gia đình họ cũng đủ trang trải cuộc sống và trả số nợ đã vay để mua xe.

Và cứ thế, cho đến vài năm gần đây, “khi nhiều tuyến đường trong làng ngõ xóm đều được bê tông hóa dần, đó cũng là lúc nhiều xe công nông, xe ba bánh xuất hiện, nhiều gia đình có tiền đầu tư mua xe cơ giới về chở, họ tranh hết phần việc “của các ông mù có vợ sáng mắt” kia. Bởi vì, một bài toán đơn giản: một xe tải khi chở vật liệu vào thì đội xe mù phải chuyển đến 60 chuyến xe thồ mới hết, lại chậm hơn công nông – trong khi, xe công nông họ chở được vài chuyến là đã “bay” một xe tải vật liệu. Chính vì thế, nên công việc của đội xe thồ cứ thưa vắng dần”. Phân tích những điều đó với chúng tôi, giọng anh Luân đầy nuối tiếc nhưng cũng đầy hứng khởi, rằng: “Quê mình văn minh lên, mình phải mừng chứ. Vả lại, ngơi cái việc của đội xe thồ, đời chúng tôi lại rẽ sang một trang khác, nhiều niềm vui hơn, nhà báo ạ”.

“Mắt mù nhưng chí sáng và có đôi tay vàng”

Anh Luân vui mừng tâm sự: “Tưởng chừng cuộc sống của mấy anh em tôi lại trở về hai bàn tay trắng như trước. Nhưng may thay, đến vừa qua, Hội người mù thị xã Từ Sơn được thành lập, cả 5 mẹ con tôi được kết nạp vào Hội. Vào Hội cả mấy anh em đều được học chữ nổi brai, được gặp các bác, các anh, chị, em cùng đồng tật, được học giao lưu, giao tiếp, học kỹ thuật thâm canh cây lúa, chăn nuôi. Người mù chúng tôi được kể cho nhau nghe những câu chuyện khó khăn gặp phải trong đời sống hàng ngày…”.

 


Theo anh Luân, đối với những người mù được học chữ nổi là niềm hạnh phúc lớn lao, không phải ai cũng có cơ hội. Nhờ có chữ nổi mà người mù cũng đọc được truyện, sách, báo, tham khảo điều lệ Hội, nắm vững chủ trương lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước… Nếu người mù nào cũng biết được chữ nổi thì họ sẽ thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn, bỏ qua được những mặc cảm, hoài nghi và những tự ti để hòa nhập với cộng đồng. Nhờ có Hội mà 3 anh em mù được vay vốn phát triển sản xuất, từ đó có của ăn, của để, xây được nhà mái bằng khang trang, sắm sửa được đầy đủ tiện nghi trong nhà.

Sau khi vào Hội, đọc được thành thạo chữ nổi, cả 3 anh em mù vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt đều đặn tại Hội. Anh Thanh và anh Hiền ở nhà chăm nuôi con cháu để vợ đi làm thuê, vượt qua bao năm vất vả bây giờ họ không phải lo nghĩ gì nữa, họ đang sống một cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc với họ đang là một cái gì đó cụ thể đến mức có thể sờ thấy được. Riêng anh Luân khi học song lớp chữ nổi anh đi học mát xa và hiện đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội người mù thị xã Từ Sơn, giáo viên dạy mát xa cho Hội.

Qua trò chuyện với anh Luân, anh đã đưa tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, đáng nể hơn khi anh kể, những lúc nhàn rỗi anh thường làm thơ, đối với người bình thường nhìn được ánh sáng, cảnh vật xung quanh làm thơ còn dễ, họ cảm nhận được chính xác đằng này anh mù, làm thơ nó cứ thiếu một cái gì đó. Nhưng với tôi, những bài thơ mà anh Luân sáng tác nó mang một cảm xúc rất riêng biệt, đầy sâu lắng, xúc động.

Theo Hoàng Bảo Yên (NLM)