5 phút tê tái của anh hùng truyền thông tin qua... răng

29/04/2011 10:18
Ông Hoan lấy hết sức bình sinh kéo hai đầu dây cáp sát lại với nhau rồi dùng răng cắn chặt lại giữ như vậy cho đến khi mệnh lệnh được truyền xong.

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi tìm về xã Vũ Bản (Bình Lục, Hà Nam) tìm gặp anh hùng Trần Duy Hoan, người đã dùng răng cắn dây cáp đảm bảo huyết mạch thông tin giữa thời khắc ngàn cân treo sợi tóc...

Thời thông tin liên lạc 12 kênh

Trong căn nhà nhỏ núp bóng dưới vườn cây ăn quả sum suê, ông Hoan vẫn giữ được nét nhạy bén của người lính thông tin khi xưa. Ông Hoan bảo, lính thông tin thời kháng chiến chống Mỹ không khác phóng viên chiến trường là mấy. Nơi nào giao tranh khốc liệt nhất, bom đạn cày xéo với mật độ dày nhất, có mặt người lính thông tin ở đó khắc phục đường dây, đảm bảo huyết mạch liên lạc giữa Bộ Quốc phòng với các tư lệnh quân, binh chủng tại mặt trận.

Chốt thông tin liên lạc đơn vị ông Hoan nằm bên bờ sông Thạch Hãn, đầu bên kia là thị xã Quảng Trị. Dù đi bất cứ từ hướng nào, đường mòn Hồ Chí Minh hay Quốc lộ 1A đều phải tập kết tại nút thắt cổ chai này. Ông Hoan tâm sự: Thông tin liên lạc ngày đó khác xa bây giờ một trời một vực. Máy liên lạc chỉ có 12 kênh, mỗi lần đàm thoại chỉ có 24 người nói chuyện, ngoài Hà Nội 12 người và trong Quảng Trị 12 người nữa. Chứ bây giờ các nhà đài thông tin của ta dùng dây và máy lên tới cả trăm kênh.

Dây cáp chỉ bé bằng ngón chân cái như vậy nhưng địch liên tiếp thả bom từ trường để cắt đứt liên lạc chỉ huy của ta. Đây là loại bom cứ gặp sắt là nổ. Nhưng cho dù địch có vũ khí tối tân đến đâu, Trần Duy Hoan cùng đồng đội ở Trung đoàn Thông tin 134 suốt 81 ngày đêm kiên cường bám giếng bom, hố pháo chưa khi nào để thông tin liên lạc bị đứt quá nửa giờ đồng hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm phút anh hùng

Sinh năm 1949, tại mảnh đất chiêm trũng Hà Nam, tuổi thơ của Trần Duy Hoan là ký ức đau buồn trước thảm cảnh cả bố và mẹ đều bị giặc Pháp giết hại dã man. Tháng 2/1968, khi mới tròn 19 tuổi, Hoan xung phong lên đường nhập ngũ và được phân vị trí công tác tại Trung đoàn Thông tin 134. “Lúc đó tôi chỉ nặng có 37kg, phải gian lận bỏ gạch vào ba lô mới qua được vòng xét tuyển. Ngày bồng súng ra đi tôi chỉ có một mục đích duy nhất là trả thù cho gia đình. Nhưng trong thời gian chiến đấu ở chảo lửa Quảng Trị, chứng kiến quân ta và cả phía địch ngã xuống không biết bao nhiêu, tôi đã thay đổi tư tưởng. Tâm nguyện của tôi chỉ mong làm sao cho nước nhà nhanh chóng thoát khỏi cảnh lầm than, những người Việt dù ở bất cứ chiến tuyến nào không còn phải đổ máu vì cuộc chiến nữa”, ông Hoan ngậm ngùi.

Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất đời lính thông tin của ông Hoan, trong một lần nhanh trí, dũng cảm dùng răng nối dây thông tin giúp truyền được một mệnh lệnh quan trọng. Đó chính là hôm cuối cùng của chiến dịch 81 ngày đêm Quảng Trị. Đợt oanh tạc cuối cùng của địch, bầu trời dày đặc bom đạn như vãi trấu, dây cáp viễn thông bên bờ sông Thạch Hãn bị đứt thành chục đoạn, nối được đoạn này lại đứt đoạn khác. Bị dây cáp đâm vào đầu ngón tay rỉ máu đau buốt, chân bị trúng bom bi đến tê dại, Trần Duy Hoan cố gắng nối dây thông tin mà không được do dây quá ngắn.

Đúng lúc đó, có thông tin hỏa tốc từ Hà Nội điện vào số máy lẻ thông báo cần thông tin gấp. Lãnh đạo ngoài Hà Nội muốn truyền mệnh lệnh quan trọng cho các đồng chí chỉ huy ở các quân, binh chủng tại mặt trận qua kênh đường dây hữu tuyến. Đứng trước tình huống khẩn cấp, ông Hoan lấy hết sức bình sinh kéo hai đầu dây cáp sát lại với nhau rồi dùng răng cắn chặt lại giữ như vậy cho đến khi mệnh lệnh được truyền xong. “Khoảng 5 phút sau, cơ thể tôi tê tái vì điện giật, người co dúm lại nằm vật ra đất nửa tiếng sau mới hồi lại, hóa ra hành động táo bạo của tôi lại phát huy hiệu quả”- ông Hoan vui vẻ nhớ lại.

 

Người anh hùng nồi hồi xem lại kỉ vật kháng chiến
Người anh hùng nồi hồi xem lại kỉ vật kháng chiến



Sau lần đảm bảo thông tin giữa thời khắc nước sôi lửa bỏng đó, ông Hoan được cấp trên tuyên dương khen thưởng Huân chương Chiến công vì sự gan dạ, thông minh. Bởi lúc đó dùng vô tuyến điện sẽ phải số hóa thông tin, sau đó đem đi dịch rồi đồng chí giao liên mới có thể đem đến cho các tư lệnh đọc. Như vậy, mất rất nhiều thời gian, tình huống lại đòi hỏi phải có sự chỉ huy trực tiếp. Mặt khác, phát bằng vô tuyến điện địch có thể bắt được thông tin của ta nên sẽ chủ động phòng vệ.

Với thành tích đảm bảo thông tin trong vòng 5 phút đó, ông Hoan đã góp phần rất lớn truyền được một mệnh lệnh quan trọng. Để ghi nhớ công lao của ông Hoan, hiện cuộn dây thông tin ngày đó đang được lưu giữ tại Bảo tảng tỉnh Hà Nam.

Trong cuốn Lịch sử Trung Đoàn Thông tin 134 (NXB Quân đội nhân dân) trang 139 có ghi: “Tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam; theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân Giải phóng miền Nam, quyết định tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho đồng chí Trần Duy Hoan – 23 tuổi, Tiểu đội trưởng thông tin. Đồng chí Hoan luôn có mặt ở những nơi gay go quyết liệt nhất, dũng cảm vượt qua bom đạn, kiên trì bám máy bám dây, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Năm 1972, đồng chí phụ trách một tổ thông tin đã 157 lần nối chữa dây trong khi địch bắn phá ác liệt. Có lần bị ba vết thương trong khi nối dây, đồng chí vẫn kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ...”

(Theo NNVN)