Khi nào Việt Nam thành quốc gia liên bang thì hãy nghĩ đến phương án thi riêng

24/09/2016 06:13
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là nhận xét của TS.Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khi nhìn nhận về đề án thi và xét tốt nghiệp THPT của TP.Hồ Chí Minh.

Ngày 22/9, báo chí thông tin UBND TP.Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản xin thẩm định của Bộ GD&ĐT về đề án "Thi và xét tốt nghiệp THPT năm 2017". Đây là địa phương đầu tiên đề xuất tự công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo đó, năm 2017, thí sinh tại TP.Hồ Chí Minh chỉ phải thi 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Việc xét tốt nghiệp THPT được thực hiện theo công thức: {(Tổng điểm 3 bài thi + tổng điểm khuyến khích - nếu có)/3 + điểm trung bình cả năm lớp 12}/2 + điểm ưu tiên (nếu có).

Trước đề án này, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ gây rối rắm, khó khăn cho học sinh cũng như việc xét tuyển của các trường Đại học. 

Khi nào Việt Nam thành quốc gia liên bang thì hãy nghĩ đến phương án thi riêng ảnh 1
Chừng nào Việt Nam thành quốc gia liên bang thì hãy nghĩ đến phương án thi riêng (Ảnh minh họa của Thùy Linh)

Theo TS.Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Nếu TP.Hồ Chí Minh có phương án thi riêng thì sẽ phá vỡ cơ chế giáo dục của một đất nước thống nhất. 

Theo tôi được biết chỉ ở các nước liên bang thì mỗi tiểu bang mới được tổ chức kỳ thi riêng.

Trong khi, Việt Nam không theo cơ chế liên bang nên địa phương đưa ra phương án thi riêng là không thể chấp nhận. 

Bởi lẽ, kết quả kỳ thi quốc gia còn được dùng để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Do vậy, nếu các trường trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có một chuẩn khác so với quy định chung của cả nước thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học”. 

Chắc chắn, thí sinh tỉnh khác muốn xét tuyển vào các trường ở TP.Hồ Chí Minh và thí sinh ở TP.Hồ Chí Minh muốn đăng ký xét tuyển vào các trường ở các tỉnh khác sẽ gặp khó khăn vì không có sự thống nhất về chuẩn”, TS.Lê Viết Khuyến lý giải. 

TS.Lê Viết Khuyến cho rằng: “Nếu mỗi địa phương đều xin đề án thực hiện phương án thi riêng như TP.Hồ Chí Minh thì đất nước ta, nền giáo dục nước ta sẽ cực kỳ lộn xộn”. 

Do đó, nguyên Vụ phó Vụ Đại học nhấn mạnh: “Chừng nào Quốc hội thông qua quyết định Việt Nam thành quốc gia liên bang thì hãy nghĩ đến phương án thi riêng như thế”. 

Đề án đi "lệch" với phương án của Bộ

Theo đề án gửi Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT tại TP.Hồ Chí Minh do Sở GD&ĐT Thành phố chịu trách nhiệm tổ chức ra đề; nội dung nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12, nêu rõ điểm của câu hỏi. 

Trong kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu và nội dung. Mỗi đề thi có hướng dẫn chấm và đáp án kèm theo.

Khi nào Việt Nam thành quốc gia liên bang thì hãy nghĩ đến phương án thi riêng ảnh 2

Bộ Giáo dục cần sớm có phương án thi quốc gia ổn định, lâu dài để xã hội yên tâm

(GDVN) - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm: "Đổi mới thi tốt nghiệp THPT là cần thiết nhưng đã đến lúc Bộ cần sớm đưa ra một phương án ổn định lâu dài để xã hội yên tâm".

Cũng theo đề án này, từ năm 2018, điểm xét tốt nghiệp THPT không sử dụng kết quả điểm học bạ lớp 12 nữa mà điểm xét tuyển sẽ bằng tổng điểm trung bình các bài thi cùng điểm khuyến khích (nếu có) + điểm ưu tiên (nếu có). 

Ở giai đoạn này, ngoài 3 môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ), thí sinh sẽ thi thêm môn tích hợp. Môn thi tích hợp bao gồm các môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân.

Hướng ra đề thi môn tích hợp sẽ nhằm kiểm tra năng lực của thí sinh hơn là kiến thức. 

Trong khi, Dự thảo của Bộ năm 2017, thí sinh thi tối thiểu từ 4-5 bài thi theo hướng trắc nghiệm, tổ hợp, đề thi phải bảo đảm 2 yêu cầu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.

Như vậy, rõ ràng đề án của Thành phố có độ vênh với dự thảo mà Bộ GD&ĐT đưa ra ngày 8/9 vừa qua về số bài thi, đề thi và mục đích thi. 

Nhìn nhận sự không thống nhất này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Học hết phổ thông thì học sinh phải trải qua kỳ thi quốc gia. Kỳ thi này Nhà nước đã giao cho Bộ GD&ĐT nên những vấn đề cơ bản phải do Bộ đưa ra. 

Trong lộ trình dự kiến thực hiện kỳ thi quốc gia mà Bộ đưa ra năm 2017 thí sinh làm 4 bài thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp), còn từ năm 2018 trở đi, thí sinh làm cả 5 bài thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp) nhằm đảm bảo giáo dục toàn diện ở phổ thông. 

Việc tổ chức thi giao cho các Sở GD&ĐT và gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương đó. 

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là một trong 63 đơn vị trong cả nước nên trước hết Sở GD&ĐT này cũng cần minh bạch trong quá trình tổ chức và tuân thủ theo quy định chung của Bộ GD&ĐT về mặt thời gian, các môn thi, quy chế thi. 

Tuy nhiên, Bộ cũng có thể cho phép TP.Hồ Chí Minh có một cơ chế đặc thù nào đó nếu địa phương này nhận định, đánh giá tình hình chất lượng học sinh tốt hơn các tỉnh còn lại.

Nhưng cơ chế này chỉ được thực hiện trong việc thêm vào đề thi một vài câu hỏi ở mức độ cao hơn mà vẫn phải đảm bảo theo chuẩn mà Bộ yêu cầu đối với với đề thi. 

Bởi nếu không tuân thủ theo quy định chung sẽ dẫn đến mỗi địa phương muốn có một phương án riêng thì nền giáo dục sẽ rơi vào tình trạng “loạn sứ quân
””. 

Thùy Linh