26 năm trong nghề giáo viên, trải qua 3 lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cô Nguyễn Thị Anh Lương, trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng, thành phố Cần Thơ đánh giá, lần đổi mới này là “có tính đột phá” và “phù hợp thời đại”.
Theo cô Lương, điểm đột phá lớn nhất của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tiếp cận những mảng kiến thức rất hiện đại, thực tế, cần thiết trong cuộc sống hiện nay, thay vì nặng về lý thuyết hàn lâm khô cứng như chương trình hiện hành.
Các môn học được trả về đúng bản chất, không còn tình trạng như môn Hóa học lại có nhiều bài nặng về Toán. Thời lượng cho các bài thực hành cũng được tăng lên. Điều này là đặc biệt cần thiết đối với các môn thực nghiệm.
Cô Nguyễn Thị Anh Lương, trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng, thành phố Cần Thơ (Ảnh cô Lương cung cấp) |
“Các khái niệm trong chương trình được chuẩn hóa và sử dụng chính xác hơn. chương trình giáo dục phổ thông mới còn cập nhật những mảng kiến thức hiện đại của thế giới, giúp giáo dục Việt Nam có tính hòa nhập, tương đồng với các nền giáo dục tiên tiến quốc tế. Đó là sự tiến bộ rất lớn”, cô Lương nói.
Dạy học gắn lý thuyết với ứng dụng thực tế cũng là điều mà cô Ngô Thị Hoàng Liên-Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, cho là “ưu điểm lớn nhất của chương trình giáo dục phổ thông 2018” và “mang lại lợi ích lớn nhất cho học sinh”.
Theo đó, chương trình thay đổi mục tiêu, từ giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức, giúp học sinh xong học sẽ nắm được kiến thức thì chuyển sang giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, giúp các em học xong biết ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tế cuộc sống.
Việc dạy học trên lớp tới đây sẽ không phải cô giảng, trò ghi chép, mà học tập thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục, chú trọng để học sinh “học qua làm” các thực hành, thí nghiệm.
Điều này, theo cô Liên, sẽ giúp các em dễ ghi nhớ và hiểu sâu các nội dung kiến thức.
Học sinh qua đó phát triển được các năng lực, phẩm chất, tự tin hơn và biết linh hoạt sử dụng các kiến thức học được vào xử lý các tình huống trong thực tiễn.
Trực tiếp nghiên cứu sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Liên và giáo viên trong trường nhận thấy sách giáo khoa lần này không nặng nề bởi các kiến thức hàn lâm.
Mỗi bài học trong sách đều được giới thiệu thông qua những gì thân quen với đời sống thực tế của học sinh.
Điều đó, theo nữ hiệu trưởng, sẽ giúp học sinh ngay khi học kiến thức trong sách giáo khoa sẽ định hình được phần nào việc mình có thể ứng kiến thức ấy để giải quyết những vấn đề tương tự trong cuộc sống.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng An khẳng định “chương trình, sách giáo khoa mới mang lại nhiều lợi ích cho học sinh” và có niềm tin rằng, sẽ có một thế hệ học sinh tự tin, năng động, tự chủ, biết vận dụng linh hoạt kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.
Bước đệm vững chắc từ những năm học trước
Đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự “đột phá” đối giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng trường tiểu học Gia Cẩm (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết:
Các giáo viên rất mong chờ được áp dụng. Lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa này, đội ngũ nhà giáo được tập huấn kỹ lưỡng ở cấp trường, cấp Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức rất nhiều khóa bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, tổ trưởng chuyên môn cốt cán.
Hình ảnh giáo viên sinh hoạt chuyên môn (Ảnh: moet.gov.vn) |
Tuy có nhiều điểm mới so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, như chuyển từ trang bị truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển năng lực phẩm chất học sinh, có nhiều sách giáo khoa cho một chương trình thống nhất, nhưng theo Hiệu trưởng Tuyết Mai:
“Ngay ở chương trình hiện hành, nếu giáo viên thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học thì đã là một phần của thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Cụ thể, những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều nhà trường đã đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá. Các chương trình VNEN, STEM đã tổ chức cho học sinh học tập theo nhóm, học qua dự án, qua thực hành trải nghiệm…
Điều này khuyến khích được học sinh học tập chủ động, sáng tạo hơn và hình thành, phát triển thêm các năng lực khác cho người học, thay vì chỉ học lý thuyết trong sách giáo khoa.
Hiệu trưởng trường tiểu học Hiệp Cường (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) - cô Nguyễn Thị Huế, cũng đồng tình rằng, những hoạt động đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá giáo viên thực hiện trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành vưa qua là “điều kiện thuận lợi để tới đây áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Những năm học vừa qua, trường tiểu học Hiệp Cường đã thực hiện nhiều mô hình dạy học tích cực, như:
Dạy Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch; dạy âm nhạc theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh; mô hình trường học mới; các phương pháp giáo dục bàn tay nặn bột…
Theo đó, học sinh được làm việc nhóm, được hợp tác thực hiện các sản phẩm học tập, thuyết trình dự án…
“Giáo viên đã quen với định hướng dạy học là tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, chứ không phải chỉ thầy giảng trò nghe và ghi chép.
Do đó, tới đây thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô trong nhà trường đều tự tin vì đã có bước đệm vững chắc là kinh nghiệm đổi mới dạy học những năm qua”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huế nói.