Tính đến hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Bên cạnh phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, một số trường, đặc biệt là các trường đại học "top đầu" có xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, dựa vào kết quả kỳ thi tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Việc đa dạng phương thức tuyển sinh mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, các sĩ tử sẽ vất vả hơn vì vừa phải ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa phải có kế hoạch học tập phù hợp để dự tuyển vào các trường đăng ký nguyện vọng.
Để lắng nghe quan điểm của chuyên gia về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Ánh) |
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, hiện nay các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh nên việc bổ sung thêm nhiều phương thức xét tuyển mới, trong đó mở rộng ưu tiên xét tuyển thí sinh thông qua kết quả kỳ thi thi đánh giá năng lực, kỳ thi tư duy là quyền của các trường và điều này cũng không trái với luật.
"Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14, các trường đại học được quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.
Tiến sĩ Khuyến nhận định, kỳ thi đánh giá năng lực cũng là một trong những xu hướng ra đề thi hiện nay. Tuy nhiên, những trường xét tuyển theo phương thức này cần đảm bảo đủ cơ sở, năng lực tổ chức, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" bởi không phải trường nào cũng đủ khả năng xây dựng ngân hàng đề và tổ chức kỳ thi riêng.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu mỗi trường có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, học sinh muốn thi 3 trường sẽ phải tham gia 3 đợt thi rất mất thời gian, công sức và tiền bạc. Chưa kể các em vẫn phải hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì đó là điều bắt buộc.
Điều này đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013: "Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
"Theo tôi, để thuận tiện nhất cho thí sinh, những trường "top giữa", "top dưới" vẫn có thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đầu vào. Một số ngành yêu cầu người học có năng khiếu thì sẽ mở kỳ thi phụ giống như kỳ thi năng khiếu báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và kỳ thi năng khiếu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ.
Đừng ôm đồm nhiều mà "lợi bất cập hại"
Thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, trước kia các trường đại học tuyển sinh chủ yếu phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Từ năm 2020, kỳ thi này đã được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tính phân hóa của đề thi không cao. Chính vì vậy, việc tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi này sẽ không còn phù hợp và các trường đại học "top đầu" phải tổ chức thêm kỳ thi riêng để kiểm tra, đánh giá chất lượng đầu vào theo tiêu chuẩn nhà trường đề ra.
Hiện tại, phía Nam có Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy độc lập.
Theo thầy Ngọc, ưu điểm của các phương thức tuyển sinh này là mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh. Việc đánh giá bằng những công cụ khác nhau theo cách thức khác nhau sẽ giúp các em có cơ hội thể hiện mình.
"Trước đây, thí sinh phải đặt cược hết vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì hiện nay các em có nhiều con đường hơn để vào đại học. Mỗi bạn sẽ tìm được điểm mạnh, phương thức tuyển sinh phù hợp để sử dụng nó trong quá trình xét tuyển", Thầy Ngọc chia sẻ.
Thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định, vì là năm đầu tiên triển khai đa dạng các phương thức tuyển sinh trên quy mô lớn nên rất nhiều phụ huynh, học sinh đang bị rối trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển vào đại học phù hợp nhất.
"Phần lớn học sinh và phụ huynh đang hiểu sai về việc có nhiều cơ hội là như thế nào. Tôi thấy rất nhiều em ôn thi dàn trải. Ngoài thi tốt nghiệp trung học phổ thông là bắt buộc, một số bạn chọn học thêm chứng chỉ IELTS, có bạn còn tham vọng vừa đăng ký thi đánh giá năng lực, vừa tham gia kỳ thi đánh giá tư duy...
Năm 2021, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, học sinh nhiều tỉnh, thành học trực tuyến trong thời gian dài. Bây giờ các em còn phải phân thân để ôn luyện nhiều kỳ thi thì áp lực đối với việc học là rất lớn. Mặt khác, khi các em ôm đồm nhiều như vậy sẽ "lợi bất cập hại", kết quả đạt được không thể như kỳ vọng", Thầy Ngọc nói.
Vị giáo viên này cho rằng, mỗi trường đều có những phương thức tuyển sinh khác nhau và chỉ tiêu cho mỗi phương thức nhìn chung đều rất ít, chỉ chiếm khoảng 10-20% nên dù tuyển sinh theo cách nào thì các trường vẫn xét kết quả của thí sinh từ cao xuống thấp.
Thầy Vũ Khắc Ngọc khuyên học sinh nên tập trung dồn sức vào một vài phương thức bản thân có thế mạnh. Ví dụ, đối với bạn đạt giải thưởng học sinh giỏi, điểm tổng kết trên học bạ cao, nên xét tuyển bằng học bạ. Những bạn có thế mạnh tiếng Anh, sẵn kết quả thi IELTS ở mức tốt, khoảng 6.5 trở lên thì có thể xét vào đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ.
"Các em không nên đặt tham vọng ôn và thi cùng lúc nhiều kỳ thi. Trước hết, cần tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và nếu có điều kiện, hãy ôn thêm một trong những phương thức xét tuyển còn lại. Thực chất các kỳ thi có tên gọi khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích chung là đánh giá năng lực của học sinh, dựa trên nền tảng kiến thức trung học phổ thông.
Sai lầm của một số học sinh là cố tìm những điểm khác nhau của các kỳ thi này để học và học thêm. Trong khi giải pháp đúng phải là tìm ra điểm chung, cốt lõi của chúng để học", vị giáo viên này nhấn mạnh.