Hiện nay, các địa phương đang tổ chức giới thiệu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đến giáo viên. Nơi thì tổ chức trực tuyến, nơi thì vừa trực tiếp và vừa trực tuyến, sau đó lấy ý kiến đóng góp cho bộ phận chọn sách.
Hội đồng chọn sách giáo khoa năm nay theo cấp tỉnh, không còn cấp trường như năm ngoái. Như vậy, mỗi tỉnh sẽ có một bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 chung.
Giáo viên phải làm cái việc không phải là nhiệm vụ của mình, không có thù lao tăng giờ, giữa bộn bề bao công việc hàng ngày khác nên hiệu quả công việc thế nào, không nói ai cũng biết.
Cô giáo M. (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Chỉ nghe đại diện nhà xuất bản giới thiệu sách trực tuyến khoảng 15 phút, đọc qua loa đại khái trên sách điện tử, làm sao mà có nhận xét chính xác được.
Vì vậy, nhận xét chủ yếu nói cho hay, cho tốt, đại khái hình đẹp... thế thôi. Bên cạnh đó, trách nhiệm không bị trói buộc, tâm lý thì “ý kiến mình chắc chẳng ai quan tâm”, có cây đa cây đề lo rồi, trên cứ chọn, chọn cái nào dạy cái đó, thế thôi. Nên nhận xét, đánh giá ai cũng làm ... cho có”.
Chẳng cần đọc, có ngay nhận xét
Việc đi xin nhận xét, đánh giá sách giáo khoa trên các hội, nhóm mạng xã hội là phổ biến. Chỉ cần đăng lời xin là... có ngay “Mạnh Thường Quân” tặng.
Cứ xin là có ngay nhận xét, đánh giá sách giáo khoa. (Ảnh chụp màn hình) |
Bên cạnh đó, cũng có những trang thông tin điện tử muốn quảng cáo đến giáo viên, có dịp bán những tài liệu khác đã miễn phí nhận xét, đánh giá sách giáo khoa.
Giáo viên chỉ cần kích chuột là có ngay nhận xét, đánh giá sách giáo khoa. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhận xét, đánh giá sách giáo khoa không nên bắt thầy cô làm. Tại sao vậy?
Thứ nhất, phân công giáo viên đang công tác, vừa dạy học vừa đọc sách giáo khoa để kiểm định, đánh giá nhận xét là trái quy định, giáo viên không có nhiệm vụ này.
Thứ hai, giáo viên nhận xét, đánh giá sách giáo khoa là làm thêm ngoài giờ, nhưng không có chế độ tăng giờ, như vậy là sai Luật Lao động.
Thứ ba, vừa “xay lúa, vừa dỗ em” là bất khả thi, không thể làm tốt được, bắt giáo viên làm chỉ làm khổ giáo viên, tạo thói quen làm cho có, đối phó, lâu dần thấy làm giả dối cũng trở nên bình thường.
Thứ ba, với thời gian ngắn, không chuyên, không bị trói buộc trách nhiệm, nhận xét, đánh giá của giáo viên liệu có đúng, có đáng tin cậy, được người chọn sách tham khảo?
Thứ tư, đừng tạo cơ chế đổ lỗi cho hội đồng chọn sách giáo khoa, đã giao nhiệm vụ cho họ thì phải đặt niềm tin vào họ.
Hãy để hội đồng chọn sách toàn quyền quyết định, sai đúng, hay dở họ cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu không có năng lực, không dám chịu trách nhiệm thì xin nghỉ. Cần có chế độ thỏa đáng cho các thành viên, đảm bảo họ không bị chi phối vật chất khác.
Thứ năm, hội đồng chọn sách thừa biết đánh giá nhận xét gửi về cho họ được nhân bản trên mạng, nếu có tham khảo họ cũng chỉ đọc một bản (vì cứ na ná nhau), vô hình trung chỉ làm thêm gian dối trong ngành.
Thứ sáu, không loại trừ có ai đó đang định hướng dư luận thông qua hình thức “cho không, biếu không” phiếu đánh giá, nhận xét sách giáo khoa.
Sách giáo khoa là hàng hóa đặc biệt, phải có cơ chế kiểm tra, đánh giá đặc biệt, đảm bảo sự chuẩn mực trước khi xuất bản, không phải ai cũng có thể đánh giá, nhận xét.
Đưa sách giáo khoa về cho giáo viên nhận xét, đánh giá khi họ chưa trải nghiệm là không thực tế, tốn công, tốn sức, tốn tiềm lực xã hội, là thiếu thực tế.
Thực tế sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, sạn trong sách giáo khoa không phải do giáo viên phát hiện, báo cáo lên cấp có thẩm quyền, là minh chứng cụ thể, không cần, không nên bắt giáo viên nhận xét, đánh giá.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.