LTS: Liên quan đến những bất cập trong 3 Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập;
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự chia sẻ, tiếng nói của lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương, bày tỏ mong muốn, kiến nghị sửa đổi bất cập, để nâng cao đời sống giáo viên.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Mới đây, Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã ra thông báo “hủy bỏ kết quả trúng tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn năm học 2018-2019” đối với ba trường hợp.
Trúng tuyển kỳ thi viên chức ngành giáo dục là ước mơ của nhiều giáo viên nhưng những bất cập của 3 Thông tư liên tịch đã khiến nhiều người chấp nhận "vứt bỏ" vì không chịu được mức lương quá thấp. (trong ảnh: kỳ thi tuyển viên chức tại Quảng Nam). |
Những trường hợp này đã trúng tuyển vị trí giáo viên mầm non hạng IV, và hai trường hợp trúng tuyển vị trí giáo viên Tiểu học hạng IV nhưng không đến nhận công tác.
Đây được xem là “trường hợp đặc biệt hiếm có” của ngành giáo dục. Bởi để vượt qua các kỳ thi tuyển giáo viên trong giai đoạn cắt giảm biên chế cam go này thì các thí sinh phải trãi qua sự cạnh tranh khốc liệt.
Theo tìm hiểu thì ngoài các trường hợp ở quận Ngũ Hành Sơn thì nhiều giáo viên trúng tuyển ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cũng không đến nhận quyết định công tác, dù đã trúng tuyển.
Nỗi khổ của giáo viên học Đại học… phải nhận lương trung cấp, cao đẳng |
Nguyên nhân xuất phát từ sự bất cập của 3 Thông tư liên tịch, quy định mức lương của giáo viên mầm non và Tiểu học hạng IV.
Trong khi các giáo viên trúng tuyển đều tốt nghiệp Đại học Sư phạm (phù hợp với chuyên ngành dự thi) nhưng chỉ được nhận mức lương của hệ trung cấp.
Với mức lương ít ỏi này, các thầy, cô đã chọn hướng đi khác, thay vì đến nhận quyết định công tác. Một số giáo viên đã chọn các trường tư thục để giảng dạy với mức lương cao hơn nhiều.
Nhiều lần kiến nghị, sửa đổi bất cập
Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, 3 Thông tư nói trên có những quy định bất cập, hết sức vô lý mà ngành giáo dục địa phương này đã nhiều lần kiến nghị Trung ương giải quyết.
“Tại nhiều cuộc làm việc với Bộ Nội vụ, chúng tôi đã nêu rõ quan điểm và có nhiều kiến nghị để thay đổi quy định. Rồi cũng có văn bản đề nghị sở Nội vụ kiến nghị thêm với Bộ Nội vụ nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi”.
Ông Quốc phân tích thêm, giáo viên tốt nghiệp Đại học hay Trung cấp, Cao đẳng có sự chênh lệch khá lớn về trình độ, chất lượng.
Bất cập của 3 Thông tư liên tịch làm khổ giáo viên |
Ở bậc Đại học thì giáo viên được đầu tư nhiều hơn cả về chất, tiền bạc, thời gian… Vậy làm sao lại áp một mức lương đồng đều như người học trung cấp ra?
Đó là chưa kể một điều bất hợp lý khác là chúng ta đang kêu gọi nâng cao chất lượng giáo viên, chuẩn hóa rồi đặt ra quy định tuyển dụng là trình độ Đại học trở lên. Nhưng khi tuyển vào rồi lại áp dụng một mức lương thấp hơn trình độ họ được đào tạo.
“Khi tuyển dụng giáo viên ở Quảng Nam, các thầy cô có rất nhiều tâm tư. Nhưng để có được một chỉ tiêu tuyển dụng thì rất khó khăn nên họ đành chấp nhận, không dám ‘vứt bỏ’ như nhiều giáo viên ở Đà Nẵng.
Thực tế thì đời sống giáo viên nói chung, nhất là giáo viên mầm non rất khó khăn. Công việc của các cô giáo mầm non cũng vất vả nhưng mức lương hiện tại của họ không tương xứng”.
Ông Quốc cũng thừa nhận, các văn bản nói trên là do Trung ương ban hành nên dù địa phương có thấy bất hợp lý thì cũng phải thực hiện.
“Chúng tôi cũng hy vọng có nhiều tiếng nói góp ý để thay đổi, hạn chế những bất cập trong 3 Thông tư này, để nâng cao đời sống của giáo viên”, ông Quốc kiến nghị.
“Thiệt thòi cho giáo viên”
Tương tự, tại Đà Nẵng, ngành Giáo dục và ngành Nội vụ cũng đã có nhiều kiến nghị về những bất cập trong 3 Thông tư liên tịch nói trên.
Sự thật về lương và phụ cấp của nhà giáo, có ai tin được những con số dưới dây? |
Theo ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng thì ba Thông tư nói trên có nhiều điểm bất hợp lý, cần phải thay đổi.
Đó là cách xếp lương không công bằng giữa các đối tượng được tuyển dụng trong một cấp học.
Những người có trình độ cao Đại học nhưng vẫn hưởng ngang lương với người có trình độ trung cấp, cao đẳng. Mà các hệ đào tạo này có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên sâu, thời gian đào tạo…
“Theo quy định của các Thông tư này thì thời gian để thăng hặng và xếp lương từ trình độ trung cấp lên đại học dài (9 năm), dẫn đến mức lương thấp hơn so với quy định trước đây (trước khi có thông tư) và tương quan chung”, ông Đồng cho hay.
Theo ông Đồng thì đây là thiệt thòi, bất cập mà viên chức ngành giáo dục và đào tạo gặp phải.
Không thống nhất giữa mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn trình độ giáo viên với việc thực hiện tốt, thỏa đáng chế độ, chính sách đội ngũ nhà giáo.
Do đó, sở Nội vụ Đà Nẵng đã có kiến nghị gửi Bộ Nội vụ đề nghị thay đổi, điều chỉnh 3 Thông tư này.