Nhiều học sinh, phụ huynh đang nhầm lẫn giữa ngành Hoá học và Kỹ thuật Hoá học

19/07/2023 06:38
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, nhiều học sinh và phụ huynh có sự nhầm lẫn giữa ngành Hoá học và ngành Kỹ thuật Hoá học.

Kỹ thuật Hóa học đóng vai trò chủ chốt trong hàng loạt các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như dầu khí, hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, chất tẩy rửa, vật liệu hàng không, môi trường, chế biến thực phẩm, đồ uống, sinh học ứng dụng…

Điều đáng nói là hiện nay vẫn nhiều học sinh và phụ huynh có sự nhầm lẫn giữa ngành Hóa học và ngành Kỹ thuật Hóa học.

Sự khác biệt giữa ngành Kỹ thuật Hoá học và ngành Hoá học

Trước thực tế này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đào Văn Dương - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Phenikaa) thừa nhận, đúng là hiện nay có một sự ngộ nhận khá phổ biến đó là coi Hóa học và Kỹ thuật Hóa học là hai ngành học gần giống nhau.

Tuy nhiên, Kỹ thuật Hóa học là một lĩnh vực kỹ thuật mang tính ứng dụng và đa ngành về cơ sở lý thuyết của các ngành khoa học cơ bản như Hóa học, Vật lý và Toán học vào trong sản xuất thực tế.

Tại Trường Đại học Phenikaa, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hóa học tập trung vào việc thiết kế, sản xuất và vận hành các thiết bị, quy trình sản xuất, hệ thống và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất, dầu khí, môi trường, dược phẩm, thực phẩm, năng lượng và các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, ngành Hóa học tập trung vào nghiên cứu các nguyên tố, hợp chất, phản ứng và quá trình hóa học.

Hóa học có tính toán và phân tích sâu hơn vào các khía cạnh khoa học còn Kỹ thuật Hóa học tập trung vào việc áp dụng các kiến thức Hóa học để giải quyết các vấn đề kỹ thuật và công nghệ.

Ví dụ, các nghiên cứu về Hóa học thường được tiến hành trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học ở quy mô nhỏ (vài gram đến vài kilogram) còn Kỹ thuật Hóa học áp dụng trong các nhà máy sản xuất, các công ty công nghiệp và các cơ sở công nghiệp khác với quy mô có thể lên đến hàng triệu tấn.

Trong nền công nghiệp đang ngày càng phát triển, nguồn đầu tư cho ngành Kỹ thuật Hóa học ngày càng được chú trọng.

Kỹ thuật Hóa học là ngành học của xu thế hiện đại, nhưng thực tế thị trường lao động lại đang “khát” nguồn nhân lực ở ngành này.

Tiến sĩ Đào Văn Dương - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Phenikaa) nhận định sự khác biệt giữa ngành Hoá học và Kỹ thuật Hoá học (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Đào Văn Dương - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Phenikaa) nhận định sự khác biệt giữa ngành Hoá học và Kỹ thuật Hoá học (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Đào Văn Dương nhận định: "Đúng là ngành Kỹ thuật Hóa học đang là ngành đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Bởi vì, ngành công nghiệp này đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của công nghiệp mà còn rất nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Điển hình như sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện hóa,...".

Những lầm tưởng của sinh viên về ngành Kỹ thuật Hoá học

Trước đây, Kỹ thuật Hóa học phục vụ chủ yếu cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các lĩnh vực của Kỹ thuật Hóa học đã có nhiều ứng dụng trong nông nghiệp - lĩnh vực chiếm hơn 70% dân số Việt Nam: hóa chất bảo vệ thực vật, công nghệ thực phẩm, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch,...đặc biệt là ứng dụng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ để phát triển dược phẩm, mỹ phẩm hoặc các sản phẩm phục vụ cá nhân đang ngày càng tăng. Do vậy, nhu cầu thị trường lao động đối với ngành này hiện nay khá cao. Tuy nhu cầu thị trường lao động cao nhưng nguồn nhân lực cung cấp lại khá hạn chế.

Khi ít sinh viên quan tâm đến khối ngành kỹ thuật, cụ thể là ngành Kỹ thuật Hoá học thì sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng cả từ nhà tuyển dụng và học sinh - sinh viên.

Theo đó, Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường phân tích:

Thứ nhất là nhà tuyển dụng lao động, do nhu cầu của ngành này lớn (công nghiệp pin, hóa chất, lọc hóa dầu,…) mà không tìm được ứng viên có trình độ, được đào tạo bài bản về kỹ thuật hóa học thì họ sẽ phải tìm các ứng viên trái ngành hoặc ngành gần.

Dẫn đến hậu quả là mất rất nhiều thời gian đào tạo lại và kể cả như vậy cũng chưa chắc đã đảm bảo được chuyên môn cho sản xuất.

Khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, kéo sự hấp dẫn của thị trường lao động Việt Nam xuống (đối với các nhà đầu tư nước ngoài) và do đó góp phần làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai là góc nhìn của học sinh và sinh viên. Một điểm đáng báo động là có một bộ phận không nhỏ các bạn lao vào đăng ký những ngành “hot” mà bỏ qua sở thích, điểm mạnh của mình.

Điều này có nhiều điểm thiếu hợp lý như các chủ đề liên quan tới ngành "hot" này được khai thác phổ biến. Tuy nhiên, các chủ đề về ngành Kỹ thuật Hoá học chưa thực sự được xã hội quan tâm. Nhiều bạn chưa thực sự hiểu được nhu cầu nhân lực của Kỹ thuật Hoá học rất cao và mức thu nhập rất cạnh tranh.

Trong khi một dẫn chứng cho thấy, ngành Kỹ thuật Hoá học luôn nằm trong top đầu các ngành học sau khi ra trường có mức lương trung bình cao nhất tại Mỹ. Cá biệt như năm nay (2023), Kỹ thuật Hoá học còn giữ vị trí Top 1.

Cụ thể, năm 2023, Kỹ thuật Hoá học đang là ngành có thu nhập trung bình cao nhất 5 năm kể từ khi ra trường trong số các ngành được khảo sát tại Mỹ. Mức thu nhập được khảo sát rơi vào khoảng 75.000 USD/năm, cao hơn cả một ngành vốn rất hot Kỹ thuật Máy tính (74.000 USD).

Đối với thị trường Việt Nam, hiện tại mức thu nhập trung bình của một kỹ sư hóa mới ra trường dao động trong khoảng 12-15 triệu đồng/tháng và có thể lên đến 20 triệu đồng đối với các bạn học tốt và chịu khó thực tập để tích lũy kinh nghiệm kể từ khi còn đang ngồi trong ghế nhà trường.

Một góc phòng thí nghiệm Polymer - Composite trong Kỹ thuật Hóa học tại Trường Đại học Phenikaa (Ảnh: NTCC)

Một góc phòng thí nghiệm Polymer - Composite trong Kỹ thuật Hóa học tại Trường Đại học Phenikaa (Ảnh: NTCC)

Ngành Kỹ thuật Hoá học được đào tạo tại môi trường đại học như thế nào?

Nắm bắt được xu thế đó, Trường Đại học Phenikaa bắt đầu đào tạo ngành Kỹ thuật Hoá học từ năm 2020-2021. Quy mô đào tạo/tuyển sinh khoảng 60 sinh viên/năm.

Với đội ngũ giảng viên xuất sắc, 100% giảng viên Tiến sĩ có kinh nghiệm làm việc tại các nước tiên tiến và chương trình đào tạo có tham khảo và đối sánh với các trường tiên tiến như: Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Manchester...

Khi học, sinh viên sẽ được phát triển kỹ năng chuyên môn thông qua thực hành và trải nghiệm ngay từ năm đầu tiên. Hoạt động trải nghiệm tại các cơ sở thực tế sẽ diễn ra 1-2 lần/ năm học.

Cụ thể, sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học sẽ được trang bị các kiến thức về các quá trình sản xuất, dây chuyền công nghệ các sản phẩm của ngành Kỹ thuật Hóa học theo ba định hướng: Năng lượng mới, Hóa dược - Mỹ phẩm và Polymer - Composite, được lựa chọn dựa trên tầm nhìn phát triển của thị trường lao động Hóa học tại Việt Nam cho tới năm 2030.

Theo đó, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức nền tảng về khoa học hóa học và ứng dụng của hóa học trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe.

So với Hóa học, kỹ sư ngành Kỹ thuật Hóa học ngoài các môn đặc trưng cho Hóa học như Hóa vô cơ-hữu cơ, Hóa phân tích… còn cần phải nắm vững các kiến thức về Vật lý, Toán học (đặc biệt là giải tích) và ứng dụng vào các môn đặc thù như truyền nhiệt-chuyển khối, thiết kế các thiết bị và quá trình trong công nghiệp, mô phỏng, kỹ thuật phản ứng…

Bên cạnh các hoạt động và trải nghiệm doanh nghiệp, sinh viên ngành Kỹ thuật Hoá học được khuyến khích tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và thử thách trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Triển vọng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên học ngành Kỹ thuật Hóa học cũng rộng mở hơn, từ các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu đến các doanh nghiệp với nhiều vị trí đa dạng và mức lương hấp dẫn.

Theo Tiến sĩ Đào Văn Dương, để theo học được ngành Kỹ thuật Hóa học, thí sinh cần có những tố chất và kỹ năng như cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, có trách nhiệm; kiên trì và nhẫn nại; có tư duy sáng tạo; có khả năng phân tích, tổng hợp, nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu con người và đặc biệt cần có sự đam mê, yêu thích nghiên cứu bởi nếu các bạn không đam mê, không thích thú thì chắc chắn khi học tập và làm việc sẽ thấy khó khăn và vất vả.

Bên cạnh những kỹ năng đã biết, các em cần trau dồi thêm những kỹ năng khác như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng quản lý điều hành,... và chuẩn bị một tâm thế tốt để học tập hiệu quả.

Hiện nay, không thiếu những bạn nữ tham gia vào ngành kỹ thuật. Cơ hội nghề nghiệp của phái nữ trong lĩnh vực Kỹ thuật Hóa học không hề kém cạnh hơn nam giới.

Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng nghề của ứng viên không hẳn ở sức mạnh, mà còn sự khéo léo, tinh nhạy, thậm chí ở các kỹ năng mềm như khả năng ứng xử, giao tiếp… những đặc điểm vốn là lợi thế của nữ giới.

Phạm Linh