UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ký văn bản trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đề án thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017 của riêng thành phố.
Theo đó, đề án này sẽ bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 áp dụng ngay từ năm 2017 và giai đoạn 2 áp dụng từ năm 2018 trở về sau.
Giai đoạn 1 sẽ có 3 môn thi là: Văn, Toán thi hình thức tự luận trong thời gian 120 phút, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm trong thời gian 90 phút. Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày 2, 3/6/2017. Hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi môn thay thế cho môn Ngoại ngữ.
Giai đoạn 2 sẽ thi 4 môn, bao gồm 3 môn trên, cộng với môn thi mới là môn tích hợp, làm bài trong thời gian 120 phút. Tương tự thì hệ giáo dục thường xuyên cũng thi môn thay thế cho môn Ngoại ngữ.
Ngay sau khi đề án này được công bố công khai, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại TP.Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quan tâm, đồng thời rất băn khoăn, lo lắng cho đề án này.
Bình luận về đề án này, cô Huỳnh Thị Diệu Quỳnh – Tổ trưởng tổ Lý, Trường trung học phổ thông Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) đã nói rằng, đề án này mang tính cục bộ nhiều hơn.
Theo cô Quỳnh, đề án này chỉ riêng của thành phố, các tỉnh, địa phương khác không làm được như vậy, trình độ giữa học sinh địa phương này và địa phương khác không giống nhau, như vậy, nếu sử dụng kết quả thi của riêng TP.Hồ Chí Minh, thì các trường Đại học có chịu không?
Thí sinh của TP.Hồ Chí Minh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: P.L) |
Nói tiếp về đề án này, cô Quỳnh đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về cụ thể số môn thi trong giai đoạn 1 chỉ có 3 môn (Văn, Toán, Anh) thì rõ ràng chỉ hợp cho khối A1, các khối khác thì lại không được, thì rõ ràng, lại phải thi một kỳ thi chung vào Đại học thì không thể gọi là giảm tải được.
Theo cô Quỳnh, cách tốt nhất để giảm áp lực thi cử cho học sinh TP.Hồ Chí Minh, nên đề xuất xét tốt nghiệp dựa trên học bạ, hạnh kiểm cuối năm lớp 12, tương tự như cuối cấp trung học cơ sở, còn kỳ thi Đại học thì nên giao cho các trường Đại học tự tổ chức, hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức cũng được.
Giai đoạn 2 của đề án này: Không xét tới điểm của học bạ cuối năm học, mà có thêm một thi tích hợp được cô Quỳnh đánh giá là ý kiến tốt. Bởi vì, xét tới điểm học bạ cũng nhiều khi không chính xác, do sẽ có tình trạng giáo viên thương học sinh, cho học sinh những điểm số đẹp.
Nữ giáo viên này cũng nói thêm, một khi kỳ thi với tỷ lệ tốt nghiệp đậu với một tỷ lệ rất cao, trên 95%, thậm chí có nơi tới gần 100%, thì tốt nhất là không nên tổ chức nữa, mà nên xét tốt nghiệp, tập trung vào kỳ thi Đại học.
Cũng đồng quan điểm như vậy, cô Nghiêm Thị Xoa – Tổ trưởng tổ Toán, Trường trung học phổ thông Thanh Đa cũng cho rằng, đề án mà TP.Hồ Chí Minh vừa đề xuất lên Bộ Giáo dục, vô tình làm cho học sinh của thành phố phải chịu nhiều áp lực hơn học sinh các tỉnh, thành phố khác.
Lý do được cô Xoa đưa ra là do học sinh của thành phố sau khi trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì lại phải thì thêm kỳ thi tuyển sinh vào Đại học, do chưa thể biết rằng, các trường Đại học có đồng ý với phương án thi của thành phố không?
Các giáo viên cũng mong muốn đề án này cần được thể hiện rõ ràng hơn, các môn nào thi trắc nghiệm, môn nào thi tự luận, cần phải công bố rộng rãi cho học sinh biết trước thời gian dài để chuẩn bị, chứ đừng để tới sát thời gian thi mới công bố sẽ không kịp ôn tập cho học sinh.
Cuối cùng, cô Xoa đề xuất rằng, phương án tốt nhất là TP.Hồ Chí Minh nên tham gia vào kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc là có phương án riêng, các bài kiểm tra học kỳ 2 năm lớp 12 của học sinh có thể nâng cao kiến thức hơn một chút, sử dụng kết quả này để đánh giá cho xét tốt nghiệp.
Nhiều trường Đại học lớn tại TP.Hồ Chí Minh khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đều đã khẳng định rằng, phương án xét tuyển dựa vào học bạ, nhất là học bạ lớp 12 là điều mà các trường này hoàn toàn chưa bao giờ muốn làm.
Vì nếu được, phương án này đã được thực hiện từ nhiều năm trước, chứ không phải đến giờ vẫn còn phải tổ chức kỳ thi bình thường.
Nếu đề án này được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, các trường Đại học bắt buộc phải có phương án xét hay thi tuyển riêng cho mình, sao cho hợp lý nhất.
Ví dụ: Có thể dựa vào các nguồn từ kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, kết quả kỳ thi riêng của TP.Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh hay là của Đại học Quốc gia Hà Nội.